Cũng như những năm trước, ngày 8-11, các cuộc tập trận bị hoãn, nhiều chuyến bay được đổi lịch, thị trường chứng khoán, văn phòng nhà nước hay công ty tư nhân đều mở cửa muộn… để dành sự tập trung vào 668.000 sĩ tử Hàn Quốc bước vào kỳ thi đại học rất được coi trọng ở nước này. Đây được coi là thời khắc quyết định có thể mang lại mọi thứ, từ sự nghiệp tương lai tới triển vọng hôn nhân đối với thanh niên ở một đất nước đặt nặng chuyện học vấn như Hàn Quốc.
Song, cũng trong ngày quan trọng này, báo Korea Times lại đưa ra nhận định “hàng ngàn thanh niên hoàn thành bài thi ngày hôm nay sẽ đối mặt với một viễn cảnh ảm đạm chưa từng có” trong tương lai. Trong bài viết mang tựa đề “Thanh niên, thất nghiệp và thất bại”, bài báo cho rằng thanh niên Hàn Quốc đang mang trên lưng gánh nặng của cuộc suy thoái kinh tế.
Trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng tồi tệ và sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp sau nhiều thập kỷ phát triển nhanh, khoảng 40% dân số trong độ tuổi lao động Hàn Quốc hiện đang đứng ngoài thị trường lao động. Tình trạng này khiến người trẻ ngày càng hoài nghi về giá trị của các tấm bằng đại học có được qua những năm tháng chịu nhiều áp lực, khổ luyện và tốn không ít tiền bạc đầu tư của cha mẹ.
Sự quan tâm của người Hàn Quốc đối với giáo dục từ lâu đã được xem như một tác nhân giúp quốc gia này đi từ một đất nước nghèo khó cùng cực sau chiến tranh thành một cường quốc kinh tế. Trẻ em Hàn Quốc dành tuổi thơ của mình để học tập với mong muốn có được một vị trí xã hội, thậm chí là triển vọng hôn nhân. Nhưng những nỗ lực này đã không được đền bù xứng đáng khi những năm qua, với tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tay, cuộc sống của sinh viên cũng không tốt hơn cuộc sống của một học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học. Họ sống cuộc sống của người trưởng thành nhưng công việc hết sức bấp bênh.
Thêm một thực tế đáng lo ngại hơn là tỷ lệ thanh niên Hàn Quốc “từ bỏ nỗ lực tìm kiếm việc làm” ngày càng tăng. Theo Cơ quan thống kê Hàn Quốc, có đến 38,7% số người trong độ tuổi 20 “không hoạt động kinh tế”, có nghĩa không có công việc, cũng không chịu tìm kiếm việc làm, mức cao nhất trong 24 năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng phần lớn trong số này thay vì làm việc hoặc kiếm việc thì họ lao vào học tập với hy vọng sẽ cải thiện năng lực để thu hút nhà tuyển dụng và chờ đến khi nền kinh tế sáng sủa hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã có một sự gia tăng đáng báo động tâm lý chán nản của người lao động, những người dễ dàng bỏ việc bởi họ không tin rằng có công việc thích hợp sẵn cho họ. Theo nhà nghiên cứu Park Jin-hee của trung tâm KEIS, hầu hết thanh niên tốt nghiệp đại học mong muốn tìm được việc làm toàn thời gian với những vị trí lâu dài, nhưng thị trường lao động trong bối cảnh suy thoái đã không có đủ chỗ. Điều này đã khiến họ trì hoãn hoặc kéo dài giai đoạn tìm kiếm việc làm.
Thực tế ảm đạm này đang đe dọa hủy hoại cả một thế hệ - một thế hệ thất nghiệp, rơi vào trầm cảm và dễ tự tử. Để giảm áp lực cho thanh niên, góp phần giảm tỷ lệ tự tử, hồi tháng 8, chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành một chiến dịch khuyến khích người trẻ không học đại học, cao đẳng.
Hạnh Chi