Sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động lần thứ 6 tại công trình thi công tòa nhà cao nhất Việt Nam mang tên Keangnam (cao 70 tầng), khiến một kỹ sư bị tử nạn, dư luận xã hội hiện rất quan tâm, lo lắng trước việc đảm bảo an toàn lao động tại công trình này cũng như vai trò quản lý của các cơ quan chức năng.
Ngày 3-3, ông Phan Đăng Thọ, Phó Chánh thanh tra Bộ LĐTB-XH cho biết: Vụ gây chết người thứ 6 tại công trình thi công tòa nhà Keangnam, Sở LĐTB-XH Hà Nội đã báo cáo Bộ LĐTB-XH, ngành cũng đã vào cuộc để thanh tra đúng theo chức năng, quy định. Không chỉ đối với vụ tai nạn lần thứ 6 này mà cả những lần trước đó đều có thanh tra, kiểm tra chặt chẽ. Khi thanh tra, chúng tôi cũng đã chỉ ra các sai sót của công trường, yêu cầu các nhà thầu, chủ đầu tư phải khắc phục, chấp hành nghiêm chỉnh.
Những sai phạm tại công trình tòa nhà Keangnam đã quá rõ nhưng không bị xử lý hình sự? Ông Thọ cho rằng trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, dấu hiệu hình sự thì đơn vị sẽ chuyển cho cơ quan điều tra. Đối với vụ việc để xảy ra tai nạn lao động lần thứ 6 ở tòa nhà Keangnam, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án rồi. Nếu phát hiện các dấu hiệu hình sự thì chắc chắn sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Ngày 3-3, UBND TP Hà Nội cũng đã chính thức công bố Quyết định số 968/QĐ-UBND thanh tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động tại dự án thi công tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower (đường Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội). Theo đó, UBND TP Hà Nội đã thành lập Đoàn thanh tra liên ngành gồm đại diện các Sở LĐTB-XH Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội và Công an huyện Từ Liêm để thanh tra, kết luận việc chấp hành các quy định về an toàn lao động tại tổ hợp công trình xây dựng Keangnam. Thời gian thanh tra là 30 ngày.
Sáng qua (3-3), tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã chủ trì buổi họp về việc chuẩn bị phát động Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 12. Năm nay, lễ phát động sẽ được diễn ra tại TP Thái Nguyên vào ngày các ngày từ 14 đến 21-3 tới. Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Bùi Hồng Lĩnh, trong năm 2009, mặc dù cả nước đều triển khai các hoạt động về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động nhưng tính đến cuối tháng 2-2010, cả nước đã để xảy ra 6.250 vụ tai nạn lao động, làm 6.421 người bị nạn. Trong đó, đã có 507 vụ gây chết người, làm 550 người bị chết. Những địa phương đã để xảy ra tai nạn lao động nhiều là TPHCM, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Hà Nam, Long An, Hải Phòng, Hải Dương... |
V.Phúc