Thay đổi cách làm quy hoạch, tăng cường chế tài

Giải pháp nào để hạn chế kẹt xe, ùn tắc giao thông và phát triển vận tải công cộng - đã được TPHCM “mổ xẻ” tại rất nhiều cuộc họp, hội thảo chuyên đề với sự có mặt của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong khuôn khổ những nội dung mà chúng tôi đã phản ánh, xin giới thiệu ý kiến đóng góp của hai chuyên gia ở lĩnh vực này.
Thay đổi cách làm quy hoạch, tăng cường chế tài

Phản hồi loạt bài “Kẹt xe triền miên - Thách thức lớn của TPHCM”

Giải pháp nào để hạn chế kẹt xe, ùn tắc giao thông và phát triển vận tải công cộng - đã được TPHCM “mổ xẻ” tại rất nhiều cuộc họp, hội thảo chuyên đề với sự có mặt của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong khuôn khổ những nội dung mà chúng tôi đã phản ánh, xin giới thiệu ý kiến đóng góp của hai chuyên gia ở lĩnh vực này.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ NGUYỄN TRỌNG HÒA, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM
Tăng cường thực hiện các biện pháp chế tài

Đề án Quy hoạch Phát triển kinh tế, xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013. Trong đề án này đã tích hợp được gần hết các đồ án quy hoạch phát triển thành phố, từ xây dựng đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch hệ thống cấp thoát nước… cho tới các đồ án về phát triển kinh tế, xã hội như quy hoạch phát triển hệ thống trường học, bệnh viện… Như vậy, có thể nói cơ sở để quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển TPHCM một cách bền vững hướng tới chống ùn tắc giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng đã cơ bản được hình thành. Vấn đề còn lại: Thực hiện như thế nào?

Hạ tầng giao thông đi trước một bước sẽ góp phần giải quyết ùn ứ giao thông (Ảnh: Cao Thăng)

Theo tôi, một trong những lý do khiến cho TPHCM ùn tắc giao thông và khó phát triển vận tải hành khách công cộng là quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và đô thị không được thực hiện nghiêm và không được thực hiện đúng nguyên tắc: hạ tầng phải đi trước một bước. Cách tốt nhất để khắc phục là tăng cường biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm quy định này. Bất cứ ai, từ lãnh đạo tới người dân, nếu không tuân thủ quy định hoặc để cho quy định không được thực hiệm nghiêm (đối với cán bộ) đều bị xử lý đến nơi đến chốn. Đặc biệt phải chấm dứt tình trạng “phạt hành vi sai trái, sau đó cho tồn tại” trong các công trình xây dựng sai phép, trái phép. Một trong những nguyên nhân làm cho đô thị TPHCM phát triển “như vết dầu loang” không theo quy hoạch là nhiều quận, huyện quản lý chưa nghiêm công tác xây dựng, để cho những vi phạm nêu trên xảy ra.

Bên cạnh các quy hoạch định hướng phát triển thành phố là một hệ thống các quy định pháp luật về giao thông, bảo vệ trật tự lòng lề đường… Thời gian qua, thành phố tập trung nhiều cho công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định này mà chưa đầu tư nhiều cho công tác xử phạt các hành vi vi phạm. Nếu hệ thống camera theo dõi giao thông được gắn ở nhiều nơi hơn nữa, cảnh sát giao thông tăng cường phạt “nguội” với mức phạt đủ làm người vi phạm không dám sai phạm nữa, thì tôi tin chắc rằng việc chấp hành luật pháp nói chung và các quy định pháp luật về giao thông nói riêng, sẽ được chấp hành tốt hơn hiện nay rất nhiều. Chúng ta phải nhìn vào một sự thật là còn rất nhiều người không chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông, lấn chiếm lòng lề đường, để có giải pháp xử lý cương quyết hơn, thay vì cứ nghĩ rằng chỉ có một bộ phận.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ HỒ LONG PHI, Giám đốc Viện Nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM
Đầu tư hoàn chỉnh các khu dân cư mới

Cũng giống như ngập nước, một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại TPHCM là sự quá tải của hệ thống hạ tầng trong các khu đô thị hiện hữu. Ưu tiên tập trung giải quyết sự quá tải trong khu đô thị hiện hữu vừa tốn kém (bởi nơi đây giá trị đất rất cao), vừa ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. TPHCM đã có bài học về việc đào đường rầm rộ, gây ùn tắc giao thông cho người dân cách đây mấy năm. Chưa kể, càng cải tạo nhiều trong nội thành, càng hấp dẫn người dân vào đây sinh sống và làm việc. Do vậy, cách hay nhất là tạm thời “khoanh” khu vực nội thành lại và tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển các khu dân cư mới, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở ngoại thành, có giá cả phù hợp với sức mua để “kéo” người dân ra đấy. Để người dân có thể an cư, làm việc, sinh hoạt, vui chơi... ở đấy, thành phố cũng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại đây để tạo ra nhiều việc làm. Tôi nhớ, đầu tư phát triển các khu đô thị vệ tinh hoàn chỉnh để từng bước giãn dân ra khỏi nội đô đã quá tải, đã được TPHCM xác định ngay trong nhiều đồ án quy hoạch xây dựng thành phố. Như vậy, vấn đề hiện nay là thực hiện nghiêm các quy định này.

Một vấn đề nữa, để phù hợp với kích cỡ đường, đa phần là nhỏ ở TPHCM, Sở Giao thông Vận tải nên đầu tư phát triển các loại xe buýt nhỏ với giá thành phù hợp để có thể kêu gọi xã hội hóa, đồng thời có thể dễ dàng phát triển mạng lưới đến nhiều khu vực dân cư đông đúc của thành phố.

NGUYỄN KHOA (ghi)

Thông tin liên quan:

- Bài 2: Lực cản… thể chế

Tin cùng chuyên mục