Sự việc một nữ sinh lớp 11, Trường THPT Trần Kỳ Phong (Quảng Ngãi) dùng dao lam cắt cổ tay mình vào ngày 16-10 vừa qua để phản đối cách dạy của cô giáo đã một lần nữa cho thấy cần phải nâng cao tính tương tác trong việc dạy và học hiện nay.
Trong sự việc này, tôi không dám nói lỗi thuộc về cô giáo E. Tuy nhiên, giá như hôm ấy, cô E. để cho em T.Y. được phát biểu ý kiến khi em có xin phép đàng hoàng thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc. Có thể cô E. sợ mất thời gian của tiết học, nhưng ít ra, thay vì từ chối thẳng thừng, cô hãy dành cho em T.Y. một hoặc hai phút. Nếu thấy vấn đề mà em T.Y. đưa ra không thể giải thích ngắn gọn được thì hãy hẹn em sau giờ học sẽ trao đổi nhiều hơn. Có như vậy, tôi nghĩ em T.Y. sẽ thấy rằng mình được giáo viên tôn trọng và sẽ không dẫn đến hành động mang tính bộc phát kia.
Ở lứa tuổi mới lớn, các em vốn có nhiều bốc đồng. Đối với nhiều sự việc, sự nhìn nhận của các em chưa toàn diện nhưng không phải là không có lý. Vì vậy, các em rất cần người lớn biết lắng nghe và định hướng cho mình. Trong việc dạy và học cũng vậy, không ít giáo viên đã quên mất cảm nhận của học trò, cứ mặc nhiên truyền thụ kiến thức theo kiểu một chiều mà không thử tìm hiểu xem các em muốn được học như thế nào là tốt nhất và điều ấy có hợp lý hay không?
Xin các thầy cô đừng dùng câu “Trò mà đòi khôn hơn thầy” để phủ nhận mọi ý kiến của học sinh. Hãy lắng nghe và trao đổi cùng các em một cách thật trách nhiệm và đầy cởi mở, không chỉ trên cương vị người thầy mà còn như một người bạn.
T.Phúc