Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017

Thảo luận nhiều vấn đề thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại TP Đà Nẵng, ngày 9-11, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 (CEO Summit 2017) bước vào ngày làm việc thứ hai.
 Đây là sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức từ ngày 8 đến 10-11.

Hội nghị tiếp tục với nhiều phiên thảo luận về những vấn đề thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực như: Các xu hướng việc làm trong tương lai; nhân tố thay đổi cuộc chơi kết nối để phát triển; các mặt trận thương mại mới; lộ trình tự do hóa thương mại trong tương lai; định hình hiệp định thương mại tương lai để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm...

Chủ đề quan trọng khác cũng được tập trung thảo luận như: Kỷ nguyên số; tiến trình phát triển kinh tế số sẽ tác động tới khu vực và các giải pháp để khai thác lợi nhuận trong khi chuẩn bị để xã hội thích ứng sản xuất tại thế giới; các xu thế kinh tế, chính trị, công nghệ sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất hàng hóa và dịch vụ trên toàn thế giới.

Trong ngày, đại biểu Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC cũng tiếp tục tham gia một số hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì buổi họp báo thông báo kết quả Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 29 (AMM 29) sau 3 phiên làm việc.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, thông qua hội nghị, các bộ trưởng tiếp tục khẳng định quyết tâm duy trì hợp tác và liên kết của APEC. Cụ thể, các đại biểu đã thảo luận nhiều biện pháp thúc đẩy thương mại tự do và thuận lợi hóa đầu tư khu vực; hoàn tất thực hiện Mục tiêu Bogor; đẩy mạnh tăng trưởng chất lượng, tăng cường kết nối, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng; giảm thiểu thiên tai… đồng thời hoan nghênh nỗ lực của các thành viên triển khai Tuyên bố Lima hướng đến hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và thực hiện hiệu quả các kế hoạch hợp tác dài hạn của diễn đàn.

Đặc biệt, các bộ trưởng đã thông qua nhiều sáng kiến quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, như: Khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới; Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bền vững, sáng tạo; Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 - 2020; Chương trình hành động về phát triển nông thôn - đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng… Ngoài ra, các bộ trưởng đã thống nhất các văn kiện mang tính định hướng chiến lược dài hạn cho hợp tác APEC để trình lên lãnh đạo các nền kinh tế APEC trong những ngày tới. Các bộ trưởng cũng đã thảo luận và nhất trí sự cần thiết phải tiếp tục duy trì quá trình thảo luận về các định hướng hợp tác mới cho APEC sau năm 2020, bằng việc thông qua văn kiện về APEC hướng tới năm 2020 và tương lai.  

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những đóng góp của Hội nghị AMM 29, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong năm 2017 đã diễn ra 8 hội nghị cấp bộ trưởng, quan chức cao cấp bàn về các chủ đề liên quan đến phát triển kinh tế, tài chính, lao động, việc làm… “Các chủ đề này khi đưa ra hội nghị đã được bàn bạc, thảo luận và tiến đến xây dựng những văn kiện liên quan đến nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, khởi nghiệp sáng tạo… Các lĩnh vực này góp phần tạo thuận lợi trong đầu tư, thúc đẩy thương mại, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng khu vực APEC”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục