Sau 13 năm triển khai thực hiện, chương trình bình ổn thị trường đã trở thành bài học điển hình trong việc kết hợp vai trò quản lý nhà nước và phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp (DN), tạo hiệu ứng lan tỏa cao trong xã hội.
Hoàn thành nhiệm vụ nuôi dưỡng sức mạnh cho doanh nghiệp
Năm 2013 là năm đầu tiên TPHCM ngưng hỗ trợ vốn từ ngân sách với lãi suất 0% để thực hiện Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT). Thay vào đó, thành phố đã vận động các ngân hàng tham gia vào chương trình, thông qua việc cam kết dành gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) bình ổn.
Ngay trong năm đầu tiên thực hiện, chương trình đã nhận được sự hỗ trợ của 5 ngân hàng thương mại (gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín Sacombank; Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam Eximbank; Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam Chi nhánh Lý Thường Kiệt; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Bến Thành và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh 7), với tổng hạn mức tín dụng đăng ký dành cho các DN tham gia CTBOTT năm 2013 là 1.960 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngắn hạn là 860 tỷ đồng, lãi suất từ 6%/năm và vốn vay trung, dài hạn là 1.100 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm.
Tính đến nay, tổng hạn mức tín dụng đã thực hiện năm 2013 là 1.226,9 tỷ đồng, trong đó vốn ngắn hạn là 806,9 tỷ đồng; vốn trung và dài hạn là 420 tỷ đồng.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, việc ngưng hỗ trợ vốn từ ngân sách cho CTBOTT đã thực sự giải phóng được nhiều áp lực cho cả lãnh đạo TP và các DN tham gia thực hiện. Trên thực tế, những năm trước, các DN bình ổn chỉ được vay vốn lãi suất 0% tương ứng từ 10% - 15% tổng vốn lưu chuyển, nhưng với cách làm mới, DN được vay với hạn mức cao hơn nhiều nhưng mức lãi vay thì cũng chỉ bằng với lãi suất ưu đãi không quá 6%.
Ngoài ra, hạn mức vượt mức cho vay ưu đãi còn lại có sự tham gia cạnh tranh chia sẻ của một số ngân hàng khác cũng với lãi suất ưu đãi. Như vậy, tính ra tổng mức chi phí trả cho tiền vay trong tổng mức kinh doanh, bình quân vẫn tốt hơn so với nguồn vốn vay từ ngân sách với lãi suất 0%. Nói cách khác, việc sử dụng nguồn vốn ngân sách trong những năm trước chỉ là “vốn mồi”, để thực hiện tốt chương trình, đáp ứng được sản lượng hàng hóa bình ổn thì tự thân các DN phải có sự đầu tư rất lớn.
Thử làm một phép tính, vốn ngân sách với lãi suất 0% dành cho 4 CTBOTT năm 2012 chỉ dừng ở mức 270 tỷ đồng, nhưng sang năm 2013, vốn đăng ký từ 5 ngân hàng lên tới 1.960 tỷ đồng, đã tạo điều kiện cho các DN tiếp cận với các nguồn vốn khác nhau với lãi suất hợp lý.
Điều quan trọng trong quá trình giải ngân, nhiều ngân hàng đã chấp thuận cho một số DN được vay vốn tín chấp nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu về tài chính cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài nguồn vốn nêu trên, TP còn tạo điều kiện cho các DN được vay vốn theo Quyết định 33 về chương trình kích cầu đầu tư mở rộng chuồng trại, chăn nuôi, đầu tư con giống, đổi mới công nghệ… Các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, được hỗ trợ kết nối đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối.
Các tổ chức chính trị cùng vào cuộc
Theo quan điểm của TPHCM, bình ổn thị trường nếu chúng ta chỉ tập trung cho phát triển nguồn hàng thì chưa đủ, điều quan trọng là phải phát triển được mạng lưới phân phối hàng hóa rộng khắp đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, các KCX-KCN của TP.
Chính do vậy, tháng 12-2011, TPHCM đã tổ chức lễ ký kết liên tịch giữa các đơn vị Thành đoàn TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm triển khai mạng lưới phân phối thực hiện chương trình bình ổn thị trường. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa hàng bình ổn vào các khu dân cư, KCX-KCN. Việc ký kết cũng cho thấy, TPHCM đã và đang thành công trong việc vận động các tổ chức chính trị cùng tham gia vào công tác bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, các bên đã phát triển được nhiều cửa hàng bình ổn trong các khu dân cư, tổ chức hàng trăm chuyến bán hàng lưu động đến nhiều địa điểm vùng sâu của TP. Tính đến hết năm 2013, CTBOTT tại TPHCM đã phát triển được 8203 điểm bán, tăng 1.270 điểm so với đầu chương trình 2013. Hàng bình ổn đã phủ kín địa bàn 24 quận, huyện, các KCN, KCX. Ngoài ra, chương trình tổ chức 1.266 chuyến bán hàng lưu động, thực hiện đưa hàng hóa vào 23 bếp ăn tập thể, phục vụ hơn 65.000 suất ăn cho nhiều đối tượng khác nhau.
Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, năm 2013 mặc dù TPHCM đã ngưng hỗ trợ ngân sách để thực hiện nhưng CTBOTT vẫn được triển khai với quy mô lớn, đi vào chiều sâu hơn các năm trước.
Các chương trình tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các bộ - ngành trung ương, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của nhiều DN và sự tin tưởng của người tiêu dùng. DN bình ổn đã chủ động tạo nguồn hàng, phát triển điểm bán, chấp hành đúng quy định, tuân thủ sự điều phối của Sở Công thương về lượng hàng cung ứng ra thị trường. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng đảm bảo và giá cả ổn định theo giá đã đăng ký, qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt thị trường.
Với cách làm này, TPHCM đã thành công trong việc xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường, qua đó tạo được sự kết nối giữa các thành phần DN cùng nhau thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng, với xã hội trong việc tạo nguồn hàng, ổn định thị trường, giá cả, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
THÚY HẢI