Thất nghiệp ảo để trục lợi

Từ đầu năm 2011 đến nay, số lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại TPHCM đã trên 100.000 người, tăng gần 2 lần số lao động thất nghiệp của TPHCM trong năm 2010 với tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp (TCTN) trên 350 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng, TPHCM có gần 10.000 người thất nghiệp, trong khi thị trường đang “khát” lao động.
Thất nghiệp ảo để trục lợi

Từ đầu năm 2011 đến nay, số lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại TPHCM đã trên 100.000 người, tăng gần 2 lần số lao động thất nghiệp của TPHCM trong năm 2010 với tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp (TCTN) trên 350 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng, TPHCM có gần 10.000 người thất nghiệp, trong khi thị trường đang “khát” lao động.

Chủ động...… thất nghiệp

Mới sáng sớm nhưng tại điểm đăng ký BHTN ở số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh) đã có hơn hàng trăm người đến làm thủ tục xin hưởng trợ cấp BHTN. Trong dòng người đang được hướng dẫn thủ tục hồ sơ tôi thấy một người quen tên Hoa hiện đang làm việc cho một công ty nước ngoài tại quận 1. “Ủa sao lại thất nghiệp thế?” – tôi hỏi. “Dạo này công ty cũng khó khăn nên xin thất nghiệp để thêm ít tiền đổi con xe” – Hoa nói. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, Hoa giải thích thêm: “Thấy chị bạn vừa làm BHTN được mấy chục triệu đồng nên cũng xin sếp cho… thất nghiệp để được hưởng BHTN”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do có mức lương khá cao nên mức hưởng TCTN của Hoa trên 16 triệu đồng/ tháng. Như vậy, 3 tháng hưởng BHTN, chị được hưởng gần 50 triệu đồng. Một số tiền mà ngay cả người không thất nghiệp cũng không mơ tới.

Thất nghiệp ảo để trục lợi ảnh 1

Hướng dẫn lao động thất nghiệp làm hồ sơ hưởng BHTN

Không riêng gì các lao động có trình độ cao, hiện nay nhiều công nhân cũng đổ xô xin nghỉ việc để hưởng TCTN. Tại văn phòng BHTN chi nhánh Bình Tân, chị Nguyễn Thị Vinh, công nhân ở KCN Tân Tạo cho hay: Được bạn bè mách nước, chị xin chấm dứt hợp đồng lao động với công ty cũ đã làm việc hơn 10 năm nay để chuyển sang làm cho một công ty khác ở KCN Tân Tạo. Mặc dù đã có công việc mới nhưng chị vẫn đăng ký hưởng BHTN. Bởi theo chị, quyền lợi thì mình cứ hưởng. “Ở đây hầu hết là lao động phổ thông, làm sao có thể thất nghiệp được khi công ty nào cũng kêu thiếu lao động? Nếu thất nghiệp, chúng tôi lấy đâu ra tiền nhà, tiền ăn hàng ngày? Nếu việc đăng ký thuận lợi, tôi sẽ rủ thêm mấy người bạn nghỉ việc đi đăng ký… thất nghiệp” - chị Vinh vô tư nói.

Không riêng gì chị Hoa, chị Vinh, hiện nay nhiều lao động đăng ký hưởng BHTN thừa nhận rằng họ vẫn đi làm nhưng đăng ký hưởng BHTN là vì quyền lợi và kiếm thêm “chút đỉnh”. “Đã là quyền lợi thì người này rỉ tai người kia xin nghỉ việc, nhảy việc để hưởng BHTN cũng là bình thường”, chị Minh, công nhân KCN Tân Tạo tiết lộ. Quả thật, trên quyết định nghỉ việc của người lao động (NLĐ), hầu hết đều có dòng chữ: “Xét theo yêu cầu của NLĐ”. Một cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại điểm đăng ký BHTN ở số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh cho biết, bình quân mỗi ngày có gần 300 người đến đăng ký. Đầu tháng hay đầu tuần, số lượng người đến đăng ký thất nghiệp tăng đột biến lên trên 500 người…

Lợi dụng kẽ hở để trục lợi

Theo ông Điều Bá Được, Trưởng ban Chính sách thực hiện bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội-BHXH Việt Nam), cần phải xem xét hiện tượng bất thường này. Ông Được cho rằng, sự gia tăng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân kinh tế khó khăn, doanh nghiệp (DN) giải thể hoặc thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, không loại trừ thất nghiệp ảo để trục lợi.

