Thế giới mất đi một huyền thoại manga

Ngành công nghiệp truyện tranh Nhật Bản vừa chia tay một họa sĩ truyện tranh đáng kính, ông Fujiko A. Fujio, cha đẻ thứ hai của Doraemon. Từ nay, chú mèo máy màu xanh không có tai đã trải qua hơn nửa thế kỷ đồng hành cùng các thế hệ trẻ em trên toàn thế giới sẽ mồ côi, nhưng giới hâm mộ bộ truyện này vẫn nhớ tới hai vị cha đẻ như những mangaka đáng kính nhất. 

Bộ đôi Fujiko Fujio

Họa sĩ truyện tranh trứ danh Fujiko A. Fujio sinh năm 1934 ở tỉnh Toyama, tên thật là Motoo Abiko, vừa qua đời ngày 7-4 tại nhà riêng gần Tokyo, hưởng thọ 88 tuổi. Ông mồ côi cha khi mới học lớp 5 và sinh thời, ông cùng bạn học - họa sĩ Fujiko F. Fujio  (tên thật là Fujimoto Hiroshi) - hợp tác sáng tạo truyện tranh (manga) dưới bút danh chung là Fujiko Fujio. Năm 1953, họ xuất bản tác phẩm đầu tay The Last World War.

Bộ đôi họa sĩ chuyển tới Tokyo vào năm 1954, sau đó cùng sáng tác nhiều tác phẩm manga ký tên chung như bộ truyện Obake no Q-Taro, bộ truyện Doraemon - một trong những series manga nổi tiếng và thành công nhất mọi thời đại. 

Theo Japan Times, đến năm 1987, cả hai dừng hợp tác do không cùng quan điểm sáng tác, manga của Abiko chủ yếu dành cho lứa tuổi thanh niên, còn Fujimoto lại muốn hướng tới đối tượng là trẻ em. Hai ông chia tay nhau vào năm 1987 để theo đuổi sự nghiệp riêng.

Sau khi tách ra, ông Motoo Abiko sử dụng bút danh Fujiko A. Fujio, còn ông Hiroshi Fujimoto dùng bút danh Fujiko F. Fujio. Năm 1996, khi họa sĩ Fujimoto Hiroshi qua đời (ông đã kịp đến thăm trẻ em hâm mộ Doraemon ở Việt Nam), ông Motoo Abiko cũng không viết tiếp bộ truyện Doraemon.

Huyền thoại Fujiko A. Fujio là một trong những mangaka có ảnh hưởng lớn nhất trong cộng đồng manga Nhật Bản. Những series manga nổi tiếng của ông Fujiko A. Fujio đã được nhiều lần chuyển thể thành phim và trò chơi điện tử với độ phủ sóng lớn trên toàn cầu. Ông được coi là một trong những họa sĩ truyện tranh làm nên sự “vươn lên thần kỳ” của ngành công nghiệp truyện tranh xứ Phù tang.

Ông Fujiko A. Fujio nổi tiếng với những bộ truyện tranh ăn khách như Ninja Hattori-kun, Kaibutsu-kun... Năm 1963, Fujiko A. Fujio thành lập Studio Zero cùng với một số mangaka khác, đồng thời sản xuất một số bộ phim hoạt hình (anime). 

Thế giới mất đi một huyền thoại manga ảnh 1 Ông Fujiko A. Fujio, cha đẻ thứ hai của Doraemon 

Nhiều tác phẩm của ông Fujiko A. Fujio đã được dựng thành phim hoạt hình, cuốn hút cả những khán giả ở thị trường nước ngoài. Ông được nhiều độc giả yêu thích nhờ phong cách sáng tác dí dỏm với những nhân vật nhiều màu sắc.

Ngoài các bộ truyện trẻ em, ông còn sáng tác một số manga ngắn phong cách kinh dị, khắc họa nhiều mảng tối và phản ánh nhiều vấn đề hiện thực xã hội. Trong số này, có The Laughing Salesman được chiếu trên kênh truyền hình trực tuyến khổng lồ Netflix. 

