Thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi): Quan tâm đến tiêu chuẩn và độ tuổi hành nghề của công chứng viên

Thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) trong phiên họp chiều 12-3, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến tiêu chuẩn và độ tuổi hành nghề của công chứng viên. Việc công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ cũng đã được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

(SGGPO).- Thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) trong phiên họp chiều 12-3, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến tiêu chuẩn và độ tuổi hành nghề của công chứng viên. Việc công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ cũng đã được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên đối với những người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người đang là cán bộ, công chức, viên chức (trừ người đang làm việc tại các Phòng công chứng), sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân trong đơn vị thuộc Công an nhân dân bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, bị tước quân tịch, bị đưa ra khỏi ngành.

Về độ tuổi hành nghề của công chứng viên (Điều 34),  hiện vẫn còn 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng là 65 tuổi như dự thảo Luật đã trình Quốc hội. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nên giới hạn về độ tuổi hành nghề của công chứng viên trong luật này, tương tự như đối với các ngành nghề mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa như luật sư, y bác sĩ, giáo viên... để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng nên quy định tuổi tối đa. Ông Cường cung cấp thêm thông tin: có 2/3 số nước Thành viên Liên minh công chứng quốc tế quy định độ tuổi tối đa của công chứng viên và trong số các nước còn lại, nhiều hiệp hội công chứng cũng quy định khống chế độ tuổi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành quan điểm của Bộ trưởng Tư pháp, theo đó quy định độ tuổi tối đa của công chứng viên là 65 tuổi. Đồng ý với việc xã hội hóa tổ chức hành nghề công chứng, song Chủ tịch Quốc hội yêu cầu có những quy định chặt chẽ về vấn đề này, để đảm bảo năng lực hoạt động thực sự. Ông nói: “Nếu chỉ có 1 công chứng viên mà lập Văn phòng thì không nên, nên quy định mỗi văn phòng có 2- 3 công chứng viên, ở những khu vực miền núi khó khăn chưa đủ điều kiện, thì nên để mô hình Phòng công chứng như hiện nay”.

Liên quan đến việc chứng thực bản dịch, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra chính lý theo hướng công chứng viên phải chịu trách nhiệm cả nội dung bản dịch. “Đó là địa chỉ chịu trách nhiệm duy nhất, còn việc quản lý người dịch thì là câu chuyện khác”. Về độ tuổi công chứng viên, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu ủng hộ phương án quy định tối đa 65 tuổi, “nhưng cũng nên trình cả 2 phương án để Quốc hội xem xét”.

Cuối buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp kín về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục