Thanh toán hợp lý chi phí tiêm chủng, xét nghiệm, điều trị Covid-19 ​

Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí việc cần có giải pháp thanh toán các chi phí trong tiêm chủng, xét nghiệm, khám chữa bệnh khi huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia. 

 

 

 

Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị chỉ áp dụng việc thanh toán các chi phí trực tiếp và trong quá trình điều trị Covid-19 tại cơ sở thu dung, điều trị Covid -19 cho đến khi có quyết định công bố khỏi bệnh
Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị chỉ áp dụng việc thanh toán các chi phí trực tiếp và trong quá trình điều trị Covid-19 tại cơ sở thu dung, điều trị Covid -19 cho đến khi có quyết định công bố khỏi bệnh

Chiều 3-12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội đã có cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội và các cơ quan có liên quan về việc Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19.

Thận trọng đánh giá tác động

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 để Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần của Kết luận số 20-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, cụ thể hóa nghị quyết số 30/2021/QH15, nghị quyết 268/NQ/QH15.

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù được Chính phủ trình UBTVQH cho phép thực hiện cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng, do có đối tượng tác động lớn, phạm vi không chỉ là cơ chế thực hiện của hệ thống y tế mà cả ngân sách nhà nước (NSNN). Bên cạnh đó, Tờ trình cũng chưa làm rõ tính cấp bách để được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15, một số chính sách được trình để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thời gian trước, một số chính sách được trình để thực hiện lâu dài và dự kiến sẽ được bổ sung, điều chỉnh khi sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh (KCB).

Ngân sách một số địa phương đã quá tải

Về thanh toán chi phí KCB cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 6-8-2021 (Nghị quyết 268) quy định NSNN có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí KCB liên quan trực tiếp đến điều trị Covid-19, đối với bệnh nhân mắc Covid-19  có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí KCB đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ quan của Quốc hội lưu ý, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh vừa qua, một số địa phương đã sử dụng hết ngân sách được cấp, không thể tự điều tiết, cân đối. Bên cạnh đó, có một vài địa phương nguồn lực không thể đáp ứng được nhu cầu kinh phí cho phòng chống dịch và chi trả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, vì vậy, cần cân nhắc việc quy định “giao ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền ở cấp địa phương thành lập” để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Đảm bảo quyền lợi của y tế tư nhân tham gia phòng, chống Covid-19

Vẫn theo Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời gian dịch bùng phát mạnh vừa qua gây quá tải cho ngành y tế, Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về việc thực hiện thanh toán chi phí KCB cho người mắc Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo số lượng thực tế sử dụng và mức giá mua vào theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật áp dụng thời điểm 1-8-2021 đến 31-12-2021.

“Tuy nhiên, Chính phủ cần tổng kết các chi phí KCB Covid-19 trong thời gian vừa qua, làm rõ mức trích từ quỹ BHYT để bảo đảm an toàn quỹ cũng như đảm bảo tính minh bạch, khả thi; bổ sung đánh giá và dự báo tác động tới NSNN và quỹ BHYT trong thời gian tới làm căn cứ khoa học, thực tiễn, dựa trên bằng chứng để UBTVQH quyết định nội dung này. Đồng thời, cần làm rõ về quan điểm có hay không việc thực hiện hồi tố, thanh toán lại những khoản đồng chi trả đã thực hiện và nêu rõ hoặc giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện”, bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Đến nay Bộ Y tế chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho việc thanh toán một cách thống nhất trên toàn quốc, do đó, đề nghị Chính phủ cần quy định cụ thể nhằm đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết một cách thống nhất và khả thi.

Từ 1-1-2022 đến 31-12-2022, Thường trực Ủy ban đề nghị tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 268 theo hướng đối với người mắc Covid-19 có BHYT thì các bệnh nền đã mắc trước khi mắc Covid -19 đang được quản lý và theo dõi thì do BHYT chi trả; các trường hợp khác, NSNN có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí KCB liên quan trực tiếp đến điều trị Covid -19. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện nội dung này theo quy định của Nghị quyết 268.

Đặc biệt, theo Thường trực Ủy ban Xã hội, vấn đề điều trị các di chứng hậu Covid-19 cũng rất đáng quan tâm. Đặc biệt là hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng do phải hoạt động “quá tải” để chống lại tình trạng nhiễm trùng. Bên cạnh đó là sang chấn tâm lý tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe dẫn đến trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc cần được tư vấn điều trị; phục hồi chức năng hô hấp, vận động; tình trạng suy dinh dưỡng. Hội chứng Covid-19 kéo dài cần được điều trị trong thời gian dài sau khi khỏi bệnh, làm gia tăng chi phí điều trị, do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị chỉ áp dụng việc thanh toán các chi phí trực tiếp và trong quá trình điều trị Covid-19 tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 cho đến khi có quyết định công bố khỏi bệnh, không thanh toán đối với những bệnh do di chứng Covid-19 gây ra sau thời gian điều trị khỏi Covid-19.

Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí việc cần có giải pháp thanh toán các chi phí trong tiêm chủng, xét nghiệm, KCB khi huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia. Tuy nhiên, cần làm rõ “mức giá cao nhất” áp dụng tại cơ sở y tế tư nhân là giá dịch vụ KCB BHYT hay giá dịch vụ KCB theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, để khuyến khích, tạo động lực cho cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 một cách tự nguyện, trách nhiệm thì Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế thanh toán các chi phí thực hiện công tác phòng, chống và điều trị Covid-19, vừa đảm bảo cân đối bù đắp chí phí vận hành của cơ sở tư nhân, vừa phù hợp với khả năng chi trả của NSNN.

Tin cùng chuyên mục