Thấy gì trong cao điểm giải cứu thịt heo?

Các sở, ngành của TPHCM đã tổ chức hàng loạt buổi làm việc với các hệ thống phân phối, điểm giết mổ, các KCX - KCN, bếp ăn tập thể có sử dụng số lượng thực phẩm lớn, doanh nghiệp sản xuất - chế biến thực phẩm...
Liên tục trong hơn 1 tháng qua, các sở, ngành của TPHCM đã tổ chức hàng loạt buổi làm việc với các hệ thống phân phối, điểm giết mổ, các KCX - KCN, bếp ăn tập thể có sử dụng số lượng thực phẩm lớn, doanh nghiệp sản xuất - chế biến thực phẩm... để tìm mọi cách đẩy mạnh việc tiêu thụ thịt heo, giúp các hộ chăn nuôi giảm thiệt hại ở mức thấp nhất. Riêng Sở Công thương TPHCM còn cử hẳn một phó giám đốc, tạm gác lại một số công tác chuyên môn khác để tập trung cho việc giải cứu thịt heo.
Theo các bộ, ngành, một trong những địa phương có sản lượng heo tồn nhiều nhất là Đồng Nai. Nguyên nhân chính là tỉnh này có quy mô chăn nuôi rất lớn, với tổng đàn gà lên tới 17,8 triệu con, tổng đàn heo 1,8 triệu con; trong đó heo từ 80kg/con trở lên có khoảng 350.000 -370.000 con. 
Theo tính toán của ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai, ngoài lượng heo thịt có trọng lượng 80 - 100kg/con được nuôi và cung ứng ra thị trường theo kế hoạch, Đồng Nai đang tồn khoảng 300.000 con đã tới lứa nhưng chưa thể xuất chuồng. Với đà này, trong 3 tháng tới, lứa heo thịt kế tiếp lớn dần, tạo ra một cuộc khủng hoảng thừa tiếp theo, có thể nhiều trang trại sẽ bị mất trắng. Ngay tại thời điểm này, rất nhiều trang trại đang phải chấp nhận bán  đồng giá 2 triệu đồng/con, loại heo trên 120kg (thay vì bán theo ký) để vớt vát. “Tuy nhiên, cũng có những hộ vì tiếc công chăn nuôi nên đã giữ lại bầy heo, mỗi ngày bắt một con, tự giết mổ để bán cho hàng xóm, lấy tiền mua cám cho cả đàn còn lại. Với cách làm này, khi bán đến con heo cuối cùng, cũng đồng nghĩa chủ hộ sẽ chẳng còn được đồng nào!”, giám đốc một doanh nghiệp thu mua, giết mổ heo tại Đồng Nai kể. 
Thấy gì trong cao điểm giải cứu thịt heo? ảnh 1 Người tiêu dùng mua thịt heo có truy xuất nguồn gốc tại siêu thị. Ảnh: THÀNH TRÍ
Riêng các tỉnh miền Tây, cũng may là nhu cầu sử dụng thịt heo tại thị trường Campuchia còn khá lớn nên vẫn có thể xuất hàng vào nước này, nên lượng hàng tồn đọng ít hơn.
Xuyên suốt các buổi làm việc của Bộ Công thương và Sở Công thương TPHCM về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thịt heo, hầu hết các doanh nghiệp khẳng định, họ đã làm hết sức mình để nâng sản lượng tiêu thụ thịt heo. Điển hình như Vissan đã nâng công suất giết mổ từ 1.200 con lên 1.800 con/ngày; hệ thống Co.opmart chấp nhận bán dưới mức giá mua vào 5% để bù vào phần khuyến mãi cho khách hàng; chợ đầu mối Bình Điền đã tăng sản lượng tiêu thụ từ 2.700 con lên 3.300 con/đêm… Nếu như trước đây chợ Bình Điền là nơi tập kết, phân phối thịt heo từ các tỉnh miền Tây đưa lên TPHCM thì nay lượng heo từ Đồng Nai chiếm từ 60% - 70% tổng lượng heo bán ra mỗi đêm.
Điều đáng lưu ý, trong mọi cuộc họp, sự tính toán của các sở, ngành và doanh nghiệp đều xoay quanh việc tìm đầu ra cho các trang trại chăn nuôi đạt chuẩn VietGAP, rồi mới tới các trang trại được chứng nhận đạt chuẩn an toàn. Theo ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho dù lượng heo giết mổ tại Vissan đã vượt rất xa so với nhu cầu, nhưng Vissan vẫn phối hợp với các đối tác tiếp tục tăng sản lượng heo nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP giết mổ để trữ đông. Hệ thống siêu thị Co.opmart, Lotte Mart, Big C… cũng tập trung ưu tiên cho heo VietGAP, heo truy xuất được nguồn gốc. Nếu các đối tác không làm tốt khâu kiểm soát đầu vào, có thể sẽ ngưng các hợp đồng cung ứng. 
Mới đây, tại buổi làm việc giữa các sở, ngành của TPHCM với tỉnh Đồng Nai, đại diện Hội Nông dân và Hiệp hội Chăn nuôi của tỉnh này nhiều lần đề nghị phía TPHCM nên có biện pháp hỗ trợ việc tiêu thụ đàn heo của các hộ nông dân, trang trại chưa thực hiện truy xuất nguồn gốc, chưa có VietGAP vì sản lượng heo ở dạng này hiện còn rất nhiều… Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 1.700 trang trại nuôi heo, nhưng chỉ 400 trang trại có chứng nhận an toàn và 40 trang trại có chứng nhận VietGAP. Do vậy, nếu không có sự hỗ trợ, chắc chắn các hộ chăn nuôi sẽ khó gượng dậy sau đợt này, để lại hệ luỵ rất lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Tuy nhiên, những vấn đề nêu ra đều đang bị bỏ ngỏ vì lượng heo được chăn nuôi bài bản, có chất lượng tiêu thụ còn chưa hết. Theo các doanh nghiệp, sẽ không có chỗ cho cách làm thiếu bài bản, chưa tuân thủ các chỉ tiêu về an toàn, chất lượng.
Từ những gì đã nói, có thể thấy, ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành nói riêng vẫn thiếu hẳn một chiến lược quy hoạch “nuôi con gì, trồng cây gì, ở đâu?”, cho dù Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp vẫn đi vào lối mòn, không có sự đầu tư đúng mức và chạy theo số đông, dẫn đến trạng hàng hóa bị “dội chợ, rớt giá”. Riêng tại Đồng Nai, nạn khủng hoảng thừa đối với mặt hàng chuối vừa tạm lắng, thì nay lại đến đàn heo. Các địa phương như TPHCM có hỗ trợ cũng không thể tiêu thụ hết cùng lúc số hàng hóa quá lớn này. Đó là chưa kể, nếu chú trọng tiêu thụ một mặt hàng, nhiều khả năng sẽ làm mất cân đối cung - cầu đối với một số loại thực phẩm khác. 
Đã đến lúc cần vẽ lại một bản đồ nuôi trồng thật cụ thể, trong đó nhất thiết phải đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất mới có thể nâng cao giá trị, giảm giá thành, tạo sức cạnh tranh tốt nhất cho hàng nông sản. Nếu không làm được việc này, nhiều khả năng ngành nông nghiệp sẽ thua ngay trên sân nhà. Đó là quy luật của hội nhập, mở cửa thị trường.

Tin cùng chuyên mục