Trước những diễn biến phức tạp ở Libya, quân đội Mỹ đã đưa lực lượng áp sát Libya, trong một hành động nhằm gia tăng sức ép đối với chính phủ của ông Gaddafi, nhưng cũng không loại trừ hành động quân sự để giúp sức cho lực lượng đối lập nhằm lật đổ người từng thách thức nước Mỹ suốt 40 năm qua. Dư luận thế giới cho rằng đây là khúc dạo đầu cho việc hiện thực hóa chiến lược quân sự mới mà Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ vừa đưa ra đầu năm 2011.
Thúc đẩy vai trò lãnh đạo của quân đội Mỹ
Trong chiến lược quân sự 2011, có nhiều điểm mới so với chiến lược năm 2004 và theo phân tích của các chuyên gia quân sự Mỹ những thay đổi đó là nhằm đáp ứng tình hình thế giới có nhiều biến động ngày nay. Chiến lược mới xác định lại vai trò lãnh đạo của quân đội Mỹ ở trong nước cũng như hành động toàn cầu.
Chiến lược khẳng định: “Ủng hộ chính sách đối ngoại do dân sự lãnh đạo của chúng ta”. Chiến lược này khẳng định vai trò lãnh đạo quân sự cần phải được xác định cho phù hợp với môi trường chiến lược ngày càng phức tạp.
Chiến lược cũng viết rằng: “Sức mạnh quân sự và những công cụ quản lý nhà nước khác sẽ hiệu quả hơn khi được áp dụng phối hợp…”; “Trong thế giới nhiều nút thắt, đóng góp của quân đội cho vai trò lãnh đạo của Mỹ không chỉ liên quan đến sức mạnh, nó phải liên quan đến những biện pháp mà nước Mỹ dùng sức mạnh” và “Nước Mỹ phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình thông qua sức mạnh làm gương có sức thuyết phục”.
Mở rộng vai trò bảo vệ an ninh toàn cầu
Năm 2004, nhiệm vụ chính của quân đội Mỹ đã được xác định là bảo vệ nước Mỹ, ngăn chặn các cuộc tấn công bất ngờ và đảm bảo ưu thế hơn đối phương. Lần này chiến lược quân sự mới của Mỹ nhấn mạnh tăng cường an ninh quốc tế và khu vực.
Có thể nói, trong các chiến lược quân sự trước đây, nước Mỹ chỉ sử dụng lực lượng quân sự khi cần bảo vệ an ninh nước Mỹ và các đồng minh của mình. Chiến lược mới còn mở rộng diện nằm trong chiếc ô bảo vệ mà Mỹ cho rằng mình có trách nhiệm che chở đó là cả các đối tác và cả những quốc gia chưa có quan hệ đối tác nhưng có lợi ích chung với Mỹ. Vì vậy, nhìn tổng thế chiến lược mới cho phép quân đội Mỹ hành động trong bất kỳ trường hợp nào họ thấy cần thiết.
Và quan trọng hơn, chiến lược cũng xác định nước Mỹ sẵn sàng hành động một mình mà không cần đồng minh. Trong phần mở đầu, chiến lược này đã nêu rõ: “Chúng ta sẽ sẵn sàng hành động với tư cách là người đảm bảo an ninh-tốt nhất là với các đối tác và các đồng minh, nhưng một mình nếu cần thiết để ngăn chặn và đánh bại các hành động gây hấn”.
Điều này giải thích cho hành động của Mỹ ở Libya mới đây. Dù chưa được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua, và các đồng minh trong Liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cũng chưa thống nhất, nhưng Mỹ đã đưa tàu chiến đến sát Libya để chuẩn bị thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời nước này. Và Mỹ cũng thẳng thắn cho biết không loại trừ hành động quân sự khi cần thiết.
Như vậy, liệu đằng sau chiến lược quân sự này, giới quân sự Mỹ có lợi dụng nó để phục vụ cho ý đồ can thiệp và bất cứ nơi nào trên thế giới? Như vấn đề nội bộ Libya không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi Mỹ và cũng không đe dọa đối tác nào.
Xét từ góc độ pháp luật quốc tế, những diễn biến ở Libya là công việc nội bộ của nước này và chỉ có LHQ mới có quyền quyết định những hành động cần thiết đối với Libya. Nhưng nhà lãnh đạo nước Bắc Phi này lại là cái gai trong mắt Mỹ bấy lâu nay. Có thể nói Mỹ không thích cố tổng thống Iraq Saddam Hussein bao nhiêu thì cũng không ưa tổng thống Libya Gaddafi bấy nhiêu. Dư luận đặt câu hỏi: liệu đây có phải là cái cớ để Mỹ nhổ cái gai đó không?
Một điểm đáng chú ý nữa là mới đây, trong cuộc tranh cãi về cắt giảm ngân sách quốc phòng để giảm thâm hụt ngân sách, Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu Quốc hội không cắt các khoản viện trợ quân sự nước ngoài.
Bằng chứng mà Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra là nhờ Mỹ thường xuyên viện trợ cho quân đội Ai Cập (năm 2009 là 1,3 tỷ USD) mà nước Mỹ có thể nắm quân đội Ai Cập, dẫn đến việc Tổng thống Hosni Mubarak chuyển giao êm thấm quyền lực cho quân đội Ai Cập giữa lúc Mỹ chưa tìm được người thay thế người đứng đầu xứ sở Kim tự tháp.
Lầu Năm Góc cũng đưa ra một ví dụ ngược lại đó là quan hệ quân sự với Indonesia trong những năm gần đây khá lỏng lẻo do Mỹ đã cắt viện trợ cho quân đội nước này sau sự kiện Đông Timor, và giờ đây không có nhiều quan chức quân đội đất nước vạn đảo có quan hệ mật thiết với Mỹ.
