Thành phố Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm

Liên tục trong 2 ngày 15 và 16-4, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với những doanh nghiệp (DN) tham gia các chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) nhằm triển khai kế hoạch BOTT năm 2015 và Tết Bính Thân 2016 trên địa bàn TP, đồng thời ghi nhận những thuận lợi, khó khăn của DN trong quá trình thực hiện.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Tại cuộc họp, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương đã thông báo đến các DN về nội dung các quyết định, kế hoạch của UBND TPHCM về việc thực hiện CTBOTT. Tổng số DN tham gia các chương trình năm nay là 85 DN, tăng 9 DN so với năm 2014. Hàng hóa trong chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp, có nguồn cung dồi dào tham gia cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân TP, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường. Lượng hàng hóa từ các chương trình sẽ tăng bình quân 25% - 35%, chiếm từ 30% - 40% thị trường. Giá cả đảm bảo thấp hơn so với giá sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường 5% - 10%.

Năm 2014, TPHCM đã hoàn thành việc tổ chức cuộc thi thiết kế biểu trưng (logo) cho chương trình, do vậy năm 2015, TPHCM sẽ đưa logo vào các sản phẩm nhằm nâng cao nhận diện của các mặt hàng, dịch vụ bình ổn, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đơn vị tham gia chương trình trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ với giá cả phù hợp và chất lượng hàng hóa ngày càng tăng. Việc triển khai đưa logo của chương trình vào sản phẩm trong năm 2015 sẽ được thực hiện quyết liệt hơn.

Về việc đăng ký xe vận chuyển hàng hóa trong chương trình, các DN cần có danh sách cụ thể gửi về Sở Công thương, từ đó sở sẽ đề xuất với Sở Giao thông Vận tải cấp phép lưu thông. Về phát triển điểm bán, hiện Sở Công thương đang nắm khá nhiều danh sách mặt hàng thuộc sở hữu nhà nước, các DN có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp sở để được hướng dẫn thủ tục. Năm 2015, các ngân hàng đã dành gói tín dụng 11.850 tỷ đồng với lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ vốn cho DN, do vậy các DN cần nhanh chóng liên hệ với Sở Tài chính để biết được hạn mức phê duyệt, trong trường hợp cần vay thêm vốn nên đăng ký với các sở, ngành để được hướng dẫn cụ thể. Trong quá trình giao dịch, nếu DN gặp khó khăn, cần báo ngay cho các đơn vị chức năng xem xét, giải quyết. Liên quan đến lãi suất cho vay, bà Lê Ngọc Đào lưu ý các ngân hàng cần thực hiện đúng những cam kết với TP về tổng hạn mức, lãi suất cho vay ngắn hạn và dài hạn. Trong trường hợp phát hiện các đơn vị có hành vi vi phạm, sẽ kiến nghị cấp trên xử lý nghiêm.

Năm 2015, TPHCM sẽ tăng cường hỗ trợ DN quảng bá hình ảnh trên các phương tiện thông tin. Theo đó, Sở Công thương tiếp tục ký hợp đồng thực hiện chuyên trang CTBOTT với Báo Sài Gòn Giải Phóng để chuyển tải kịp thời những chủ trương, chính sách của TP cũng như hoạt động của các DN. Ngoài ra, sở cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn để tăng cường kiến thức về giao dịch thương mại điện tử cho các DN.

Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Cùng với việc triển khai nguồn hàng cung cấp cho chương trình, năm 2015, TPHCM sẽ quan tâm đặc biệt đến chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Theo đó, TP sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành nhằm giám sát chặt chẽ các nội dung này.

Theo Sở Công thương, năm nay các sở, ngành chức năng tiếp tục áp dụng mức phạt theo Nghị định 178 trong lĩnh vực ATVSTP. So với các văn bản cũ, mức phạt mới cao hơn rất nhiều, đối với cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị phạt tới 100 triệu đồng và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Cùng với đó, các tổ chức hoặc cá nhân khi vi phạm là bị đình chỉ kinh doanh, không cần chờ tái phạm hoặc có tình tiết tăng nặng như những văn bản trước đó.

