(SGGP).- UBND TPHCM và chính quyền thành phố Osaka (Nhật Bản) đã phối hợp tổ chức đối thoại cấp thị trưởng về việc hỗ trợ TPHCM phát triển theo hướng phát thải carbon thấp.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang cho biết, trong những phiên đối thoại trước đây, TPHCM đã đưa ra rất nhiều vấn đề mà thành phố gặp phải khi phát triển thành phố thân thiện môi trường. Nan giải nhất là tình trạng ngập úng khi xuất hiện tổ hợp mưa và triều cường. Tình trạng này gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường sống của người dân và suy giảm chất lượng nước ngầm. Bên cạnh đó, áp lực về tình trạng thiếu điện vào mùa khô, ùn tắc giao thông, xử lý chất thải rắn cũng đang rất căng thẳng.
Trên thực tế, tại TPHCM trong nhiều năm qua đã đầu tư rất nhiều chi phí để giải quyết thực trạng trên. Điển hình như xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị kết hợp điều hòa nước khi mưa; xây dựng hệ thống ngăn triều; cải tạo hệ thống kênh rạch tăng diện tiếp nhận và tiêu thoát nước. Thế nhưng, tại buổi họp giám sát của HĐND thành phố, đại diện UBND thành phố khẳng định, những giải pháp trên chỉ mang tính chất tình thế. Nguyên nhân là do thiếu hụt nghiêm trọng về vốn đầu tư. Để có thể đầu tư tất cả những giải pháp căn cơ, giúp giải quyết triệt để tình trạng ngập úng của thành phố, cần thiết phải tiêu tốn hàng tỷ USD. Riêng vấn đề xử lý chất thải rắn, hiện thành phố đang phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải/ngày. Thế nhưng, có đến 90%/tổng lượng rác phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Và cùng với tốc độ gia tăng khối lượng rác khoảng 10% - 15%/năm, áp lực về việc tìm kiếm diện tích đất để đảm bảo nhu cầu xử lý rác thải bằng biện pháp chôn lấp là hết sức khó khăn… Cải thiện hiện trạng trên là một vấn đề hết sức cấp thiết của thành phố nhưng khó triển khai do ngân sách thành phố còn nhiều hạn chế.
Trước thực tế đó, tại diễn đàn đối thoại, Phó Chủ tịch Tất Thành Cang đề nghị chính quyền thành phố Osaka nói riêng và các doanh nghiệp của Nhật Bản nói chung có những chính sách hỗ trợ thành phố giải quyết vấn đề nan giải trên. Trước hết, tập trung hỗ trợ thành phố thực hiện kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu; giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quy hoạch là đô thị và đặc biệt là tăng cường tái chế chất thải bằng các công nghệ hiện đại. TPHCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư bằng cách xây dựng khung pháp lý cần thiết, thông thoáng cho các nhà đầu tư.
Liên quan đến vấn đề này, ông Seigo Tanaka, Phó thị trưởng thành phố Osaka, khẳng định, để hỗ trợ TPHCM phát triển bền vững, chính quyền thành phố Osaka sẽ tăng cường chuyển giao kiến thức, kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý hệ thống quản lý, phát triển đô thị thành phố Osaka. Mặt khác, sẽ kết nối với các doanh nghiệp tư nhân và các đối tác khác để thiết lập cơ chế tài chính và các sáng kiến hỗ trợ phát triển phù hợp với TPHCM nhằm thực hiện các dự án hợp tác theo cơ chế tín chỉ chung. Việc triển khai các dự án sẽ được thúc đẩy thông qua hợp tác công - tư.
PHÚC ANH - HÀ VĂN