Thành ủy, UBND TPHCM chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các công trình chống ngập

Trước tình hình thời tiết biến đổi phức tạp, triều cường ngày càng dâng cao, ngày 27-10, các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cùng các sở ban ngành, quận huyện của TP đã họp bàn những biện pháp chống ngập nước trên địa bàn TP.
Thành ủy, UBND TPHCM chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các công trình chống ngập

Trước tình hình thời tiết biến đổi phức tạp, triều cường ngày càng dâng cao, ngày 27-10, các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cùng các sở ban ngành, quận huyện của TP đã họp bàn những biện pháp chống ngập nước trên địa bàn TP.

  • Xử lý nghiêm các đơn vị chây ì

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Chống ngập nước TP (TTCN), cho rằng công tác xóa giảm ngập gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như thời tiết diễn biến thất thường, triều cường ngày càng cao, các công trình thi công hạ tầng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống thoát nước. Từ đầu năm đến 30-9-2010, đã kiểm tra phát hiện 274 vị trí hệ thống thoát nước trên các tuyến đường bị ảnh hưởng dòng chảy. Trong đó đã khắc phục, khơi thông 234 vị trí; đang khắc phục 12 vị trí; còn 28 vị trí chưa khắc phục.

Người dân ở Mễ Cốc, quận 8 thường xuyên phải đối mặt với triều cường. Ảnh: THÁI BẰNG
Người dân ở Mễ Cốc, quận 8 thường xuyên phải đối mặt với triều cường. Ảnh: THÁI BẰNG

Nguyên nhân khiến một số khu vực ngập nặng là do tiến độ thi công các dự án lớn không đạt yêu cầu (như nạo vét kênh rạch để thông thoáng và tăng dung tích điều tiết nước góp phần tiêu thoát nước nhanh). Nhà dân xây cất lấn chiếm cửa xả, kênh rạch; các đơn vị thi công chặn dòng nhưng không có biện pháp dẫn dòng hợp lý, xâm hại đến hệ thống thoát nước. “Tình trạng này rất khó xử lý, bởi vì, biện pháp chế tài của cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, không đủ sức răn đe khiến tình trạng xâm hại kéo dài” - ông Thảo nhấn mạnh.

Trong khi đó, TTCN cũng đã tổ chức làm việc với các đơn vị liên quan, nhưng công tác khắc phục rất chậm, thậm chí nhiều đơn vị không chịu hợp tác khắc phục.

Ông Nguyễn Phước Thảo kiến nghị TP cần xử lý nghiêm khắc với những nhà thầu, đơn vị thi công như trên. Bên cạnh đó, xử lý khiếm khuyết, kết nối đồng bộ, gia cố bờ bao, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ chế, nguồn vốn để gấp rút thực hiện tại những điểm, tuyến đường, khu vực thường xuyên gây ngập (kể cả do mưa và triều) trong thời gian chờ các dự án lớn hoàn thành, phát huy tác dụng.

Để giảm ngập một cách hiệu quả, đối với các công trình, dự án thoát nước trọng điểm, cấp bách, TP ưu tiên bố trí vốn và không để trễ do thủ tục hành chính. Bằng mọi giải pháp hoàn thành nạo vét kênh Bến Nghé - Tàu Hủ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tham Lương - Bến Cát và hệ thống đê bao. Các sở chuyên ngành và UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại, lấn chiếm làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập nước.

Đối với các dự án hạ tầng giao thông đô thị, khu dân cư, Sở GTVT, Sở Xây dựng cần phải tham khảo ý kiến của TTCN ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư để đảm bảo sự đồng bộ, phát huy hiệu quả lâu dài khi đưa vào sử dụng. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đầu tư, trình phê duyệt để sớm triển khai thi công các dự án công trình đê bao và kiểm soát triều đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

  • Không để bể bờ bao

Hầu hết lãnh đạo quận huyện cho rằng, nguyên nhân gây ngập do các dự án công trình thi công quá chậm. Bên cạnh đó, một số dự án chậm triển khai do vướng mặt bằng vì giá cả đền bù giải tỏa chưa hợp lý.

