Thề bồi

“Chúng tôi gồm những người làm việc công của làng, họp trước đền theo tục lệ uống máu ăn thề, xin thề các điều sau: Nếu lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử! Y như lời thề…”; “Trên từ cụ già đến tuổi 18 ở dân thôn, trong làng vườn tược, buồng cau trái chuối, ngoài đồng lúa mạ hoa màu, mọi người đều công minh chính trực, không tham lam vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề…”; “Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin trời tru diệt. Y như lời thề”…

Đó là những lời được trích ra từ Hịch văn của hội Minh thề (được tổ chức vào ngày 14 tháng giêng hàng năm ở thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) mà cả tuần qua được nhắc lại nhiều trên các báo và các trang mạng xã hội. Dường như ai đọc lời thề này cũng lấy làm tâm đắc và khoan khoái lắm. Từ tâm đắc mà luận bàn rằng văn bản những lời thề miệng này có từ hơn 500 năm trước mà tới nay như “vẫn còn thời sự”.

Nhưng ngày xưa Hịch văn là để cho chức sắc dõng dạc thề trước bàn thân thiên hạ, nay chẳng thấy vị chức sắc có máu mặt nào, mà chỉ có trưởng thôn với các vị bô lão. Mà, trưởng thôn thì không thể liệt vào hàng chức sắc-quan chức. Và, người ta lại bỗng “ao ước” rằng hội Minh thề ùn ùn xe biển số xanh về tham dự. Thú vị là trên mạng còn có nhiều người “hiến kế” là nên “thách đố” các quan chức tham gia “Minh thề Challenge”, kiểu như là “Ice Bucket Challenge” vậy.

Xem ra cái “ao ước” ấy rất chi là chính đáng, còn lời “hiến kế” ấy rất chi là thú vị. Nhưng rồi thì tôi lăn tăn nghĩ: “Tại sao phải thề?”. Từ cổ chí kim từ Đông sang Tây con người ta vẫn hay thề khi để củng cố niềm tin lẫn nhau. Để siết chặt tin tưởng, người ta còn bày ra những nghi thức như cắt máu hòa chung chén rượu, rồi chia nhau uống cạn. Sử sách còn ghi những chuyện anh em kết nghĩa vườn đào “cắt máu ăn thề” với những lời đại loại như: “Có phước cùng hưởng có họa cùng chia” hay “Tuy không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện chết cùng tháng cùng ngày”. Nghe mà “sướng cái bụng” lắm lắm(!).

Rõ ràng thề là một nghi lễ của niềm tin. Nhưng, cũng thật rõ ràng, thề không phải là một cam kết có tính chất pháp lý. Do vậy mà dân gian vẫn kêu là thề bồi. Biết bao duyên nợ thề bồi/ Kiếp này thôi thế thì thôi, còn gì. Đại thi hào Nguyễn Du đã viết trong Kiều như thế. Hay thi sĩ Lê Đạt cũng từng viết: Đất lở đá mòn một hai chìm nổi/ Thề bồi lời cát lỗi phải lầm sông. Đại ý là thề bồi thế thôi chứ thế gian biến cải, vật đổi sao dời, lời thề bồi cũng có như nguyện ý đâu. Và thêm nữa, từ xưa tới nay có lời thề nào đã hiển linh? Có người nào nuốt lời thề đã bị… trời đánh thánh vật? Thú thật là cá nhân tôi chưa từng nghe hay từng chứng kiến. Tôi chỉ từng nghe chuyện về một anh chồng vốn có máu “ba lăng nhăng”, từng bị vợ bắt quả tang tại trận, nhưng anh ta giơ tay lên trời mà thề độc rằng: “Em ơi, anh thề là anh không hề có tư tưởng ngoại tình, chỉ tại là cô này cổ quyến rũ anh quá mức. Nếu anh có chút xíu tư tưởng ngoại tình thì anh thề… ra đường xe cán”. Thế nhưng từ bấy tới nay, anh ta tiếp tục “dấn sâu” ngoại tình, ngày một khéo léo và tinh vi hơn. Tất nhiên là anh ta vẫn còn phơi phới. Và tất nhiên là lời thề ấy chẳng có công hiệu gì.  

Chả vì thế mà ông bà ta thường bảo: “Thề, thề cá trê chui ống”. Biết bao nhiêu người từng thề độc thề địa, thề ra đường xe cán, thề mù mắt, thề trời đánh… Oái ăm, những người thề độc thường là những kẻ tán tận lương tâm, bất chấp tất cả bằng mọi thủ đoạn. Họ chẳng coi lời thề có chút giá trị gì. Thậm chí có kẻ rất láu cá, cứ hay mang vợ con hay đấng sinh thành mình ra mà thề thốt. Có kẻ hễ mở miệng là thề bồi. Và chắc là họ cũng không biết, theo Phật pháp, lời thề (độc) được liệt vào những lời nói hung ác (bên cạnh lời nói dối, lời tục tĩu, lời chửi mắng, lời chê bai, lời thêu dệt…). Thề, dù là thề bồi hay thề thốt, theo tôi nói cho cùng cũng chẳng có gì là hay ho cả. Nếu trong trường hợp bất khả kháng, thì chỉ có thể mang danh dự của mình ra thề.

Ở đây, tôi đưa ra một tình huống giả định rằng nếu như có một ông quan nào đó thề rất hăng rằng ta đây không tham nhũng, nhưng rồi vẫn tham nhũng và tìm đủ thủ đoạn để che mắt bàn dân thiên hạ thì sao? Ông quan ấy có nhận sự trừng phạt từ một đấng thần linh nào đó không?

Trở lại ý ban đầu, tôi vẫn nghĩ, lời thề là để củng cố niềm tin của những người cùng chí hướng, một lòng một dạ với nhau. Khi đã không cùng chí hướng, khi bụng dạ đã “có vấn đề” thì mọi lời thề bồi đều vô nghĩa. Và cũng đừng bắt quan phải thề, đừng thất vọng khi quan không thề.

Những người thực sự tử tế, họ cứ im lặng mà làm, thề bồi mà chi.   

Trần Nhã Thụy

Tin cùng chuyên mục