Thắt chặt nghĩa tình ở thành phố mang tên Bác

“Ngày hội tình làng, nghĩa xóm” là một trong 11 tập thể, cá nhân có cách làm thiết thực, hiệu quả, lan tỏa nghĩa tình được trao tặng Giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM” năm 2022.

“Năm nay cô Hòa định tổ chức Ngày hội tình làng, nghĩa xóm khi nào vậy? Cho con một chân phụ bếp nha cô”, đang quét rác trước cổng, thấy bà Vũ Thúy Hòa, Bí thư Chi bộ khu phố 5, phường 9 (quận Phú Nhuận, TPHCM) đi tập thể dục, chị Mai hỏi. “Mấy cô chú đang định tổ chức ngày mùng 10 Tết. Con có ý tưởng nấu món gì thì đề xuất cho xôm tụ nha”, bà Hòa đáp lời.

Nhiều năm qua, “Ngày hội tình làng, nghĩa xóm” đã trở thành truyền thống và nét đẹp văn hóa của người dân ở các tổ dân phố trong khu phố 5, phường 9 (quận Phú Nhuận). “Ngày hội tình làng, nghĩa xóm” là một trong 11 tập thể, cá nhân có cách làm thiết thực, hiệu quả, lan tỏa nghĩa tình được trao tặng Giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM” năm 2022.

Thắt chặt nghĩa tình ở thành phố mang tên Bác ảnh 1 Các thành viên trong khu phố 5, phường 9, quận Phú Nhuận họp bàn tổ chức “Ngày hội tình làng, nghĩa xóm” dịp Tết Quý Mão 2023. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Chung sức vì lợi ích người dân

Để ngày hội diễn ra ấm cúng, công tác chuẩn bị phải thật chu đáo. Mấy hôm nay, bà Hòa cùng các thành viên thảo luận kỹ lưỡng. “Có một nguyên tắc được đặt ra là hôm tổ chức ngày hội, bếp của tất cả gia đình không được đỏ lửa. Chúng tôi tập hợp lại, cùng nấu ở một địa điểm để có thể trò chuyện, trao đổi với nhau bao nhiêu là câu chuyện”, bà Hòa chia sẻ.

Vui nhất là khi tham gia ngày hội, mọi người đều nhiệt tình góp sức. Mấy chị em phụ nữ đi chợ, nấu nướng, còn cánh nam giới phụ trách trang trí, sắp xếp bàn ghế. Riêng thanh niên cùng nhau mang vác những vật nặng, sắp xếp theo chỉ đạo của các bậc cha chú. Ngày hội không chỉ là bữa tiệc mà còn là dịp để các hộ gia đình thăm hỏi lẫn nhau, chia sẻ những khó khăn, chuyện vui buồn trong cuộc sống.

Được thực hiện từ năm 1996 tại tổ dân phố 77, khu phố 5, phường 9, để rồi hơn 25 năm qua, “Ngày hội tình làng, nghĩa xóm” đã trở thành truyền thống và nét đẹp văn hóa đáng trân trọng, được nhân rộng ra nhiều tổ dân phố ở các khu phố trong và ngoài quận Phú Nhuận. Để rồi, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hoặc mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người dân lại có dịp cùng nhau ăn bữa cơm đại đoàn kết để kết nối tình làng nghĩa xóm.

Thời điểm này, Sở Công thương TPHCM đang tất bật cho các dự án bình ổn giá thuộc Chương trình bình ổn thị trường để phục vụ Tết Quý Mão 2023. Theo đó, lượng hàng bình ổn thị trường trong tháng tết chiếm 25%-43% nhu cầu thị trường. Đặc biệt, sở phối hợp chặt chẽ với hệ thống bán lẻ trên địa bàn, vận động áp dụng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác nhằm giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng.

Ông Ngô Hồng Y, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương TPHCM), cho biết, Chương trình bình ổn thị trường đã ra đời 20 năm nay. Ban đầu, TPHCM ứng vốn ngân sách không tính lãi cho doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, giữ cố định giá trong 3 tháng (trước, trong và sau tết). Thời gian đầu, chương trình chưa xác định mặt hàng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và nhận diện nhu cầu của người dân. Sau 5 năm đầu triển khai, chương trình bắt đầu xác định mặt hàng cụ thể, chủ yếu là lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Nhìn lại chặng đường 10 năm, chương trình được UBND TPHCM đánh giá cao về hiệu quả. Qua chương trình, người dân được hưởng lợi nhiều từ các đợt bình ổn giá. Từ đó, sở đã có một bước tiến dài hơn là triển khai xuyên suốt năm, phát triển cả về quy mô và số lượng sản phẩm; huy động mọi nguồn lực xã hội, vận động các tổ chức tín dụng tham gia cung ứng vốn để thực hiện chương trình. Gần đây, trong điều kiện ứng phó với dịch Covid-19, chương trình tiếp tục khẳng định vai trò điều tiết, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó tình hình mới.

Từ đó, doanh nghiệp chủ động phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng, cùng thành phố giải quyết nhiều vấn đề, nỗ lực duy trì các chuỗi cung ứng. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chương trình tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng; đồng thời triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí trung gian, giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng.

