Chỉ trong vòng 2 tháng, có đến 2 vụ cướp biển tấn công tàu Việt Nam. Trung tuần tháng 10 là tàu Sunrise 689 bị cướp biển tấn công lấy hết dầu trên tàu nhưng may mắn không ai thiệt mạng. Trong những ngày qua, thông tin một thuyền viên của tàu VP Asphalt bị bắn chết đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng cướp biển, nhất là ở khu vực Đông Nam Á.
Cảnh sát Indonesia giải cứu tàu bị cướp biển tại eo biển Malacca.
Tàu chở dầu là mục tiêu số 1
2 vụ cướp biển tấn công tàu Việt Nam đã chứng tỏ sự lộng hành mới nhất của hải tặc gần eo biển Malacca, đường biển quan trọng nối liền với Ấn Độ Dương và biển Đông. Eo biển Malacca chiếm 40% kim ngạch thương mại thế giới thông qua hàng hóa qua lại mỗi năm. 80% dầu nhập khẩu của Nhật Bản và Trung Quốc đi qua eo biển Malacca, theo số liệu của LHQ. Singapore, một trong những cảng quan trọng nhất của thế giới nổi lên trong thế kỷ 19 là một cảng trung chuyển quan trọng gần Malacca. Vì vậy, khu vực biển gần Singapore cũng trở thành nơi lý tưởng cho những tên cướp biển lộng hành.
Tính từ tháng 4-2014 đến nay, đã có 13 vụ tấn công của bọn cướp biển ở Đông Nam Á cướp đi hàng triệu lít dầu. Con số này cũng tăng lên trong những năm gần đây. Nếu trong năm 2009, khu vực eo biển Malacca có 71 vụ tấn công của cướp biển thì đến năm 2013 lên đến 161 vụ.
|
Những vụ cướp biển ở Malacca mặc dù không “nổi tiếng” như ở ngoài khơi Somalia nhưng cũng đáng báo động. Đài Truyền hình Đức DW dẫn lời ông Pottengal Mukundan, Giám đốc Văn phòng hàng hải quốc tế (IMB) trụ sở tại London, cho rằng khu vực Đông Nam Á không phải là một trung tâm mới cho các cuộc tấn công cướp biển toàn cầu. Theo ông, các cuộc tấn công nghiêm trọng nhất hiện nay vẫn xảy ra ở vịnh Guinea ở bờ biển phía Tây của châu Phi. Ông chỉ ra rằng những kẻ tấn công ở biển Đông thường nhắm mục tiêu các tàu nhỏ hơn như các tàu chở dầu. Điều đáng nói là hầu hết các tàu chở dầu bị tấn công thường chỉ cách bờ vài dặm. “Những gì chúng ta đã thấy ở Đông Nam Á trong vòng hai tháng rưỡi qua là một loạt cuộc tấn công nghiêm trọng đối với tàu chở dầu ven biển rất nhỏ. Họ đang nhắm mục tiêu một khu vực cụ thể, đó là các tàu chở dầu diesel và dầu khí”, ông Mukundan nói.
Một trong những con tàu bị cướp trong khu vực này hồi tháng 11 chứa 4 triệu lít diesel, trị giá khoảng 2 triệu USD ở thị trường chợ đen. Điều đáng nói là các vụ cướp biển ở khu vực gần Malacca không có nhu cầu đòi tiền chuộc bằng cách bắt các thủy thủ. “Mục đích của các cuộc tấn công là để ăn cắp hàng hóa trên tàu, thủy thủ đoàn được thả sau khi bọn cướp biển đã gom sạch hàng hóa”, ông Mukundan khẳng định.
Theo Báo cáo toàn cầu năm 2013 của LHQ về cướp biển, các cuộc tấn công cướp biển trên toàn cầu đã tăng lên trong vòng 2 năm qua. Trong đó, Đông Nam Á có số lượng các vụ tấn công tăng gấp 2 lần.
Cần hành động mạnh
Theo ông Mukundan, các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực cần hành động nhanh chóng. Ông nói: “Họ cần phải nắm bắt tình hình hoạt động của các băng cướp và phải trừng trị chúng”.
Viện Đào tạo và nghiên cứu LHQ (UNITAR) sử dụng dữ liệu vệ tinh để xác định chính xác vị trí các tàu khi họ bị cướp biển tấn công bị đe dọa. Theo ông Einar Bjorgo, Giám đốc UNITAR, dữ liệu thu thập được có thể được sử dụng để giúp các tàu phòng ngừa cướp biển. Thông tin này cung cấp cho các công ty vận tải biết được khu vực nguy hiểm để tránh vào thời gian nào, giúp tìm đường an toàn hơn.
IMB cho biết các băng nhóm cướp biển trang bị dao và súng đang làm cho vùng biển Đông Nam Á ngày càng nguy hiểm, nhất là với các tàu nhỏ chở dầu khí. Trung bình cứ 6 tàu bị cướp trên toàn thế giới trong quý 3 năm 2014, có 5 tàu ở khu vực Đông Nam Á. Indonesia ghi nhận 72 vụ tàu bị cướp biển tấn công từ tháng 1 đến tháng 9-2014, trong đó 67 vụ cướp có vũ trang. Trong hai vụ cướp ở Pulau Bintan trong tháng 9, đã có 26 thủy thủ đoàn bị bắt cóc.
Vùng biển ngoài khơi Pulau Bintan của Indonesia có nhiều vụ cướp biển tấn công hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, với 27 vụ trong quý 3-2014. Đó là chưa tính vô số vụ ăn cắp hàng hóa khi tàu thả neo. Báo cáo của IMB hoan nghênh những nỗ lực của cảnh sát biển Indonesia trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.
Cũng theo IMB, từ đầu năm tới nay, ở Somalia chỉ có 20 vụ cướp biển. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan vì cướp biển tại đây hung hăng hơn khi có thể bắt cóc giam giữ thuyền viên đòi tiền chuộc. Ở những nơi khác như Vịnh Guinea, Ghana chỉ có 4 vụ kể từ đầu năm tới nay so với không có vụ nào trong năm 2013.
Các lô hàng dầu khí biển được nhắm mục tiêu vì nhiều lý do. Đầu tiên, vì nó có giá hơn 500 USD/tấn. Thứ hai, tàu chở dầu thường chạy chậm, thấp, nên cướp biển dễ dàng theo dõi và tấn công. Thứ ba, nhiều cuộc tấn công xảy ra sau khi cướp biển có thông tin từ “tay trong” của các công ty là đối thủ của nhau. Báo cáo gần đây nhất của Thỏa thuận hợp tác chống cướp biển và cướp có vũ trang với tàu biển khu vực châu Á (RECAAP) lưu ý rằng không loại trừ khả năng có âm mưu giữa các thủy thủ đoàn của tàu và cướp biển hoặc giữa các công ty vận tải biển và hải tặc. Ngoài ra, cũng theo RECAAP, còn có những nghi ngờ rằng cướp biển đang được sử dụng như một vỏ bọc cho gian lận bảo hiểm.
Phản ứng phối hợp nhằm thực thi pháp luật trên biển và chia sẻ thông tin hiệu quả có thể giúp giảm các cuộc tấn công cướp biển. Ngoài ra, việc tăng cường lực lượng cảnh sát quốc tế - Interpol ở Singapore có thể đóng một vai trò hữu ích trong việc thực thi pháp luật hàng hải, trong đó giúp nhận dạng và truy tố các cá nhân tham gia cướp biển. Hơn nữa, các công ty vận tải cần áp dụng triệt để các điều khoản Thực hành quản lý tốt nhất (BMP) nhằm đảm bảo an toàn và an ninh cho các chuyến hàng.
THỤY VŨ (tổng hợp)