Các vụ xung đột vẫn tiếp tục xảy ra ở các điểm nóng của thế giới Arab từ Syria, Yemen cho đến Saudi Arabia, Algeria…
Syria
15 người đã thiệt mạng sau khi lực lượng an ninh nước này bắn đạn thật vào một đám đông người dự lễ tang tại Deraa, miền Nam Syria đêm 23-3. Trong khi đó, một đám đông người biểu tình cũng xô xát với cảnh sát tại khu vực gần nhà thờ Al-Omari khiến 5 người thiệt mạng.
Theo nhà chức trách Syria, đám đông trên được vũ trang và đã tấn công một nhóm bác sĩ khiến lực lượng cảnh sát phải can thiệp. Hiện an ninh vẫn đang được thắt chặt tại Deraa. Pháp đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Syria không sử dụng vũ lực trấn áp người biểu tình và cải cách chính trị ngay lập tức để đáp ứng với nguyện vọng của người dân Syria.
Yemen
Tổng thống nước này, ông Ali Abdullah Saleh, chính thức tuyên bố sẽ ra đi trước thời hạn vào đầu năm 2012, sau khi nước này tiến hành bầu cử vào cuối năm nay. Kế hoạch vừa được Chính phủ Yemen thông báo gồm có 4 điểm quan trọng: thành lập một chính phủ thống nhất có nhiệm vụ lập ra một ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới; tổ chức trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới, phát triển luật bầu cử mới mà số ghế trong Quốc hội tương ứng với số phiếu các đảng giành được và cuối cùng là tổng tuyển cử năm 2011.
Tuy nhiên, phe đối lập đã bác bỏ kế hoạch trên của chính phủ và yêu cầu ông Saleh phải từ bỏ quyền lực ngay lập tức, đồng thời kêu gọi biểu tình quy mô lớn tiến về dinh Tổng thống ở Sanaa.
Saudi Arabia
Cơ quan Chính phủ Saudi Arabia thông báo sẽ tiến hành bầu cử hội đồng địa phương vào tháng 4 tới. Đây là nhượng bộ đầu tiên của chính phủ đối với phe đối lập trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối chính phủ vẫn đang diễn ra tại nước này.
Vòng đầu tiên sẽ diễn ra vào 23-4, nhưng chưa rõ liệu phụ nữ có được đi bỏ phiếu hay không. Năm 2005, lần đầu tiên sau 40 năm, Saudi Arabia mới tiến hành bầu cử hội đồng địa phương. Năm 2009, nước này cũng dự kiến tổ chức bầu cử nhưng tiếp tục hoãn cho đến năm nay.
Algeria
Một vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ngày 23-3 đã khiến hơn 50 người bị thương. Xô xát xảy ra sau khi chính phủ điều động các thiết bị phá hủy những khu lều dựng bất hợp pháp ở một khu vực có tên gọi Cité de France. Ngoài ra, việc Chính phủ Algeria thông báo kế hoạch sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với các thách thức hiện tại của Algeria hôm 23-3 cũng là nguyên nhân khiến người dân tức giận.
Bahrain
30 người bị thương, trong đó 5 người bị thương nặng, trong vụ trấn áp người biểu tình của Chính phủ Bahrain diễn ra vào cuối tuần qua. Lực lượng an ninh dùng vũ lực để giải tán đám đông người biểu tình dựng lều tại bãi đỗ xe và xung quanh Bệnh viện Salmaniya, chỉ để chừa một lối ra vào duy nhất. Tính từ khi các cuộc biểu tình nổ ra từ tháng trước, đã có ít nhất 20 người thiệt mạng.
Trong khi đó, theo các chính trị gia Hồi giáo dòng Shiite đối lập, hơn 90 người hiện vẫn còn mất tích sau vụ trấn áp lớn vào cuối tuần trước. Phe đối lập tại Bahrain yêu cầu cải cách dân chủ, không chấp nhận kiểu gia đình trị của Hoàng gia Bahrain.
ĐỖ VĂN