Sự kiện giá dầu “100 USD”

Thế giới rúng động!

Thế giới rúng động!

Ngày 2-1-2008, ngay ngày giao dịch đầu tiên trong năm mới tại Thị trường New York Mercantile Exchange (NYMEX), giá dầu thô ngọt nhẹ đã tăng lên mức 100 USD/thùng. Hiện tượng giá dầu “100 USD” đã đẩy giá vàng vọt qua ngưỡng 850 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 1980, lên đến mức 866 USD/ounce vào giữa trưa 2-1-2008.

Tại sao vàng “a dua” theo dầu?

Thế giới rúng động! ảnh 1
Giá dầu đang làm nhức đầu giới hoạch định kinh tế Hàn Quốc.

Đồng đôla Mỹ suy yếu, nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái và tình hình chính trị bất ổn tại Pakistan lẫn một số nước châu Phi (đặc biệt tại Nigeria, nhà sản xuất dầu lớn nhất Lục địa đen) là vài nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới lại tăng. Tâm lý hoang mang và lo sợ đã phản ánh cụ thể trên thị trường chứng khoán. Financial Times (3-1-2008) cho biết hầu hết thị trường chứng khoán châu Á đã mất điểm khi giá dầu tăng cùng sự tuột điểm của Wall Street.

Chỉ số MSCI của các thị trường chứng khoán châu Á Thái Bình Dương, ngoài Nhật, đã giảm 1,3% vào ngày 2-1-2008 trước khi hồi phục nhẹ. Đáng chú ý nhất, không như nhiều đợt tăng giá dầu trước, lần này, vàng đã nổi theo “váng dầu”, dù vàng từng tăng phi mã 31% năm 2007 (cao nhất kể từ 1979, khi lạm phát Mỹ hơn 13%).

Nguyên nhân trong mọi nguyên nhân là tình trạng đôla Mỹ suy yếu khiến giới đầu tư chuyển sang dầu và vàng, dẫn đến hiện tượng tăng giá đột biến cả hai loại hàng hóa đặc biệt này. Hầu hết ý kiến chuyên gia đều tin rằng giá vàng còn sẽ leo thang.
 
JPMorgan Chase & Co dự báo vàng có thể tăng đến 950 USD/ounce trong 6 tháng tới. Ross Norman, giám đốc TheBullionDesk.com, thậm chí cho rằng vàng có thể lên đến 1.200 USD/ounce vào giữa năm 2008! Nếu điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, giá vàng hiện nay vẫn còn thấp hơn mức cao kỷ lục năm 1980.

Theo tỷ giá đôla Mỹ năm 1980, giá vàng 850 USD/ounce vào tháng 1-1980 tương đương với khoảng 2.130 USD thời điểm hiện nay. Do vậy, “khi xem xét yếu tố lạm phát cùng giá dầu và so sánh chúng với đầu năm 1980, chẳng lạ gì nếu (tương lai gần) giá vàng vọt lên ngưỡng 1.000 USD/ounce” – nhận xét của Tatsuo Kageyama, nhà phân tích thuộc Kanetsu Asset Management Co (Tokyo) – “Thị trường hiện nay cũng khác so với đầu năm 1980. Lúc đó, vàng leo thang là do một nhóm nhà đầu cơ”.

Lần này, theo Hội đồng vàng thế giới, giá vàng tăng xuất phát từ một số nguyên do: Tâm lý lo sợ kinh tế Mỹ suy thoái; giá dầu tăng; đôla Mỹ suy yếu; các điều kiện tài chính không ổn định (ảnh hưởng chính sách của các công ty bảo hiểm); sản lượng khai thác vàng giảm (hiện khoảng 2.000 tấn/năm); nhu cầu tăng của thị trường kim hoàn (đặc biệt tại Ấn Độ và Trung Quốc)...

