Chỉ vài tuần sau khi thảm họa kép gây động đất, sóng thần làm 14.000 người thiệt mạng tại Nhật Bản, một hiện tượng “lạ” xuất hiện tại nhiều thành phố: các trung tâm môi giới hôn nhân trở nên quá tải, ngành công nghiệp phục vụ đám cưới tươi sáng trở lại.
Chị Miyuki Uekusa, nhân viên môi giới hôn nhân tại Trung tâm Marry Me cho biết số thành viên tham gia các câu lạc bộ tìm bạn đời tại Marry Me tăng 30% sau biến cố. Dù mức phí khá cao (1.200 USD để đăng ký và 120 USD tiền sinh hoạt phí hàng tháng) nhưng số thành viên đến đăng ký của câu lạc bộ vẫn tăng lên từng ngày. Các chủ cửa hàng trang sức cho biết nhẫn đính hôn và nhẫn cưới được tiêu thụ nhanh chóng, lượng khách mua tăng lên tới 20%.
Cô Yoko, 49 tuổi, thành viên mới của Câu lạc bộ Marry Me tâm sự rằng các thảm họa đã làm cô thay đổi suy nghĩ rất nhiều và quyết định chấm dứt cuộc sống độc thân: “Tôi cần phải xác định lại những ưu tiên trong cuộc sống và phải hành động ngay trước khi một thảm họa nữa lại xảy ra”.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng thảm họa động đất đã tác động lên nhận thức của giới trẻ Nhật Bản, nhất là đối với phụ nữ - người thường đánh tiếng trước về chuyện hôn nhân. Sau khi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động của các cặp đôi trong sóng thần, những phụ nữ độc thân bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của việc kết hôn thay vì chỉ tập trung vào sự nghiệp và tận hưởng tự do như trước đây.
Vấn đề dân số giảm, người già chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong cơ cấu dân số đang là thách thức đe dọa tốc độ phát triển kinh tế và xã hội hiện nay tại Nhật Bản.
Theo thống kê mới, tỷ lệ sinh toàn quốc ở Nhật là 1,37 con/phụ nữ. Nếu xu hướng này tiếp tục, dân số Nhật Bản sẽ sụt giảm từ 127 triệu hiện nay xuống 95 triệu vào năm 2050. Chính phủ Nhật Bản buộc phải sử dụng nhiều ngân sách hơn cho các chương trình phúc lợi xã hội, điều này khiến cơ cấu tài chính quốc gia bị ảnh hưởng. Hiện nay, gánh nặng nợ công đã lên tới 200%.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ở mức tồi tệ nhất trong số các nước phát triển, khiến kinh tế Nhật Bản luôn trong tình trạng tê liệt. Thảm họa kép tại Nhật vừa qua làm thiệt hại 300 tỷ USD càng trở thành gánh nặng lớn cho nền kinh tế chưa thật sự thoát khỏi suy thoái.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi người Nhật vẫn giữ truyền thống không mặn nồng với dân nhập cư. Các nước châu Âu như Đức, Ý và Tây Ban Nha đều có cơ cấu dân số già giống Nhật Bản nhưng những nước này lại có lượng dân nhập cư khá cao để bù đắp cho lực lượng lao động thiếu hụt. Nhật Bản có tỷ lệ lao động nước ngoài thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn của thế giới, chỉ chiếm chưa tới 2% lực lượng lao động, so với 15% ở Mỹ và 10% tại Anh.
Theo một số thống kê của Chính phủ Nhật Bản, tổng số người già đã lớn hơn số người trẻ tuổi kể từ năm 1997. Lực lượng lao động Nhật Bản sẽ bị cắt giảm khoảng 18% vào năm 2030.
Liệu hiện tượng giới trẻ Nhật ồ ạt kết hôn có làm chính phủ nước này thở phào nhẹ nhõm khi bài toán tăng tỷ lệ sinh đang có lời giải đáp? Dẫu sao, đây thật sự là một tín hiệu vui sau thảm họa đau thương tại xứ sở Mặt trời mọc.
Thanh Hằng