Hành trình từ manga đến anime

Riêng nhân vật Doraemon, do Fujiko A. Fujio đồng sáng tạo với họa sĩ Fujiko F. Fujio, đã gây được tiếng vang lớn và gắn bó với tuổi thơ của hàng triệu khán giả trên thế giới. Ra đời cách đây hơn 50 năm, sức ảnh hưởng của Doraemon đã vượt khỏi một bộ truyện tranh thiếu nhi, trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng của Nhật Bản, và là tác phẩm duy nhất của Fujiko Fujio được cấp phép phát hành chính thức bằng tiếng Anh. Năm 2008, ông được Chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc cho những thành tựu trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, chú mèo máy Doraemon lại có những bước đi khởi đầu không mấy suôn sẻ, khi bộ truyện lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1969 không được nhiều người quan tâm và đón nhận. Phải mất mấy năm trầy trật sau khi ra mắt, Doraemon mới bắt đầu khởi sắc với tập phim hoạt hình được chuyển thể.

Loạt phim hoạt hình Doraemon đầu tiên được sản xuất vào năm 1973 bởi Nippon TV Douga, sau đó phát sóng trên Nippon Television từ 1-4 đến 30-9 cùng năm, với 26 buổi phát sóng, mỗi buổi phát 2 tập. Vào thời điểm đó, bộ phim về chú mèo máy sợ chuột trở thành hiện tượng trên toàn nước Nhật. Đến năm 1999, đã có hơn 100 triệu bản truyện ngắn được tiêu thụ ở Nhật.

Công chúng nói chung, nhất là trẻ em trên toàn thế giới, không thể quên kỷ niệm tuổi thơ với những bộ phim nổi tiếng như Doraemon, Pokemon, Naruto Shippuden, One Piece, Hàng xóm của tôi là Totoro… Để cho ra đời một bộ manga - anime đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và quan trọng là khả năng nghệ thuật của người cầm bút.

Thế giới mất đi một huyền thoại manga ảnh 2

Trước năm 1990, anime được sản xuất với các phương pháp hoạt hình truyền thống sử dụng phương pháp vẽ từng ảnh, sau đó tiến hành diễn hoạt các cảnh này với các phông nền vẽ trên một lớp phim, rồi chụp lại bằng một máy chuyên dụng. Phần lớn xu hướng anime sử dụng một ít khung chính để diễn đạt và nhiều hoạt họa xen khung.

Sau năm 1990 là thời đại kỹ thuật số, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật 2D và kỹ thuật 3D được áp dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp anime. Nhưng đến thời đại hiện nay, yêu cầu thiết bị để phục vụ quy trình sản xuất một anime đơn giản hơn, chỉ một máy tính mạnh mẽ và một bàn vẽ chuyên dụng. 

Trong suốt 20 năm sau khi ra mắt, những tập phim về Doraemon được sản xuất và phát sóng liên tục, xô đổ nhiều kỷ lục phòng vé, mở ra một kỷ nguyên mới cho phim hoạt hình chuyển thể của Nhật Bản.

Thời gian đi qua, nhiều nhân vật truyện tranh mới đã xuất hiện, song Doraemon vẫn còn sức hấp dẫn mãnh liệt đối với bạn đọc lớn nhỏ. Mấy ai ngờ sau hơn 5 thập kỷ ra mắt, chỉ trong 2 tháng đầu tiên khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, truyện tranh Doraemon được tiêu thụ hơn 5 triệu bản.

Sự ra đi của huyền thoại manga Fujiko A. Fujio báo hiệu sự dừng lại khối tài sản sáng tác của “thương hiệu” Fujiko Fujio. Cho dù hai cha đẻ của mèo máy Doraemon đã đi xa, nhưng họ đã để lại một kho tàng đồ sộ và những ký ức tuổi thơ thật đẹp trong lòng nhiều thế hệ trên toàn thế giới. Doraemon và những bảo bối thần kỳ của chú mèo máy đến từ tương lai này vẫn đủ sức để làm mê hoặc lòng người.

Tin cùng chuyên mục