Cụm từ được sử dụng nhiều và khá “thời thượng” trong những năm qua là “tái cấu trúc” hoặc “tái cơ cấu”. Riêng ở khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong những năm vừa qua, hàng loạt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã ra đời, hàng loạt doanh nghiệp đã, đang và sẽ được đưa vào quá trình tái cơ cấu. Đó là điều đáng mừng. Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các DNNN không thể không tự làm mới mình nếu muốn tồn tại và phát triển lành mạnh.
Nhưng trên thực tế, liệu có bao nhiêu DNNN đã thực sự được tái cơ cấu đúng theo ý nghĩa đầy đủ của cụm từ này? Câu trả lời - theo nhiều chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm, con số đó chưa nhiều, nếu không muốn nói là còn ít. Đây thực sự là điều rất đáng lo ngại, bởi những doanh nghiệp này đang nắm trong tay một lượng vốn, tài sản và nguồn nhân lực khổng lồ. Do đó, nếu không nhanh chóng tái cơ cấu triệt để các DNNN, nếu không sớm đưa lượng vốn, tài sản, nguồn nhân lực khổng lồ này vào sử dụng một cách hiệu quả sẽ gây lãng phí nghiêm trọng.
Trong khi nhiều DNNN “đủng đỉnh” với quá trình tái cơ cấu, trong thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp dân doanh đã nhanh chóng thay đổi để thích nghi với điều kiện mới. Nhiều công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện quá trình tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. Nhờ đó, không ít doanh nghiệp đã trụ vững trước khó khăn, duy trì sản xuất, chiếm lĩnh thị trường.
Mới đây, lãnh đạo một trong những công ty đầu tư đa ngành có tiếng trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã tuyên bố bán phần lớn các dự án mà công ty này đã đầu tư nhiều năm qua. Lý giải về tuyên bố khiến giới đầu tư xôn xao này, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cho rằng, quyết định đó nằm trong chiến lược tinh gọn, tập trung vốn cho những lĩnh vực có khả năng phát triển tốt nhất, tăng cường “sức khỏe” cho công ty mẹ. Nếu tạm bỏ qua tất cả những nghi vấn, xì xào xung quanh tuyên bố này, có thể thấy đây là một quyết định mạnh mẽ, dứt khoát mang tầm chiến lược. Chưa ai có thể khẳng định sự thành công hay thất bại trong tương lai đối với doanh nghiệp này, nhưng việc đưa ra một quyết định quan trọng như vậy trong bối cảnh nền kinh tế còn không ít khó khăn như hiện nay thể hiện bản lĩnh của những người cầm lái con thuyền doanh nghiệp.
Nền kinh tế đã từng trải qua những năm tháng phát triển mạnh mẽ. Trong thời điểm đó, cộng đồng doanh nghiệp liên tục phát triển, các dự án mọc lên như nấm sau mưa, việc mở rộng quy mô là nhu cầu cần thiết. Còn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho ngày càng nhiều, nợ xấu gia tăng, không ít doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản thì việc thu hẹp quy mô, thực hiện tái cơ cấu một cách mạnh mẽ là giải pháp khả thi.
Hàng loạt dự án của những nhà đầu tư trong nước đã, đang và sẽ được bán đi để giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu danh mục đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm là những nhà đầu tư nào-trong nước hay nước ngoài sẽ mua các dự án này và có bao nhiêu dự án sẽ phải “chia tay” các ông chủ Việt để về tay các ông chủ nước ngoài? Những câu hỏi đó ẩn chứa không ít nỗi lo.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái kéo dài, nền kinh tế trong nước gặp không ít khó khăn, yêu cầu tái cơ cấu của các doanh nghiệp ngày càng trở nên bức thiết. Việc tái cơ cấu mạnh mẽ, đúng hướng sẽ mang lại hiệu quả, giúp doanh nghiệp trụ vững trước khó khăn. Doanh nghiệp nào tự làm mới mình, vượt thoát khủng hoảng, giữ vững thương hiệu cũng đồng nghĩa với khả năng gặt hái nhiều cơ hội thành công trong tương lai.
TÔ NGUYỄN