Chuyển hướng trọng tâm chiến lược
Nhiều ý kiến cho rằng nếu như các chiến lược quân sự trước đây khẳng định trung tâm sự chú ý của Mỹ là không gian hậu Xô Viết, thì ngày nay châu Á-Thái Bình Dương trở thành trọng tâm trong chiến lược này, và nhấn mạnh đó chính là Trung Quốc. Chiến lược khẳng định: “Các mục tiêu ưu tiên chiến lược và những lợi ích của quốc gia sẽ xuất phát từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Rõ ràng ở các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ hiện giờ đều đã có mối quan hệ từ đối tác đến đồng minh với Mỹ. Như báo chí đã đề cập dù có nhiều trục trặc, nhưng cuối cùng chính quyền Kyrgystan cũng đã đồng ý để Mỹ tiếp tục sử dụng căn cứ không quân Manas làm sân bay quá cảnh cho Mỹ và NATO. Còn Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov gần đây cũng lên tiếng thúc giục Mỹ tiếp tục hợp tác với nước này.
Trên thực tế, một sân bay ở Navoi, một sân bay và một ga đường sắt ở Termez của Uzbekistan đã trở thành những điểm chốt quan trọng trong tuyến đường hậu cần cho Mỹ và các đồng minh ở Afghanistan. Ngoài ra Mỹ đang sử dụng cơ sở hạ tầng của các nước thuộc Liên Xô trước đây như sân bay Ashgabat ở Turmenistan, và cơ sở hạ tầng ở Tajikistan. Kazakhstan cũng bắt đầu hợp tác quân sự với Washington bằng cách gửi quân sang Afghanistan.
Có thể nói lợi ích của Mỹ ở Trung Á không chỉ là cuộc chiến Afghanistan mà còn liên quan đến kinh tế. Mỹ đang đàm phán về vai trò chiến lược của Trung Á trong việc sản xuất và vận chuyển dầu lửa.
Mỹ đã nắm bắt được dự báo thị phần của Kazakhstan trong tổng sản lượng cung cấp dầu trên thị trường thế giới sẽ tăng nhanh chóng trong vài năm tới. Vào năm 2010, sản lượng dầu của nước này sẽ tăng gấp đôi, đạt 3 triệu thùng/ ngày. Đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này còn có Uzbekistan và Turmenistan. Vì vậy Mỹ đang ủng hộ một dự án bơm dầu và khí đốt từ Trung Á đến châu Âu đi qua Nam Kavkaz chứ không đi qua Nga.
Khi tuyến đường này xây xong, Nga sẽ mất vai trò nhà cung cấp nhiên liệu chủ chốt cho châu Âu. Mỹ cũng đang chào đón tuyến dẫn dầu TAPI (Turmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ) cũng không qua Nga. Năm ngoái Chính phủ Afghanistan tuyên bố quân đội Mỹ sẽ bảo vệ đường ống dẫn dầu này.
Điều này cho thấy Mỹ dường như đã đạt được mục đích đề ra trong các chiến lược quân sự trước đây. Nga dường như không còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự mới của Mỹ.
Bởi chiến lược quân sự mới chỉ nói đúng hai câu về Nga rằng “Mỹ sẽ tăng cường đối thoại với Nga và các mối quan hệ giữa quân đội hai nước, dựa trên những tiến bộ đạt được trong việc cắt giảm vũ khi tiến công chiến lược” và “Chúng ta tìm kiếm hợp tác với Nga về chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí, về vũ trụ và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, và hoan nghênh việc nước Nga đóng vai trò năng động hơn trong việc giữ gìn an ninh và ổn định ở châu Á”. Như vậy có nghĩa Nga không còn là mối lo của Mỹ như cách đây 7 năm nữa.
Các chuyên gia tin rằng việc đặt trọng tâm chiến lược vào Trung Quốc và ít chú ý hơn đến các đối thủ trong cuộc Chiến tranh lạnh là điều không có gì ngạc nhiên. Tất cả đều hiểu rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không có lợi nếu gây căng thẳng về kinh tế, nhưng sự nổi lên của Trung Quốc tạo tiền đề cho một cuộc cạnh tranh mới.
Mới đây, ngày 2-3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ trích việc Quốc hội Mỹ muốn cắt giảm ngân sách Bộ Ngoại giao, trong đó có viện trợ cho vùng châu Á-Thái Bình Dương. Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, bà Clinton khẳng định Mỹ đang phải cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc ở khu vực và việc cắt ngân quỹ cho khu vực sẽ làm Mỹ có nguy cơ mất đi ảnh hưởng vì Trung Quốc “hậu đãi” các nhà lãnh đạo ở khu vực Thái Bình Dương giàu tài nguyên.
Dù không nói cụ thể, nhưng trong chiến lược này Mỹ sẽ thúc đẩy những lợi ích chung thông qua sự hợp tác của Trung Quốc nhưng sẽ tiếp tục giám sát thận trọng những phát triển quân sự của Trung Quốc.
Nhìn lại các chiến lược quân sự của Mỹ qua từng thời kỳ, thấy rõ một điều Mỹ luôn khẳng định mình có quyền và trách nhiệm dẫn dắt thế giới, bảo vệ một thế giới đơn cực.
Việc chuyển trọng tâm chiến lược từ các nước trong không gian hậu Xô Viết đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng nói lên một điều: khu vực trọng tâm trong chiến lược quân sự của Mỹ là khu vực có những quốc gia nổi lên, thách thức vị trí số 1 của Mỹ. Nay Trung Quốc nổi lên về kinh tế, quân sự và cả ảnh hưởng trên trường quốc tế thì Mỹ chuyển ưu tiên về châu Á-Thái Bình Dương.
VIỆT TRUNG