Đổ xô đi đăng ký hưởng trợ cấp BHTN tại chi nhánh Bình Tân

Đổ xô đi đăng ký hưởng trợ cấp BHTN tại chi nhánh Bình Tân

Theo quy định, mức TCTN hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng nếu có từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có từ đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN và 12 tháng, nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên. Theo chính sách BHTN, NLĐ chỉ cần đóng BHXH từ đủ 12 - 36 tháng là được hưởng TCTN 3 tháng. Mức đóng đối với người sử dụng lao động là 1% lương tháng, NLĐ 1% và Nhà nước hỗ trợ 1%. Thực tế khi tham gia, cả chủ sử dụng lao động và NLĐ đều chỉ phải trích 1% tiền lương, tiền công để đóng. Ví dụ, NLĐ có mức lương 2 triệu đồng/tháng, khi đóng bảo hiểm thất nghiệp chỉ mất 240.000 đồng/năm, DN đóng 240.000 đồng/năm. Trong khi đó, nếu NLĐ mất việc, nghỉ việc, DN sẽ không phải đóng các chế độ BHXH, không phải trả trợ cấp nửa tháng lương/năm (1 triệu đồng) và NLĐ được nhận trợ cấp thất nghiệp 3 tháng x 60% lương (3,6 triệu đồng). Rõ ràng cả DN và NLĐ đều có lợi từ chính sách BHTN.

Chính vì “quyền lợi” này mà nhiều NLĐ không thất nghiệp vẫn đăng ký hưởng TCTN. Thậm chí, có trường hợp NLĐ chấm dứt việc làm ở DN này, sau đó họ trở lại chính công ty con của DN đó làm việc hoặc ký hợp đồng với DN khác. Không ít trường hợp vừa nghỉ việc được vài ngày là tìm được việc làm mới nhưng vẫn đăng ký để nhận TCTN, trong khi việc giám sát xem họ tìm được việc làm hay chưa trong vòng 15 ngày sau khi đăng ký gần như là việc không thể. Đó là chưa kể không ít trường hợp DN giải quyết cho NLĐ rút sổ BHXH để làm thủ tục hưởng BHTN rồi sau đó được công ty ký hợp đồng trở lại. Trong khi đó, cũng có khá nhiều người thất nghiệp thực sự lại không được hưởng chính sách vì DN còn nợ BHXH, chưa thể trả sổ cho NLĐ. Theo quy định, lao động thất nghiệp đáng lẽ ra sẽ nhận sự giới thiệu việc làm miễn phí hay nhận trợ cấp học nghề trong 6 tháng nhưng đến nay rất ít lao động được giúp đỡ về việc làm và cũng không có lao động thất nghiệp nào nhận tiền hỗ trợ học nghề. Đây rõ ràng là hành động trục lợi nhưng không xử lý được vì họ vẫn làm đúng luật.

Một đại diện của BHXH Việt Nam thừa nhận, hiện tượng thất nghiệp ảo là có và không ít người chủ động mất việc làm nhưng lại vẫn được thanh toán BHTN. Trong khi đó, những người thất nghiệp thực sự do các DN phá sản lại thường nợ BHXH, BHTN lại không được hưởng chính sách do không đủ hồ sơ. Đây là vấn đề đáng lo ngại. Bộ LĐTB-XH cũng đã nhận ra các quy định về BHTN sau một thời gian triển khai đã nảy sinh nhiều vấn đề, cần được rà soát lại để kịp thời điều chỉnh phù hợp.

Hiếu Nghĩa

Tin cùng chuyên mục