Thế giới chờ phản ứng tiếp theo của Triều Tiên

Triều Tiên cảnh báo nước này sẽ theo dõi từng động thái của Mỹ sau khi Washington thúc đẩy việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới của LHQ đối với Bình Nhưỡng.
Triều Tiên kỷ niệm ngày Quốc khánh lần thứ 69 tại Bình Nhưỡng
Triều Tiên kỷ niệm ngày Quốc khánh lần thứ 69 tại Bình Nhưỡng

Ngày 9-9, trong khi thế giới căng thẳng theo dõi xem liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể ra lệnh phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa để đánh dấu ngày quốc khánh nước này như nhiều cảnh báo hay không, thì Mỹ đã chính thức yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào ngày 11-9 về dự thảo nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên.

Nga và Trung Quốc vẫn kiên quyết phản đối

Triều Tiên cảnh báo nước này sẽ theo dõi từng động thái của Mỹ sau khi Washington thúc đẩy việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới của LHQ đối với Bình Nhưỡng. Dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất kêu gọi cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên, đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, một lệnh cấm đối với hàng dệt may và chấm dứt trả lương cho các công nhân Triều Tiên đang làm việc tại nước ngoài. Anh cũng đã bày tỏ ủng hộ kế hoạch trục xuất các lao động Triều Tiên khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã nhất trí hai nước sẽ cùng thúc đẩy HĐBA LHQ thông qua dự thảo nghị quyết trên. Trong cuộc điện đàm diễn ra 20 phút giữa 2 lãnh đạo trên, Thủ tướng Abe nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần gia tăng “sức ép tối đa” với Triều Tiên trước mối đe dọa hạt nhân.

Bày tỏ ủng hộ quan điểm của Tokyo, Tổng thống Macron nói rằng, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa đối với toàn thế giới, đồng thời nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải đối phó với vấn đề này bằng một biện pháp kiên quyết.

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc vẫn kiên quyết phản đối. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, việc tăng cường các lệnh trừng phạt không phải là câu trả lời cho vấn đề Triều Tiên. “Không đáng để đẩy Triều Tiên vào chân tường”.

Ngày 8-9, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng Pháp có thể đóng vai trò tích cực trong việc tái khởi động các cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên.

Còn Tổng thống Macron khẳng định, Pháp đang nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề này. Ông Tập Cận Bình cũng đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel để thảo luận vấn đề Triều Tiên.

Chính phủ Hàn Quốc theo dõi chặt chẽ

Quân đội Hàn Quốc cho biết đang theo dõi chặt chẽ những biểu hiện của Bình Nhưỡng. Giới chức quân đội Hàn Quốc cũng chỉ ra khả năng Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo từ các bệ phóng di động vào bất cứ thời điểm nào.

Theo giới quan sát, việc triển khai tạm thời hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc là cần thiết để bảo vệ nước này trước những hoạt động khiêu khích từ Triều Tiên cũng như buộc Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán. Chính phủ Hàn Quốc hiện cũng đang phải đối mặt với biểu tình ở địa phương khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD gây tranh cãi của Mỹ.

Theo chuyên gia quốc phòng Bernard Loo thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, sẽ không có cách nào khiêu khích cộng đồng quốc tế tốt hơn là phóng thử tên lửa theo một kiểu thông thường. Trong bài xã luận nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên, báo Rodong Sinmun - cơ quan phát ngôn của đảng Lao động Triều Tiên - cho rằng, Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân tại đường hầm số 3 hoặc 4 của bãi thử Punggye-ri.

Trong một diễn biến khác, YouTube ngày 8-9 đã đóng hai kênh tuyên truyền mà các nhà nghiên cứu sử dụng để giám sát chương trình tên lửa của Triều Tiên do vi phạm nguyên tắc cộng đồng của YouTube. Theo báo Guardian, kênh Stimmekoreas có hơn 20.000 người đăng ký và kênh Uriminzokkiri có hơn 18.000 người đăng ký để thường xuyên đăng các bản tin của nhà nước Triều Tiên, thu hút hàng triệu lượt xem.

Tin cùng chuyên mục