Thầy và trò, xưa và nay

Truyền thống văn hóa của dân tộc ta từ mấy ngàn năm nay như vàng thử lửa, như sen trong đầm, đã được các thế hệ người Việt gìn giữ và phát huy. 

Các ví dụ về đạo thầy trò không thiếu, không chỉ truyền miệng mà đã đi vào thi ca và các loại hình văn hóa nghệ thuật khác. Tôn sư trọng đạo, tiên học lễ hậu học văn, không thầy đố mày làm nên; muốn con hay chữ phải thương lấy thầy..., không chỉ là thành ngữ được đúc kết từ thực tiễn mà còn là đạo lý, phương châm ứng xử trong mối quan hệ giữa thầy và trò.

Mới đây, tôi có dịp dự buổi họp mặt đầy xúc động giữa thầy và trò ở một mái trường cấp 3 ven biển Nam Định. Cách đây 50 năm, từ mái trường thân yêu này, các trò tốt nghiệp và tỏa đi khắp mọi miền đất nước. Như “những hạt mưa làm đất ấm”, mỗi người có số phận và sự thăng trầm khác nhau (nhiều người thành danh và cũng có không ít người âm thầm chịu đựng hoàn cảnh hẩm hiu của số phận). Dẫu vậy, nhớ ơn thầy cô, họ rủ nhau về mái trường xưa tổ chức họp mặt. Trước, tri ân thầy cô đã dạy dỗ, rèn luyện mình nên người; sau, chia sẻ với bạn bè, đặc biệt những người không may mắn đang gặp khó khăn. Buổi họp mặt thật ấm áp, tình nghĩa. Các trò tuổi đã lục tuần, có cả thất tuần, tóc đã bạc, da đã mồi, nhưng khi gặp thầy cô vẫn đầy ắp nghĩa tình như thuở còn cắp sách tới trường...

Đắm mình trong không khí ấm áp tình thầy trò ấy, tôi bỗng chạnh lòng nghĩ đến mối quan hệ thầy trò hiện nay. Ví dụ không nhiều, nhưng cũng không ít về sự xuống cấp nghiêm trọng của mối quan hệ thầy trò. So sánh vốn khập khiễng; đổ lỗi hết cho cơ chế thị trường thì không công bằng (nhiều nước kinh tế phát triển tình thầy trò vẫn cao đẹp). Nhưng ví dụ không đẹp vẫn diễn ra hằng ngày trong mối quan hệ thầy và trò đã làm đau lòng những người có lương tri. Nguyên nhân sâu xa vẫn là yếu tố con người. Đúng là, từ “thầy không ra thầy; trò không ra trò”... đã xảy ra hệ lụy ấy. Thầy bắt phạt trò uống nước giẻ lau bảng; trò rượt đánh thầy như giang hồ ngoài chợ..., đều có lý do của nó... Phương pháp tiếp cận đa dạng. Điều lý giải trước hết vẫn là: tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất của vấn đề và có biện pháp ngăn chặn sự xuống cấp giá trị đạo đức này.

Theo chúng tôi, trước hết cần tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách (cả về tinh thần và vật chất; từ đầu vào đến đầu ra) để những thầy cô giáo làm tròn bổn phận cao cả và trách nhiệm thiêng liêng của những chiến sĩ trên mặt trận trồng người. Thứ hai, cần nghiêm túc và kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những người không đủ Đức và Tài; nghiêm trị những “con sâu làm rầu nồi canh” làm hoen ố hình ảnh người thầy giáo, vốn được xã hội trân trọng bấy lâu nay. Thứ ba, nên chăng phải trở lại phương châm: Tiên học lễ hậu học văn. Theo đó, cần hoàn thiện bộ giáo trình về các môn xã hội như đạo đức công dân; lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc; truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha ta... Thứ tư, cần tổ chức thi tuyển chặt chẽ nguồn nhân lực đầu vào cho mỗi cấp học, ngành học; làm lan tỏa những tấm gương sáng, đẹp về hiếu, nghĩa, về tình thầy trò, cha con; đặc biệt giữa con người và con người.

Giáo dục - đào tạo là quốc sách; là một trong những nhiệm vụ chính trị, chiến lược lâu dài của đất nước, cần đổi mới, cải tiến một cách thận trọng; không nên tiến hành vội vàng; càng không nên quá chậm trễ. Cần tiến hành đồng bộ các biện pháp để cải thiện, nâng cao các giá trị đạo đức, trong đó có mối quan hệ giữa thầy và trò. Với phương châm: Dĩ bất biến, ứng vạn biến; làm sao vừa giữ được truyền thống, tinh hoa văn hóa của dân tộc; vừa phù hợp với tình hình đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tin cùng chuyên mục