Tháo ngòi “bom nổ chậm”

Một số thành phố và các quận xa trung tâm ở nước Mỹ đang lập kế hoạch thu hút trí thức trẻ về làm việc bằng những chào mời hấp dẫn như chi trả những khoản nợ học phí khổng lồ của các tân cử nhân, thạc sĩ khi họ ra trường. Không có lợi thế cạnh tranh như New York, Chicago, các thành phố Niagara Falls, Kansas, Rust Belt đã chọn biện pháp miễn thuế thu nhập, cung cấp các khoản tiền ưu đãi để lôi kéo sinh viên vừa tốt nghiệp.

Một số thành phố và các quận xa trung tâm ở nước Mỹ đang lập kế hoạch thu hút trí thức trẻ về làm việc bằng những chào mời hấp dẫn như chi trả những khoản nợ học phí khổng lồ của các tân cử nhân, thạc sĩ khi họ ra trường. Không có lợi thế cạnh tranh như New York, Chicago, các thành phố Niagara Falls, Kansas, Rust Belt đã chọn biện pháp miễn thuế thu nhập, cung cấp các khoản tiền ưu đãi để lôi kéo sinh viên vừa tốt nghiệp.

Từ nhiều tháng qua, nợ học phí là mối lo của nước Mỹ. Một trong những nguyên nhân đẩy sinh viên Mỹ vào tình trạng nợ do học phí của các trường ngày càng cao. Nợ nhiều, cộng với khó tìm việc sau khi tốt nghiệp do kinh tế khó khăn khiến lượng sinh viên tốt nghiệp nộp đơn xin bảo lãnh vỡ nợ càng gia tăng.

Theo nhiều chuyên gia, khoản nợ đọng của sinh viên giờ đây đã thực sự trở thành “quả bom nổ chậm” đe dọa nền kinh tế Mỹ, giống như khoản nợ tín dụng thế chấp mua nhà từng là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính - tín dụng hồi năm 2007-2008, đẩy nền kinh tế Mỹ vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua. Khoản nợ của sinh viên hiện lớn thứ hai trong danh mục các khoản nợ của Mỹ, chỉ xếp sau khoản nợ thế chấp. Trung bình, mỗi sinh viên Mỹ vay nợ khoảng 12.800 USD, trong đó khoảng 25% nợ hơn 28.000 USD; 10% nợ hơn 54.000 USD và 3,1% nợ hơn 100.000 USD.

Vì lẽ đó, các hội đồng thành phố cũng như hàng loạt quận đang bị đe dọa bởi tốc độ phát triển nhanh chóng của các thành phố lớn đã vào cuộc. Sự sụt giảm dân số nhanh chóng khi người dân đổ về các trung tâm lớn khiến nhiều ngành nghề thiếu hụt lao động kỹ thuật cao, sản xuất không còn ở thời kỳ hưng thịnh đẩy tốc độ phát triển ở các thành phố nhỏ tụt dốc. Theo mô hình thu hút nhân tài ở Kansas, những ứng viên đủ năng lực có thể được miễn thuế thu nhập trong 5 năm hoặc được cung cấp khoản chi trả nợ học phí 15.000 USD.

Ông Chris Harris, người điều hành chương trình, cho biết ông đã nhận được 389 đơn xin việc. Theo ước tính của ông Chris, khoảng 75% trong số đó hội đủ điều kiện cho một hoặc cả hai ưu đãi. Trong tháng 10 năm nay và cũng là giai đoạn đầu của kế hoạch, chính quyền thành phố dự kiến sẽ cung cấp các khoản ưu đãi cho 160 người.

Còn ở thành phố Deitroit thuộc bang Michigan, các tổ chức xã hội đã cam kết vực dậy thành phố bằng cách thu hút các nguồn quỹ dành cho đầu tư phát triển. Quỹ Hudson Webber đặt kế hoạch đưa 15.000 trí thức trẻ đến thành phố vào năm 2015.

Katy Locker, Phó Chủ tịch của chương trình của Hudson Webber cho biết: “Chúng tôi đang tập trung vào mục tiêu lớn hơn là xây dựng thành phố thành nơi thu hút và giữ chân nhân tài”. Những ứng viên được tuyển dụng có thể sống trong trung tâm thành phố Detroit. Ưu đãi bao gồm một khoản trợ cấp 20.000 USD để mua nhà hoặc 2.500 USD để thuê căn hộ.

Những lời chào mời hấp dẫn từ các thành phố này đã phần nào tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế Mỹ, giúp giới trí thức Mỹ bớt đi những lo lắng về cơm áo gạo tiền trong cuộc sống sau khi tốt nghiệp. Với các thành phố, đây cũng chính là những động lực mới để phát triển trong thời điểm nước Mỹ đang cố gắng duy trì đà phục hồi kinh tế. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục