Tháo gỡ điểm nghẽn phát triển logistics

Là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp và vận tải, tỉnh Bình Dương cần có hệ thống logistics phủ khắp và chuyên nghiệp nhưng trong nhiều năm qua, hạ tầng phục vụ ngành này lại chưa theo kịp. Nhận diện được các điểm nghẽn, Bình Dương xác định phát triển logistics là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hút đầu tư trong giai đoạn mới.
Kho Tân Cảng - Sóng Thần luôn tấp nập xe tải ra vào trung chuyển hàng
Kho Tân Cảng - Sóng Thần luôn tấp nập xe tải ra vào trung chuyển hàng

Hạn chế về hạ tầng

Theo các chuyên gia kinh tế, tỉnh Bình Dương có hạn chế về cơ sở hạ tầng so với nhiều địa phương khác, như không có sân bay, cảng biển, trọng tải tàu container bị giới hạn không quá 2.000 tấn (do tĩnh không của cầu Đồng Nai và Bình Triệu không đáp ứng) nên việc phát triển ngành logistics rất khó khăn. Dù tỉnh có lợi thế về vị trí địa lý nằm trên trục giao thông trọng điểm từ TPHCM đến các vùng Tây Nguyên và đi Campuchia qua cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước), Mộc Bài (Tây Ninh), cùng với trục giao thông Vành đai 3, 4 TPHCM đang dần hình thành, nhưng sự phát triển “nóng” của các khu công nghiệp và dân cư dẫn tới quá tải, đã trở thành điểm nghẽn chính trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng được coi là nguyên nhân khiến ngành logistics của tỉnh Bình Dương chưa phát triển theo quy mô lớn, nhất là các loại hình dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị.

Hiện các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương chỉ cung cấp được dịch vụ 1PL (logistics tự cấp), 2PL (logistics bên thứ 2); số lượng trung tâm lớn cung cấp được dịch vụ 3PL (logistics bên thứ 3) còn hạn chế và đa số phân bố ở 2 địa bàn phía Nam của tỉnh là TP Thuận An và Dĩ An, như một thách thức mới trong thực hiện chủ trương di dời các khu công nghiệp lên phía Bắc.

Phát triển các kho cảng

Theo UBND tỉnh Bình Dương, sau nhiều năm nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài ở nhiều lĩnh vực, ngành logistics tại Bình Dương cũng từng bước phát triển với nhiều dự án đầu tư lớn. Tập đoàn Mapletree (Singapore) đã đưa vào hoạt động khu kho vận Mapletree tại Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương với quy mô 68ha, vốn đầu tư 110 triệu USD. Sau đó, Công ty Schenker Việt Nam, thuộc Tập đoàn DB Schenker (Đức) đã đưa trung tâm kho vận có vốn đầu tư 5,5 triệu USD vào hoạt động tại TP Dĩ An. Kế tiếp là hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước rót vốn đầu tư thành lập các trung tâm kho vận, kho hàng lẻ, kho ngoại quan, kho đóng hàng container… để đáp ứng nhu cầu hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp tại Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận. Nhờ đó, đến nay tại Bình Dương đã có 21 kho ngoại quan, 4 kho CFS, 34 đại lý hải quan đang hoạt động tại các khu/cụm công nghiệp và cảng sông, cảng ICD cùng những dịch vụ logistics trọn gói như: phân phối hàng hóa, trung chuyển container, thông quan hàng hóa nội địa, xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa, kho ngoại quan… với khoảng 62 doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp ở nhiều lĩnh vực.

Để tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp, tạo lợi thế tiếp tục thu hút đầu tư, ngày 8-5-2017, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch triển khai dịch vụ logistics của tỉnh giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, tỉnh tiếp tục kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực logistics, trong đó giai đoạn 2020-2030 sẽ quy hoạch phát triển thêm 5 cảng sông, gồm: Bến Súc, Thanh An (huyện Dầu Tiếng), Rạch Bắp, An Tây và Phú An (thị xã Bến Cát) với công suất từ 500.000 tấn đến 1 triệu tấn hàng hóa/năm, có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy lên 1.000 tấn. Cùng đó, phát triển thêm 3 kho cảng IDC mới là IDC Vĩnh Tân, An Điền và Thạnh Phước. 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, trong giai đoạn mới, tỉnh tiếp tục phát triển ngành dịch vụ logistics, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông, các cảng cạn. Qua đó, từng bước tạo mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại, góp phần đẩy mạnh phát triển các chuỗi cung ứng hỗ trợ cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Tỉnh Bình Dương đang đầu tư cải tạo các nút giao, khắc phục điểm nghẽn về giao thông qua việc phát triển các tuyến vành đai để tăng khả năng kết nối toàn mạng lưới giao thông giữa Bình Dương với các tỉnh, thành Đông Nam bộ. Đó là các dự án: Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, ĐT 747B, ĐT 746, đường ĐT 743 (đoạn Miễu Ông Cù - Sóng Thần); đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Đồng thời, tỉnh phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là loại hình xe buýt, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Tin cùng chuyên mục