Theo ông Ngô Hồng Y, suốt 20 năm, chương trình kiên trì các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu; phát triển điểm bán và tổ chức bán hàng lưu động tại các quận ven trung tâm, huyện ngoại thành, khu dân cư tập trung đông người lao động có thu nhập thấp, khu lưu trú công nhân, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thắt chặt nghĩa tình ở thành phố mang tên Bác ảnh 2 Người dân hưởng lợi nhiều từ chương trình Bình ổn giá. Ảnh: GIA HÂN
Với vai trò là một chức sắc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan TPHCM, Hòa thượng Thích Thiện Tâm (thế danh Nguyễn Thanh Thiện) đã đề xuất sáng kiến tổ chức lễ hội “Tắm Phật, chúc phúc, buộc chỉ tay, té nước” nhân tết cổ truyền các nước Campuchia - Lào - Myamar - Thái Lan vào ngày 15-4. Lễ hội được duy trì từ năm 2015 đến nay. Đây là một trong những sáng kiến thuộc giải pháp “Hòa nhập hoạt động Phật giáo quốc tế với tinh thần đại đoàn kết dân tộc” của Hòa thượng Thích Thiện Tâm.

Cùng giữ gìn bản sắc

“Mấy nay nhà cái Thanh lại hay to tiếng với nhau. Hay chiều nay con với cô ghé qua xem sao nhé”, trong lúc đi tập thể dục với chị Nga, bà Phan Thị Thu Trang, tổ trưởng Tổ tư vấn cộng đồng khu phố 10, phường 14 (quận 10) gợi ý. Khi đến nhà chị Thanh, thăm hỏi chuyện cuộc sống, bà Trang mới biết, mấy ngày hôm nay chị to tiếng với chồng do anh hay đi làm về muộn. Nhẹ nhàng khuyên giải giúp gia đình chị Thanh hòa thuận, bà Trang bật cười khi nhớ chỉ cách đây 2 năm, chị Thanh là người luôn bị chồng quát mắng, thậm chí dùng vũ lực. Cũng nhờ sự khuyên giải của bà Trang và các thành viên trong Tổ tư vấn cộng đồng, chồng chị Thanh đã kiềm chế được những cơn nóng giận.

Đó là 1 trong hơn 2.000 tổ tư vấn cộng đồng của các chi hội phụ nữ khu phố, ấp tại 312 phường, xã, thị trấn tại TPHCM luôn hoạt động hiệu quả. Được thành lập từ năm 2012, đến nay đã có hơn 9.000 thành viên tham gia các tổ tư vấn cộng đồng để hỗ trợ, tư vấn cho chị em phụ nữ và người dân về các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực hôn nhân và gia đình; tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở...

Thời gian và hình thức tư vấn của các tổ tư vấn cộng đồng rất linh hoạt, tùy vào điều kiện của người cần tư vấn, có khi trực tiếp, có khi qua điện thoại, email. Qua 10 năm, các tổ tư vấn cộng đồng đã giúp hơn 82.500 trường hợp liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em. Thông qua hoạt động của các tổ tư vấn cộng đồng đã góp phần hạn chế những mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong gia đình và trong cộng đồng dân cư. Từ đó tăng cường mối quan hệ đoàn kết, phát huy tình làng nghĩa xóm, tăng số lượng gia đình hội viên đạt chuẩn Gia đình văn hóa tại địa phương.

Ở quận 5, với đặc thù là địa phương có đông đồng bào dân tộc Hoa làm ăn sinh sống và có nhiều cơ sở tín ngưỡng dân gian, bên cạnh việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5 tham mưu Thường trực Quận ủy quận 5 tạo nhiều điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc Hoa giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng trong đồng bào dân tộc Hoa. Việc này còn góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do chính quyền và Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5 phát động, đặc biệt với giải pháp “Phát huy hoạt động văn hóa, đoàn kết cộng đồng trong đồng bào Hoa” được khởi xướng từ năm 1990 và duy trì đến nay, đã quy tụ tinh thần đại đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng đồng bào dân tộc Hoa và các dân tộc anh em đang hiện diện ở quận 5.

Cùng với đó, nhiều lễ hội truyền thống được duy trì như: Lễ hội đèn hoa, Lễ hội Nguyên tiêu của đồng bào dân tộc Hoa, biểu diễn lân sư rồng, chương trình ca múa nhạc đặc sắc cổ truyền… Các lễ hội vừa góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc trong cộng đồng người Hoa, vừa gắn kết mối liên hệ của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn TPHCM. Đặc biệt, các hoạt động văn hóa nghệ thuật thể hiện những nét truyền thống của đồng bào dân tộc Hoa và phản ánh truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào dân tộc Hoa trong sự nghiệp giải phóng đất nước.

Theo bà Đặng Thị Lý, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Phú Nhuận, nhờ thắt chặt tình đoàn kết thông qua “Ngày hội tình làng, nghĩa xóm” mà các hoạt động của các tổ dân phố trở nên thực chất, hiệu quả. Các hộ dân trong tổ dân phố đều có số điện thoại của nhau, hễ thấy có gì khả nghi liên quan nhà hàng xóm là mọi người gọi điện báo ngay. Nhiều công trình, phong trào thi đua do chi bộ, ban công tác mặt trận khu phố, tổ dân phố đề ra đều đạt được kết quả cao nhờ sự đồng thuận của người dân. Chính vì thế, không chỉ an ninh trật tự ở các tổ dân phố rất tốt mà tình làng nghĩa xóm cũng ngày thêm khăng khít hơn.

Tin cùng chuyên mục