“Thay áo mới” đón tết

Tại TPHCM, nhiều công viên, đường phố đã được trang trí đèn, hoa rực rỡ đón Tết Mậu Tuất 2018. Đặc biệt, một số công viên được đầu tư, nâng cấp để trở thành nơi vui chơi, giải trí của người dân không chỉ vào dịp tết mà suốt năm.
Công viên Văn Lang sau khi được nâng cấp. Ảnh: CAO THĂNG
Công viên Văn Lang sau khi được nâng cấp. Ảnh: CAO THĂNG
Công viên Văn Lang (quận 5) vừa được nâng cấp với hàng loạt hạng mục, tạo không gian công cộng mới. Tại đây, người dân có thể thoải mái tập thể dục rèn luyện sức khỏe và cũng là nơi để quận 5 tổ chức các hoạt động nghệ thuật, sự kiện chính trị - xã hội trên địa bàn. Toàn bộ công viên gần 10.000m² được lát đá granit cùng với hệ thống đèn màu, điểm nhấn ở giữa là hệ thống nhạc nước kết hợp ánh sáng nhiều màu sắc.
Mang dáng dấp hiện đại của Quảng trường Nguyễn Huệ, nhưng Công viên Văn Lang vẫn giữ được những hàng cây dầu cổ thụ to cao, phân bố dọc theo công viên. Công viên được trang bị hệ thống wifi miễn phí, 6 trụ uống nước tại vòi, hầm triển lãm và một sân khấu lớn.
Toàn bộ kinh phí cải tạo, nâng cấp Công viên Văn Lang được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa. Theo lãnh đạo UBND quận 5, nhạc nước tại công viên sẽ được biểu diễn vào những ngày cuối tuần và những ngày lễ, sự kiện quan trọng. 
Tại nhiều công viên, công tác chuẩn bị cho hội hoa xuân, trang trí cho những ngày tết cũng được tất bật triển khai. Tại Công viên Tao Đàn, nhiều hạng mục đang được công nhân thực hiện một cách khẩn trương để phục vụ Hội Hoa xuân 2018. Trong khuôn khổ hội hoa xuân sẽ có hoạt động trưng bày, triển lãm và dự thi nghệ thuật ngành hoa, cá, kiểng, bonsai, non bộ, tiểu cảnh.
TPHCM tổ chức bắn pháo hoa tại 6 điểm, gồm 1 điểm tầm cao tại khu vực đường hầm sông Sài Gòn (quận 2) và 5 điểm tầm thấp tại Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11), Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi), Quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ), Khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình Chánh), Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn).
Du khách tham quan hội hoa xuân được thưởng lãm cắm hoa nghệ thuật; biểu diễn lân sư rồng, võ thuật cổ truyền, các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian như múa rối, đờn ca tài tử… Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian, xiếc, ảo thuật, các sân chơi vẽ tranh, triển lãm tranh, các hoạt động khéo tay dành cho thanh thiếu niên. 
Tết Mậu Tuất 2018, trên các đường phố khu trung tâm, các vòng xoay, đảo xoay ở những cửa ngõ và tại các công viên, TPHCM cũng đầu tư hệ thống ánh sáng, trang trí để người dân thưởng ngoạn.
Theo đó, chương trình trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố sẽ diễn ra trong suốt tháng 2 trên nhiều tuyến đường trung tâm và cửa ngõ TP như: Trường Sơn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Ngọc Thạch và Công trường Quốc tế (hồ Con Rùa)…
Ngoài ra, nhiều hoạt động lễ hội khác sẽ diễn ra trong dịp này, như: Đường hoa Nguyễn Huệ với chủ đề “Khát vọng vươn xa”, khai mạc ngày 13-2 (28 tháng Chạp) và kéo dài đến 19-2 (mùng 4 tết); Lễ hội Đường sách TPHCM, được tổ chức tại các đường Ngô Đức Kế, Đồng Khởi, Mạc Thị Bưởi (quận 1), cùng thời gian với Đường hoa Nguyễn Huệ; Hội Hoa xuân bắt đầu từ ngày 10 đến 21-2 (tức 25 tháng Chạp đến mùng 6 tết) tại Công viên Tao Đàn; Ngày hội bánh tét, Lễ dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương và Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; Lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng; các chương trình văn nghệ đón giao thừa… 

Tin cùng chuyên mục