Sự kiện “100 USD” và kinh tế thế giới

Với châu Á, hiện tượng kinh tế Mỹ tuột dốc cùng tình trạng giá dầu tăng tiếp tục tạo ra ảnh hưởng dây chuyền tiêu cực. Tờ Chosunilbo (4-1-2008) cho biết, các hộ dân Hàn Quốc – vốn đang nợ chồng chất với tổng cộng 600 ngàn tỷ won – có thể bị giảm thu nhập, mất việc làm và chịu tiền lãi trả góp cao hơn.

Phân tích từ Viện nghiên cứu kinh tế Samsung cho thấy, nếu giá dầu hàng năm tăng trung bình 10%, tỷ lệ phát triển kinh tế Hàn Quốc sẽ giảm 0,35 điểm.

Tại cuộc họp Quốc hội năm 2007, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc Lee Seong-tae nhận định: “Nếu giá dầu tăng đến mức 90 USD/thùng, chỉ số tiêu dùng Hàn Quốc sẽ giảm 0,45 điểm phần trăm (percentage point – đơn vị so sánh giữa hai tỷ lệ phần trăm). Trong thực tế, giá cả tiêu dùng nói chung tại thị trường Hàn Quốc còn có thể tăng mạnh, theo sự tăng giá của một mặt hàng có tính nhạy cảm không kém là gạo (trên thị trường thế giới), khi mà Chính phủ Trung Quốc quyết định hạn chế xuất khẩu gạo từ năm 2008.

Tất nhiên ảnh hưởng của con số 100 USD trong giá dầu không chỉ cảm nhận rõ đến mức có thể “sờ” được tại Hàn Quốc mà còn tại nhiều nước láng giềng khu vực. Hãng tin AP (3-1-2008) đã thực hiện cuộc ghi nhận chớp nhoáng ngay sau khi giá dầu chạm ngưỡng 100 USD.

Tại Singapore, nhà kinh doanh xe bus Simon Lee cho biết, công ty ông đã tăng chi phí hoạt động lên 30% trong năm 2007, đặc biệt khi giá dầu tăng 44% kể từ tháng 8-2007 (hay 57% từ cuối năm 2006).

Tại Malaysia, Chính phủ nước này phải chi 35 tỷ ringgit (10 tỷ USD)/năm để trợ giá nhằm bình ổn thị trường xăng dầu (Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi cho biết ông sẽ ngưng bù lỗ xăng dầu nhưng không nói bao giờ).

Tại Trung Quốc, Chính phủ Bắc Kinh đã tăng giá xăng-dầu lên 10% vào tháng 10-2007. Và gần như mọi quốc gia khác, giá dầu tăng cũng làm khốn đốn nhiều tầng lớp xã hội Trung Quốc. Trong cuộc thăm dò đầu năm do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thực hiện (Shanghai Daily 5-1-2008), giá sinh hoạt leo thang đã trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu đối với dân Trung Quốc (hơn cả vấn đề khoảng cách thu nhập và tham nhũng).

Chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc đã tăng 4,6% trong 11 tháng đầu năm 2007, trong đó giá thực phẩm chiếm hơn 80%. Cũng cần nhắc lại vài sự kiện mang tính địa phương để thấy tính quan trọng của vấn đề dầu đối với người Trung Quốc. Trung tuần tháng 11-2007, xăng đã trở thành thủ phạm gián tiếp gây án mạng khi một người giết chết một nạn nhân khác, lúc cả hai cùng vô số người khác bu như kiến tại một trạm xăng ở Hồ Nam. Tại Ninh Ba (thành phố phía Nam Thượng Hải), đoàn xe nối đuôi hơn 180m xếp hàng chờ đổ xăng đã chầu chực đến hơn ba tiếng!

Với Mỹ – người khổng lồ đang nằm trên giường bệnh – giá dầu tăng đã làm đậm thêm gam màu u ám đối với sức khỏe kinh tế. Trên Wall Street Journal (3-1-2008), tác giả Sudeep Reddy dẫn lại dự báo từ hãng nghiên cứu kinh tế Global Insight, cho biết, cứ 10 USD cộng thêm vào mỗi thùng dầu sẽ làm tăng giá xăng lên 0,19 USD/gallon, ảnh hưởng tỷ lệ tiêu dùng 1/3 điểm phần trăm (percentage point), gây thất nghiệp khoảng 100.000 người; đẩy nhanh tốc độ lạm phát...

