Những người khuyết tật nặng vốn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Bằng cách làm phù hợp với từng hoàn cảnh, Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật TPHCM (ESAT) đang tạo niềm tin và hy vọng giúp họ có điều kiện để hòa nhập cộng đồng, được làm việc có ích cho xã hội. Những số phận đặc biệt đang dần được thay đổi!
Trưởng thành từ ESAT
“2 tháng. Xe ôm. 45.000 đồng/ngày. Thích…” - là câu trả lời nhát gừng, vừa nói vừa thở của Nguyễn Văn Dũng (24 tuổi, ngụ phường Tân Định, quận 1, TPHCM), cho từng câu hỏi “Dũng làm ở đây lâu chưa? Hàng ngày đi - về bằng gì? Thu nhập bao nhiêu? Có thích ở đây không?...”.
Đem những thông tin trên hỏi lại cô Hà Thị Thanh Trâm, giáo viên quản xưởng lao động hòa nhập cho người khuyết tật nặng (ESAT) thì hay, Dũng là một trong những người tới xưởng làm việc từ những ngày đầu xưởng mới thành lập (tháng 9-2010); sáng, trưa, ngày 2 lần ba Dũng đưa đón.
Với người bình thường, việc bốc một nắm tăm tre bỏ vào bao ni lông là hết sức dễ dàng, đơn giản nhưng với Dũng, bị chậm phát triển, trí nhớ không tốt, làm được là… cả một quá trình! Hàng ngày, sau chỉ dẫn của giáo viên, Dũng tự ngồi bốc tăm vào bao ni lông. Bao đựng được kha khá tăm, Dũng lại giơ lên cao, nghiêng đầu ngắm nghía; dường như chưa vừa ý, Dũng nhướn đôi lông mày như muốn cân đong đo đếm sức nặng của bao tăm, sau đó nắn nắn bóp bóp, xong lại… đổ tăm ra, bốc lại, cho vào bao… Sau một tháng trời luẩn quẩn như thế, Dũng cũng làm được việc, mỗi bao tăm Dũng chỉ cần “ngắm nghía” 1, 2 lần, rút ngắn thời gian, hiệu suất lao động tăng lên. Thành quả lao động là mỗi tháng, Dũng kiếm được khoảng 100.000 đồng.
Còn Võ Thị Phượng (22 tuổi, quê Bình Thuận), bị di chứng sốt bại liệt nên khi di chuyển phải gập người kéo lê một chân, rất khổ sở. Những năm tháng học phổ thông là chuỗi ngày Phượng phải trốn tránh sự chọc ghẹo, cười cợt của bạn bè. Gia đình không khá giả nên viễn cảnh một ngày nào đó sẽ được đi bằng đôi chân của mình chỉ là mơ ước của cô bé nhút nhát. Mọi chuyện như một giấc mơ có thật khi Phượng đến với ESAT vào cuối năm 2010.
Sau 2 tháng học và làm những công việc đơn giản tại xưởng, Phượng được điều trị cải thiện, phục hồi chức năng. Giờ đây, Phượng có thể đứng khá thẳng người, đi lại thoải mái hơn. Dần khắc phục được khuyết tật, cô bé nhút nhát thuở nào đã trở nên tươi vui, cười nói rộn rã. Phượng hồ hởi cho biết, vừa hoàn thành khóa học thiết kế quảng cáo, lại được trung tâm cho học thêm lớp đồ họa. Vừa học, Phượng vừa ghé ESAT nhận thêm tranh về thêu, mỗi tháng kiếm được 1 triệu đồng. Chi phí học nghề, ăn, ở đã được trung tâm hỗ trợ rất nhiều nên Phượng để dành được khá tiền. Số tiền này, Phượng sẽ dành cho việc học cao lên nữa mà không cần phiền đến ba mẹ.
Đồng hành cùng người khuyết tật nặng
Cô Trâm cho biết, tuy kết quả lao động quy ra giá trị vật chất không lớn nhưng quan trọng là những người khuyết tật nặng có môi trường làm việc, chuyện trò cùng nhau, rèn luyện ý thức tự giác, tập lao động, sống có kỷ luật giờ giấc, thay vì suốt ngày ở nhà ngồi xem ti vi, ngại tiếp xúc với bên ngoài hoặc lêu lổng chơi bời…
Có nhiều bạn như Dũng, trước đây ngại làm việc thì bây giờ đã biết mày mò phụ giúp cha mẹ việc nhà. Đó cũng là mục đích mà ESAT ra đời, quy tụ các lao động khuyết tật nặng (khó tham gia vào thị trường lao động, khó học nghề có chứng chỉ), thuộc các dạng tật như di chứng của sốt bại liệt, câm điếc bẩm sinh, chậm phát triển…
Hiện ESAT có 70 lao động khuyết tật nặng tham gia lao động sản xuất, gia công xoay vòng các mặt hàng như: kết cườm, làm mồi giả câu cá, đóng bao tăm tre, xỏ LED mạch điện, may áo mưa… Đặc biệt, có khoảng 10 lao động, tưởng chừng khó có cơ hội tham gia vào thị trường lao động, sau một thời gian rèn luyện ở ESAT vững tay nghề, đã được các doanh nghiệp bên ngoài tiếp nhận vào làm việc với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Chiếu, Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm - ESAT, cho biết, không những duy trì một xưởng làm việc cố định tại trung tâm, còn có 3 trường hợp quá yếu, không có điều kiện tới xưởng làm việc, phụ trách xưởng đã mang hàng gia công tới tận nhà giao việc cho các em. Cách làm này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Trung tâm sẽ xuống các quận, huyện rà soát, tư vấn dạy nghề và tìm việc làm cho người khuyết tật; trong đó, những người bị khuyết tật nặng, không tiện đi lại, sẽ có cán bộ tới tận nhà tìm hiểu nhu cầu, dạy nghề, đặt việc.
ĐƯỜNG LOAN