Ngày 14-3 là thời điểm các thí sinh nộp hồ sơ thi ĐH-CĐ 2011. Cách đây hơn 1 tuần, Bộ GD-ĐT đã công bố những thay đổi trong quy chế tuyển sinh năm nay. Những thay đổi đó được lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định là có lợi cho thí sinh, cho xã hội và chính các trường. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH lại cho rằng những thay đổi này không những không có lợi cho thí sinh mà còn gây khó cho các trường. Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ 2011, vẫn khẳng định: Đây là thay đổi xuất phát từ chính đề nghị của các trường, có lợi cho thí sinh, xã hội và chính các trường.
Lợi hay không lợi?
Những thay đổi trong quy định tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 cơ bản được các trường đồng tình, trừ quy định cho phép thí sinh được rút - nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 (NV2, NV3). Cụ thể, Bộ GD-ĐT quy định, năm nay trong thời hạn quy định xét tuyển 20 ngày của NV2, NV3 thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT nếu thấy khả năng không trúng tuyển vào trường mình vừa nộp hồ sơ.
Ngoài quy định này, một quy định cũng gây nhiều tranh cãi trong tuần qua là việc các trường hàng ngày phải cập nhật thông tin hồ sơ ĐKXT NV2, NV3 lên trang web của trường và công khai cho các thí sinh biết. Nhiều trường ĐH lo lắng rằng sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Trong khi đó, quan điểm của Bộ GD-ĐT là với quy định này sẽ mở thêm cơ hội cho cả 2 phía: thí sinh và trường. Vì với các trường ít hồ sơ đăng ký cũng thuận lợi hơn trong việc thu hút thí sinh để đảm bảo đủ chỉ tiêu. Mặt khác, thí sinh có nhiều cơ hội xét tuyển và trúng tuyển hơn do nắm chắc thông tin.
Cho đến nay, sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy định này, hầu hết các ý kiến mà chúng tôi ghi nhận được từ phía thí sinh chuẩn bị kỳ tuyển sinh năm nay và phụ huynh học sinh đều hoàn toàn ủng hộ. Vì thực sự đây là điểm thuận lợi cho học sinh. Em Nguyễn Hoàng Giang, học sinh lớp 12 Trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An, cho biết thay vì như mọi năm thí sinh phải hồi hộp đợi kết quả xét tuyển NV2, NV3 thì với quy định này các em có thể làm chủ hơn về con đường vào ĐH của mình. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, cho đến nay chưa hề nhận được phàn nàn nào từ phía thí sinh, người dân.
Trong khi đó, phản hồi từ một số trường cho rằng, quy định mới của bộ khó khả thi, lợi bất cập hại, thậm chí theo hướng có hại cho thí sinh. Lập luận của nhiều trường cho rằng, điều này chỉ khiến cả thí sinh lẫn nhà trường mệt mỏi, căng thẳng mà hiệu quả thì chưa chắc được như mong đợi. Sợ nhất là tình trạng thí sinh sẽ chờ đến ngày cuối của đợt xét tuyển mới nộp hồ sơ, sẽ khiến trường rất bị động. Mặt khác, trong quá trình công khai, do là con số chưa đầy đủ mà thí sinh dựa vào đó để xin rút hoặc nộp hồ sơ thì sẽ dễ rơi vào tình trạng quá tải cho một số ngành hoặc ngược lại. Đặc biệt, những thí sinh ở xa trường, việc phải đến để xin rút - nộp hồ sơ sẽ gây tốn kém không ít.
Nên cho chốt hồ sơ NV2, NV3 trước thời hạn?
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng, thừa nhận việc công khai hóa thông tin về xét tuyển NV2, NV3 là tốt. Việc cho thí sinh rút hồ sơ cũng tạo cho các em cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng của mình sang một trường hợp lý hơn. Tuy nhiên, ông Nghị vẫn cho rằng, quy định này có nhiều điểm bất ổn và sẽ dễ nảy sinh tình trạng nhiều trường trì hoãn công bố thông tin, hoặc công bố không đầy đủ. Thực tế, việc cho thí sinh rút hồ sơ sẽ khiến số hồ sơ đăng ký của các trường luôn trong tình trạng không ổn định, vì vậy trường cũng không dám công khai điểm chuẩn là bao nhiêu vì chưa chắc chắn. Hoặc nhiều trường không muốn công bố con số thực vì sợ thí sinh ồ ạt rút hồ sơ đi thì đang từ thế “thừa” chuyển thành thế “thiếu”, điều mà không trường nào muốn lâm vào. Trong khi đó, mùa tuyển sinh năm nay, khi đưa ra quy định này, Bộ GD-ĐT chưa kèm quy định về xử phạt việc không công khai trung thực hồ sơ NV2, NV3 nên rất có thể nhiều trường sẽ trì hoãn việc công bố cũng như làm khó cho thí sinh trong việc rút hồ sơ.