Thực tế kiểm tra cho thấy, tại các hệ thống siêu thị thường mắc vào các lỗi như hàng hóa bị quá hạn sử dụng do nhân viên không chú trọng đến việc đảo hàng khi châm thêm hàng mới; không để ý đến hạn sử dụng ghi trên bao bì khi chiết, rót hàng mới; nhãn hàng hóa không phù hợp với hồ sơ công bố; vi phạm về khuyến mãi; vi phạm về quảng cáo rượu và thuốc lá… Vì vậy, nội dung kiểm tra trong thời gian tới tiếp tục tập trung vào chất lượng hàng hóa, nhãn mác hàng hóa, hạn sử dụng, đặc biệt là kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm khi đưa vào hệ thống phân phối...

Để hạn chế vi phạm, Sở Công thương yêu cầu các đơn vị kinh doanh cần tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc nguyên liệu khi đưa vào phân phối. Tập huấn thường xuyên cho nhân viên trong việc chăm sóc hàng hóa, quầy kệ; xem lại bao bì hàng hóa trước khi chiết hoặc rót hàng mới nhằm tránh tình trạng hàng bên trong tốt nhưng bao bì bên ngoài lại ghi quá hạn sử dụng.

Riêng đối với hàng hóa bình ổn, hiện nay nhiều nhóm hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt gia súc, thịt gia cầm đều đã sản xuất theo quy trình truy suất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn. Trong đó, hầu hết các thương hiệu như gà Phạm Tôn, gà San Hà, trứng Ba Huân, trứng Vĩnh Thành Đạt, rau Phú Lộc, rau Thảo Nguyên, rau Anh Đào… đều đã sản xuất theo quy trình VietGAP. Do vậy, tại các hệ thống siêu thị cần bố trí những quầy hàng riêng để bày bán hàng bình ổn theo đúng quy cách, lượng hàng phải đảm bảo đa dạng, phong phú với nhiều thương hiệu trong chương trình nhằm tạo sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuyệt đối không để chung hàng bình ổn với các mặt hàng khác. Ngoài việc đưa logo vào sản phẩm bình ổn, các hệ thống phân phối cần lưu ý tại mỗi điểm bán cần có băng rôn, chỉ dẫn, có niêm yết giá cả để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ thấy.

Rút kinh nghiệm năm 2014, khi Tổ Công tác CTBOTT đi thực tế đã phát hiện nhiều điểm bán chỉ lấy một vài mặt hàng bình ổn về bán. Điều đáng lưu ý, hàng hóa bán lẫn lộn, bao bì, nhãn mác không đẹp và không đảm bảo theo đúng quy cách. Để khắc phục tình trạng này, các hệ thống phân phối nên hình hành bộ phận kiểm tra chất lượng hàng hóa nội bộ. Có sự chọn lọc hàng hóa khi đưa vào kinh doanh nhằm giữ uy tín cho chương trình nói chung và DN nói riêng. Tất cả các mặt hàng thực phẩm cần phải đảm bảo đủ điều kiện ATVSTP và có hồ sơ công bố chất lượng. Các hệ thống phân phối nên ưu tiên hàng hóa trong chương trình bình ổn. Phương thức thanh toán đối với các DN trong chương trình và DN ngoài chương trình phải đúng thời hạn. “Một trong những nội dung kiểm tra năm nay là điểm danh hàng bình ổn vào siêu thị sẽ được “đối xử” như thế nào, từ việc trưng bày đến thời gian thanh toán. Trong trường hợp vi phạm sẽ có mức xử lý nghiêm”, bà Lê Ngọc Đào kết luận.

Tăng lượng hàng cho thị trường 30-4 và 1-5

Theo Sở Công thương TPHCM, hiện thị trường đang chuẩn bị bước vào đợt kích cầu mua sắm dịp lễ 30-4 và 1-5. So với các năm trước, năm nay kỳ nghỉ lễ kéo dài tới 6 ngày, do vậy các DN cần cân đối, tăng lượng hàng cho dịp lễ, đảm bảo nhu cầu mua sắm đầy đủ cho người dân. Theo đó, các DN thực hiện khuyến mãi phải đảm bảo đúng theo yêu cầu, nội dung đã đăng ký, không quảng cáo khuyến mãi sốc, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Hàng hóa được chọn khuyến mãi phải được cung ứng đầy đủ về số lượng, đảm bảo đúng mức giảm giá như công bố. Dịp này, các sở, ngành chức năng cũng sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát thị trường.

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục