Chỉ đạo mang tính quyết liệt của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng về cấm dạy thêm, học thêm từ năm học 2016-2017 đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo phụ huynh, học sinh, các chuyên gia, quản lý giáo dục. Tuy nhiên, để chủ trương này thành hiện thực như mong muốn, đòi hỏi nhiều việc cần làm ngay và mang tính đồng bộ.
Hầu hết học sinh cuối cấp - lớp 9 đều học thêm để cạnh tranh thi vào lớp 10 trường THPT công lập
Sợ con bị “đì”
Ngay sau khi Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ đạo không được dạy thêm, học thêm tại trường học, Phòng GD-ĐT quận Tân Bình đã có công văn yêu cầu các trường tiểu học, THCS trên địa bàn không được tổ chức dạy hè dưới bất kỳ hình thức nào. Thay vào đó, các trường phải tổ chức các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống, mở cửa thư viện… để các em có sân chơi ngày hè thật sự ý nghĩa, bổ ích.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho biết: “Suốt 9 tháng, cả giáo viên lẫn học sinh đã phải chịu áp lực dạy và học, kiểm tra căng thẳng, mệt mỏi nên vào hè thầy - trò phải nghỉ ngơi dưỡng sức. Hơn nữa, giáo viên cũng phải tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn vào dịp nghỉ hè nên không thể dạy thêm…”.
Cũng theo ông Huy, bắt đầu vào năm học mới, tùy theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TPHCM, quận sẽ rà soát lại hoạt động dạy thêm, học thêm đúng theo quy định. Theo đó, nhà trường sẽ tập trung bồi dưỡng cho học sinh giỏi và phụ đạo cho những em yếu kém. Trước mắt, nhiều phụ huynh ở quận Tân Bình tỏ ra phấn khởi với chủ trương đổi mới của ngành GD-ĐT quận và hy vọng trong năm học mới, con cái của họ sẽ giảm áp lực học thêm tại trường.
Tương tự, khi được hỏi, nhiều phụ huynh ở các quận khác cũng đồng tình với chủ trương của lãnh đạo TPHCM là từ năm học mới sẽ cấm dạy thêm, học thêm trong trường học. Chị Vân Nam, có con học lớp 3 Trường Tiểu học An Hội quận Gò Vấp, cho biết: “Con tôi học 2 buổi ở trường đã mệt mỏi nhưng giáo viên chủ nhiệm lại gợi ý cho cháu học thêm ở địa chỉ mà cô thuê gần trường học. Tôi và nhiều phụ huynh không muốn cho con học thêm vì chúng đuối sức, còn cha mẹ đợi đưa đón cũng cực nhọc theo. Nhưng sợ cô “đì” con mình nên ráng gồng theo. Nếu lãnh đạo TPHCM chỉ đạo quyết liệt việc cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học thì chúng tôi cảm ơn nhiều lắm!”.
Một số phụ huynh có con học bậc THCS, THPT cũng thổ lộ rằng, nếu học thêm theo tinh thần tự nguyện, tự chọn thầy giỏi ở trung tâm hay nhà riêng để nâng cao kiến thức thì không có gì đáng bàn. Đằng này, phải cho con đi học thêm một cách miễn cưỡng tại trường hoặc bị thầy, cô gợi ý, o ép học thêm tại nhà riêng, điểm thuê và thiếu khách quan trong đánh giá mới đáng sợ.
Anh Nhật Hùng có con học lớp 8 tại một trường ở quận 3, cho rằng: “Nếu giáo viên đứng lớp dạy học bằng đam mê truyền lửa kiến thức, hết lòng vì học trò thì chắc chắn các em không cần phải học thêm. Không ít học sinh từng phản ánh có giáo viên trong trường dạy chính khóa rất qua loa, không hiểu gì nhưng ở lớp dạy thêm hoặc tại trung tâm bồi dưỡng ngoài giờ thì họ dạy rất nhiệt tình và dễ hiểu”.
Trị tận gốc “bệnh thành tích”
Câu chuyện dạy thêm, học thêm đã được lạm bàn, mổ xẻ rất nhiều lần và ở mỗi góc nhìn, lập luận của người trong cuộc đều có lý lẽ riêng - đồng tình lẫn phản bác. Tuy xác định đây là nhu cầu có thực và không thể cấm hoàn toàn, nhưng ngành chủ quản cần xác định phạm vi đến đâu, học thêm, dạy thêm bao nhiêu là đủ?
Theo chia sẻ của cô Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, nhà trường dạy học theo mô hình giáo dục tiên tiến, chú trọng phát triển năng lực, tư duy cho học sinh. Vì thế, học sinh không cần học thêm cũng lĩnh hội kiến thức đầy đủ và trang bị kỹ năng cần thiết để trở thành công dân toàn cầu. Thế nhưng thực tế, nhiều học sinh, phụ huynh vẫn muốn cho con giỏi hơn nên đăng ký học thêm sau hai buổi học bán trú tại trường.
Điều đáng nói ở đây là trào lưu chạy theo thành tích trong ngành giáo dục và xã hội vẫn nặng nề, khó thay đổi. Bên cạnh, một bộ phận phụ huynh luôn kỳ vọng con mình phải đạt danh hiệu giỏi liên tục, vào trường chuyên, lớp chọn; nhiều trường học cũng “nghiện” bệnh thành tích với tỷ lệ học lực khá giỏi đứng đầu và tỷ lệ học sinh đậu đại học cao. Như thế, không thể không chạy theo trào lưu dạy thêm, học thêm tràn lan, khó kiểm soát. Hệ quả này đang khiến một bộ phận học sinh giỏi kiến thức, giải đề thi mẫu hoàn hảo, đạt điểm cao nhưng lười tư duy, lười động não, lười biếng tự học, tự nghiên cứu ở bậc học cao hơn.
Vì thế, chủ trương cấm dạy thêm, học thêm là cần thiết và phải thực hiện ngay. Nhưng để làm được điều này, cần nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ. Thứ nhất, ngành GD-ĐT TP phải được trao quyền giảm tải chương trình đúng nghĩa và thí điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa riêng; trong đó học sinh chỉ học 8 môn, với 3 môn bắt buộc, còn lại tự chọn. Để giáo viên yên tâm đứng lớp và truyền tải hết kiến thức cho học sinh, đáp ứng năng lực của từng em thì TPHCM cần giảm sĩ số lớp học theo chuẩn và chăm lo, tăng thu nhập cho giáo viên đủ sống.
Nhiều giáo viên chia sẻ tâm tư: “Nếu giáo viên được trả lương đủ sống, đủ tái tạo sức lao động như các ngành nghề khác thì họ sẵn sàng từ bỏ dạy thêm…”. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT cũng phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn và trao quyền tự chủ cho TPHCM trong việc kiểm tra, kiểm định sản phẩm giáo dục của mình…
Trước nhiều băn khoăn, trăn trở của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý xung quanh chủ trương nêu trên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Thực hiện tinh thần Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT và Quyết định số 21 của UBND TPHCM về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn, Sở GD-ĐT TP sẽ xem xét lại các quy định và đề xuất sửa đổi cho phù hợp với chỉ đạo của Thành ủy TPHCM về cấm dạy thêm, học thêm trong trường học từ năm học mới này”.
KHÁNH HÀ