Những con số tăng giảm khác nhau cho thấy thêm bức tranh biến dạng và méo mó kỳ lạ đến bất thường của nền kinh tế Mỹ. World Socialist (5-1-2008) cho biết chỉ số Dow Jones đã giảm 257,44 điểm (2%); chỉ số Standard & Poor’s 500 giảm 35,53 (2,46%); chỉ số NASDAQ giảm 98,03 (3,77%) vào những ngày đầu năm mới 2008; không tương ứng chút nào với chỉ số tăng của hàng tiêu dùng.

Tính đến tháng 11-2007, giá trứng tại Mỹ đã tăng 38% và giá sữa tăng 30% so với một năm trước. Trong khi đó, như đã biết, giá bất động sản lại giảm! Chẳng ai có thể cảm nhận được làn sóng tăng giá bằng các bà nội trợ. Carol Skusek, 47 tuổi (có hai con trai nhỏ) tại Temecula (California) kể rằng, cô phải đi chợ lúc… gần 11g tối khi siêu thị sắp đóng cửa để mua thịt rẻ!

Phản ứng trước việc chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s tăng khoảng 3,5% bảng giá thực đơn từ tháng 10-2007, cư dân Angel Crawford tại Chicago – luôn ghé McDonald’s mỗi ngày – nay bất đắc dĩ phải chào tạm biệt các món hợp khẩu…

Tại Anh, “100 USD” cũng bắt đầu “thay đổi cuộc sống của bạn”, như cách nói của Sunday Times (6-1-2008), tất nhiên theo cách tiêu cực. Dân Anh bắt đầu phải thắt lưng buộc bụng.

Ngày 4-1-2008, Npower – nhà cung cấp năng lượng lớn thứ tư tại Anh – cho biết họ sẽ tăng giá điện lên 12,7% và giá khí đốt 17,2%. Tổng quát, có đến 6 triệu người Anh đang đối mặt khó khăn khi giá năng lượng nói chung tăng 17%.

Giá thực phẩm Anh đã tăng 5,3% cách đây một năm và còn sẽ tăng nữa, đặc biệt khi người ta liên tục nghe các dự báo đầy tính đe dọa, chẳng hạn Goldman Sachs tin rằng dầu sẽ tăng 105 USD/thùng trong năm nay; và Viện nghiên cứu kinh tế Đức DIW thậm chí còn “làm tròn” giá dầu với 150 USD trong 5 năm và 200 USD trong 10 năm tới!

Với người dân, họ phải “tư duy” lại cách sống để thích ứng với vật giá leo thang. Sự chọn lựa phương tiện cá nhân chẳng hạn. Doanh số xe 4x4 (loại xe ngốn xăng) tại Luân Đôn đã giảm 7% trong nửa năm đầu 2007 và 5%, trên toàn nước Anh.

Tại Mỹ, doanh số xe SUV chạy bằng khí đốt bắt đầu tăng vọt. Đầu năm 2008, hãng hàng không lớn thứ hai Mỹ United Airlines và đối thủ tại Anh British Airways đã cùng điều chỉnh tăng giá vé để bù lỗ “chi phí nhiên liệu tăng chưa từng có tiền lệ”.

Rõ ràng, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy dầu ngưng “khủng bố” thế giới. Chính phủ các nước tiếp tục đối mặt thách thức đầy khó khăn của bài toán năng lượng song song chính sách vật giá để ổn định sự phát triển kinh tế mà trong đó yếu tố cân bằng đời sống cho người nghèo không thể bỏ qua (người nghèo mới là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cú sốc vật giá).

Với người dân, chẳng còn cách nào khác hơn là tự cứu lấy mình, bằng cách điều chỉnh cách sống. Sự chọn lựa để từ bỏ (hoặc chuyển sang) dịch vụ này hoặc phương tiện kia bây giờ đã trở thành vấn đề mang tính sống còn!

Mạnh Kim

Tin cùng chuyên mục