Thành phố Thủ Đức sẽ dư 399 cán bộ, công chức

Thành phố Thủ Đức khi thành lập có tổng số cán bộ, công chức, viên chức là 1.221 người. Dự kiến, thành phố sẽ bố trí trong các cơ quan, tổ chức, bộ máy là 822 người và dôi dư 399 người.

UBND TPHCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM.

TPHCM hiện có 24 quận, huyện với 322 phường, xã, thị trấn.

Sau khi sắp xếp, TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 1 thành phố, 16 quận và 5 huyện) và 312 đơn vị hành chính cấp xã. Như vậy, TPHCM giảm 2 quận và 10 phường.

Giảm 10 phường

Ở cấp xã, TPHCM sắp xếp 19 phường thuộc các quận: 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.

Cụ thể, tại quận 2, phường An Khánh (rộng 1,74km2 với 124 người) sáp nhập với phường Thủ Thiêm (rộng 1,5km2 với 304 người) thành phường mới là phường Thủ Thiêm; phường Bình Khánh (rộng 2km2 với 4.300 người) sáp nhập với phường Bình An (rộng 1,9km2 với 18.800 người) thành phường An Khánh.

Một khu dân cư ở quận 2, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Quận 3 sáp nhập phường 6 (rộng 0,88kmvới 7.263 người) với phường 7 (rộng 0,9km2 với 12.600 người) và phường 8 (rộng 0,4km2 với gần 16.900 người) thành phường Võ Thị Sáu.

Quận 4 sáp nhập phường 5 (rộng 0,16km2 với 5.100 người) và phường 2 (rộng 0,19km2 với 11.900 người) thành phường 2; sáp nhập phường 12 (rộng 0,4km2 với 7.300 người) và phường 13 (rộng 0,42km2 với 11.200 người) thành phường 13. 

Quận 5 sáp nhập phường 12 (rộng 0,38km2 với 6.400 người) và phường 15 (rộng 0,19km2 với 10.900 người) thành phường 12.

Quận 10 sáp nhập phường 3 (rộng 0,1km2 với 6.000 người) với phường 2 (rộng 0,2km2 với 18.800 người) thành phường 2.

Quận Phú Nhuận sáp nhập phường 12 (rộng 0,16km2 với 6.800 người) và phường 11 (rộng 0,22km2 với 8.600 người) thành phường 11; sáp nhập phường 14 (rộng 0,15km2 với 7.200 người) và phường 13 (rộng 0,14km2 với 9.400 người) thành phường 13.

Thành phố Thủ Đức có GRDP lớn hơn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai

Ở cấp huyện, TPHCM nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để hình thành một đơn vị hành chính mới – thành phố Thủ Đức.

Về cơ sở, lý do của việc sắp xếp, UBND TPHCM cho biết, năm 1997, huyện Thủ Đức được giải thể và hình thành 3 quận mới trên diện tích của huyện Thủ Đức: quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. 

Qua hơn 20 năm phát triển, trên địa bàn 3 quận đã hình thành nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển TPHCM, như Khu Công nghệ cao TPHCM (giai đoạn 2010-2020 thu hút trên 7 tỷ USD đầu tư và xuất khẩu 77 tỷ USD), cụm Đại học phía Đông TPHCM (với hơn 100.000 sinh viên và 2.000 giảng viên trình độ tiến sĩ); khu vực này còn có Vành đai 3, tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên, khu đô thị mới Thủ Thiêm, cảng container Cát Lái lớn nhất Việt Nam... 

Năm 2019, 3 quận phát triển với tốc độ cao, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước (xét về quy mô, chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai). 

Thành phố Thủ Đức sẽ dư 399 cán bộ, công chức ảnh 2 Hạ tầng ở phía Đông TPHCM - nơi thành lập thành phố Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thành lập thành phố với tên gọi Thủ Đức được đánh giá là “hạt nhân”, một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TPHCM và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.

Nơi đây có các tiền đề rất quan trọng để hình thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của thành phố, là vùng động lực phát triển kinh tế mới cho TPHCM, là mô hình phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế số gắn với môi trường sống thân thiện, khuyến khích phát triển gia đình bền vững.

Từ đó, TPHCM có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng, xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế. 

Cán bộ: bố trí 822 người, dôi dư 399 người 

Về sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết cán bộ dôi dư, UBND TPHCM cho biết, công tác này thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong đó, riêng thành phố Thủ Đức khi thành lập, tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện có là 1.221 người. Tạm thời dự kiến, thành phố sẽ bố trí trong các cơ quan, tổ chức, bộ máy là 822 người và dôi dư 399 người.

Việc giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư (gồm cả người hoạt động không chuyên trách ở phường), bằng giải pháp: xem xét, bố trí, điều động về công tác tại các tổ chức, đơn vị thuộc quận, hoặc sang quận, huyện khác và các sở, ngành của TPHCM; thực hiện chính sách tinh giản biên chế, chế độ nghỉ hưu, giải quyết thôi việc; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm theo Nghị định số 26/2015 của Chính phủ.

Ngoài các giải pháp và thực hiện chế độ, chính sách nêu trên, cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và người hoạt động không chuyên trách ở phường còn được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quyết định của HĐND TPHCM và UBND TPHCM.

Tin cùng chuyên mục