Các chủ đầu tư dự án làm ảnh hưởng gây ách tắc hệ thống thoát nước:
Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TPHCM, dự án Cải thiện môi trường nước, Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị, Ban Quản lý dự án quận Tân Phú, Ban Quản lý dự án quận Bình Tân, Công ty CP Địa ốc Phú Long, Công ty CP BOO cấp nước Thủ Đức, Công ty CP Bê tông 620, Công ty CP Cấp nước Kênh Đông.

Theo báo cáo của quận Bình Thạnh, hiện 3/4 diện tích nằm dưới đỉnh triều vì thế ngập rất nhiều. Chỉ lượng mưa khoảng 90mm, cả quận bị ngập. Hiện nay, nhiều công trình nằm trên địa bàn quận thi công rất chậm, nhất là khu vực cư xá Thanh Đa. Ở hệ thống bờ kè Thanh Đa, mực nước đã mấp mé, vì thế trong thời gian tới cần phải tính lại cao độ các bờ kè. Mỗi năm toàn quận lún 4 - 5cm, nhiều nhà phải nâng nền 1,2m so với 15 năm trước.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTP Nguyễn Thành Tài nhấn mạnh: Để kéo giảm tình trạng ngập hiện nay, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, nguyên nhân dẫn đến triển khai chậm là giải phóng mặt bằng. Vì thế, các quận huyện phối hợp ban đền bù giải phóng mặt bằng, các sở ngành liên quan để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Đề nghị các địa phương kiểm tra các đơn vị thi công trên địa bàn mình. Ngoài ra các công trình liên quan đến thoát nước, chống ngập phải đảm bảo gom một đầu mối.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải yêu cầu chủ đầu tư phải nghiên cứu thật kỹ phương pháp gia cố các đoạn bờ bao xung yếu để đảm bảo an toàn và chịu đựng được đợt triều cường sắp tới, không được để bể bờ bao và tình trạng nhà dân bị ngập nặng.

Bí thư Thành ủy cho rằng TTCN và Sở NN-PTNT cần nghiên cứu cụ thể việc nên đóng cừ bằng bê tông hoặc bằng nhựa uPVC dù kinh phí có cao hơn, nhưng sẽ mang lại hiệu quả và chất lượng cho công trình. Giao Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn nhanh chóng sản xuất cừ bản nhựa uPVC để gia cố trên 2.000km kênh rạch hiện nay trên địa bàn TP.

Đồng chí Lê Thanh Hải cũng yêu cầu UBND TP và các sở ngành liên quan cần phối hợp nghiên cứu để triển khai hiệu quả các dự án chống ngập trên địa bàn TP. Các quận huyện cương quyết xử lý nhà lấn chiếm kênh rạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhanh chóng phủ quy hoạch 1/2000 đến từng quận huyện.

Quốc Hùng 

Đầu tư nhà máy sản xuất cọc vách nhựa ngăn triều cường

Chiều 27-10, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành chức năng về việc đầu tư nhà máy sản xuất cọc vách nhựa uPVC để ngăn triều cường, chống sạt lở. Dự án do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn thực hiện.

Lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết, đơn vị này đã hoàn tất thực hiện thí điểm 2 công trình đê bao chống sạt lở bằng cọc vách nhựa uPVC (vật liệu nhập từ Mỹ) tại rạch Cầu Ngang và rạch Gò Dưa (quận Thủ Đức, TPHCM) với tổng chiều dài hơn 300m vào tháng 5-2010. So với các giải pháp kỹ thuật chống sạt lở khác, ưu điểm của công nghệ này là thi công nhanh và có thể thực hiện trong mọi điều kiện thời tiết; vật liệu uPVC có độ bền trên 50 năm, giúp giảm chi phí bảo dưỡng công trình, được ứng dụng rộng rãi trong các công trình thủy lợi, giao thông…

Nhà máy sản xuất cọc nhựa uPVC có tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, xây dựng trong 1 năm. TPHCM cho vay hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn vốn kích cầu (dự án ưu đãi số 1) để đầu tư xây dựng nhà máy. 

V.ANH

Tin cùng chuyên mục