Theo kiến nghị của ông Trần Hữu Nghị, để tạo cơ hội đồng đều cho cả thí sinh lẫn nhà trường, cùng với quy định nhà trường công bố thông tin từng ngày, cho phép trường được “chốt” danh sách trúng tuyển khi thấy đủ số thí sinh cần tuyển, công khai ngay và không tiếp tục nhận hồ sơ nữa. Những thí sinh không trúng tuyển có quyền rút hồ sơ, nộp vào trường khác (nhưng quy định hiện nay là các trường không được chốt hồ sơ trước thời hạn).
Tuy nhiên, quy định mới lại được nhiều trường công lập ủng hộ. Ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng đào tạo Đại học Hà Nội, cho rằng, quy định mới có thể làm công tác tuyển sinh của các trường căng thẳng hơn một chút, nhưng thực sự có lợi cho thí sinh. Và đó là điều các trường nên ủng hộ. “Tôi khẳng định những trường phản đối quy định này đều là do khâu công nghệ thông tin không tốt”, ông Hạnh nói.
Trước phản ứng từ phía các trường, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ 2011, cho biết việc công khai tất cả thông tin (hồ sơ NV2, NV3, tên tuổi thí sinh, số điểm của các em) không chỉ là cơ hội tốt cho thí sinh mà còn là cơ hội tốt cho trường, nhất là những trường ít thí sinh đăng ký. Trường càng ít người đăng ký càng nên công khai để thí sinh biết và nộp hồ sơ. Trước đây, do không công khai nên thí sinh không biết rằng nhiều trường vẫn còn thiếu chỉ tiêu. “Với chủ trương này, cả thí sinh và nhà trường đều có lợi. Xã hội cũng có lợi. Đầu vào ĐH-CĐ cũng vì thế được nâng lên. Sẽ không còn tình trạng thí sinh điểm cao bị rớt ĐH”, ông Bùi Văn Ga nói.
"Việc tuyển sinh chủ yếu ở NV1, NV2 và NV3 là lực lượng bổ sung nên không nhiều, mỗi trường chỉ tuyển vài trăm em. Các thí sinh này lại nộp hồ sơ rải rác (thời gian nộp hồ sơ NV2 từ 25-8 đến 15-9, thời gian nộp hồ sơ NV3 từ 20-9 đến 10-10). Do đó, lượng thí sinh nộp, rút hồ sơ mỗi ngày không lớn, cùng lắm là vài chục em, nên không có gì khó khăn cho trường. Tôi chắc chắn sẽ không có gì là lộn xộn. Thí sinh bây giờ rất khôn khoan, các em sẽ theo dõi thông tin và đưa ra quyết định nộp vào đâu chứ không phải cứ nộp rồi lại rút. Vì thế số rút chắc chắn không nhiều. Điều này cũng nhằm nâng cao năng lực phán đoán cho các em" Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
Ngày 12-3, Trường THPT Quốc tế Việt Úc đã tổ chức hội thảo tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh của trường. Tham gia buổi tư vấn, hướng nghiệp còn có các trường đại học trong và ngoài nước. Tại đây, các em đã được tư vấn về các ngành nghề, khả năng tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Đặc biệt tìm hiểu về các thủ tục du học, cân nhắc trong việc chọn du học tại chỗ với chi phí thấp hay du học ở nước ngoài, tìm học bổng du học… Được biết, trong các năm học vừa qua, học sinh của Trường Việt Úc có khoảng 38% vào ĐH ở Úc; 25% ở Anh, Mỹ; 18% ở các trường khác và 9% học tại Đại học RMIT ở Việt Nam. L.Linh |
Phan Thảo