Thế giới tăng cường cảnh giác sau vụ khủng bố Paris

Thế giới tăng cường cảnh giác sau vụ khủng bố Paris

Vụ tấn công ngay tại thủ đô Paris tráng lệ của nước Pháp đêm 13-11 đã buộc nhiều nước trên thế giới phải xem xét lại chính sách an ninh quốc gia và cả chính sách nhập cư, nhằm ngăn chặn một thảm kịch tương tự xảy ra trong thời gian tới.

Thay đổi mọi thứ

“Vụ tấn công ở Paris đã thay đổi mọi thứ”, đây là nhận định của các nhà lãnh đạo thế giới. Họ cho rằng, vụ tấn công không chỉ nhằm vào nước Pháp mà còn tác động lên toàn bộ châu Âu và nhiều nước, nhất là trong bối cảnh lực lượng nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiêu mộ hơn 30.000 tay súng nước ngoài tham chiến ở Trung Đông, bất chấp sự tấn công dồn dập của cộng đồng quốc tế.

Theo New York Times, tính đến tháng 10-2015, số lượng quốc gia có công dân tham chiến tại Iraq và Syria cũng tăng mạnh từ 80 quốc gia (năm ngoái) lên hơn 100 quốc gia. Trong số chiến binh nước ngoài gia nhập IS tại Iraq hoặc Syria có hơn 250 người Mỹ, tăng so với con số khoảng 100 người của 1 năm về trước.

Tại châu Âu, tuy chỉ có 11 triệu dân nhưng Bỉ lại là quốc gia có công dân gia nhập IS nhiều nhất thế giới, với 494 người. Theo Bộ Nội vụ Bỉ, trong đó, có 272 người ở Syria và Iraq, 75 người đã chết, 147 tay súng đã trở về. Tuy Bỉ đã liên tục mở rộng chính sách chống khủng bố và phá nhiều mạng lưới tuyển dụng khủng bố nhưng với số lượng công dân gia nhập ngày càng tăng, Bỉ lại đang được xem là “ thiên đường” của khủng bố.

Sau khi Tổng thống Pháp Hollande tuyên bố tình trạng khẩn cấp  và đóng cửa biên giới nước Pháp, các nước EU đã tăng cường thắt chặt an ninh. Bỉ tiến hành kiểm soát trên toàn biên giới và các khu vực tiếp giáp biên giới Pháp. Một số quốc gia trong Liên minh châu Âu kêu gọi áp đặt các biện pháp hạn chế Hiệp định Schengen về việc đảm bảo tự do đi lại trên hầu hết các các quốc gia trong khối nhưng cũng là mối đe dọa đến sự an toàn của châu lục. Anh quốc đã thắt chặt các biện pháp an ninh tại sân bay, đồng thời cảnh báo các chuyến bay tới Paris có thể sẽ bị chậm lại vì lý do kiểm tra an ninh. Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cân nhắc nâng mức cảnh báo nguy cơ khủng bố từ mức thứ 4 lên thứ 5, mức cao nhất. Trước đó, nước này đã tăng mức độ cảnh báo từ mức 3 lên mức 4 sau hàng loạt các vụ tấn công hồi tháng 6 tại Kuwait, Pháp và Tunisia. Trong khi đó, Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga tuyên bố an ninh của nước này đang được đặt trong tình trạng báo động cao. Hà Lan cũng siết chặt an ninh tại các đường biên giới và sân bay. Đức, Italia và Thụy Điển đều triệu tập cuộc họp khẩn cấp của chính phủ và hội đồng an ninh để thảo luận về tình hình của nước Pháp và xem xét việc tăng cường an ninh. Cảnh sát Thụy Sĩ đã tăng cường an ninh bên ngoài các tòa nhà ngoại giao Pháp và biên giới với Pháp.

Tăng cường kiểm soát an ninh tại sân bay Anh

New York, Boston và nhiều thành phố khác ở Mỹ cũng tăng cường siết chặt an ninh. Lực lượng chống khủng bố và các đơn vị đặc nhiệm khác được triển khai đến những khu vực tập trung đông người, nhất là du khách và lãnh sự quán Pháp tại quận Manhattan. Tại châu Á, Hàn Quốc và Thái Lan đều triển khai các biện pháp thắt chặt an ninh. Chính quyền Philippines tuyên bố siết chặt an ninh cho hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại thủ đô Manila (từ ngày 17 đến 19-11). Chính quyền Singapore cũng nâng mức độ báo động an ninh sau vụ tấn công khủng bố ở Paris.  

Đông Nam Á đang trở thành một trong những khu vực trọng điểm để tuyển mộ chiến binh cho tổ chức khủng bố IS. Đây là tuyên bố của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đưa ra ngày 16-11 tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) ở thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, hàng trăm người từ các nước Đông Nam Á, trong đó có công dân Singapore, đã tham gia các tổ chức khủng bố, gồm cả IS. Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh trong hàng ngũ của IS thậm chí đã thành lập nhóm gọi là “tiểu đoàn chiến binh Đông Nam Á”, do vậy Singapore không thể “nhắm mắt làm ngơ” trước những gì đang diễn ra. Thứ trưởng Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed cho biết, IS đang âm mưu tuyển mộ những người có chuyên môn cao về các loại vũ khí, vật liệu nổ từ Malaysia và Indonesia. Thứ trưởng Jazlan nhấn mạnh kế hoạch này không chỉ là một mối đe dọa lớn đối với Malaysia mà còn đối với các nước Đông Nam Á khác, do đó không thể đánh giá thấp.

Bộ trưởng Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn đã chỉ thị các cơ quan chống khủng bố của nước này tăng cường thu thập và phân tích thông tin tình báo, đồng thời đẩy mạnh tuần tra tại các khu vực quan trọng. Thông báo của Bộ Công an Trung Quốc cho biết tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Công an và các cơ quan an ninh, Bộ trưởng Quách Thanh Côn cho rằng tất cả các sở, ban, ngành phải tăng cường hệ thống cảnh báo sớm chống khủng bố để đảm bảo an ninh và ổn định xã hội. Ông Quách Thanh Côn hối thúc lực lượng chức năng thúc đẩy mạnh mẽ công tác phân tích và nghiên cứu thông tin tình báo chống khủng bố để đảm bảo thực hiện các vụ tấn công chính xác và tăng cường khả năng cảnh báo sớm cũng như các biện pháp phòng tránh, đập tan các âm mưu khủng bố trước khi chúng xảy ra. Ông cũng cam kết sẽ duy trì “sức ép cao và răn đe hành động khủng bố bạo lực” cũng như thúc đẩy chiến dịch chống khủng bố. Ông Quách Thanh Côn nói thêm rằng việc kiểm soát súng đạn, thiết bị nổ và vận chuyển hàng hóa sẽ được thực hiện nghiêm ngặt để ngăn chặn những hành vi bạo lực và cực đoan do các cá nhân thực hiện. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu các cơ quan đưa ra biện pháp an ninh cụ thể và tăng cường hoạt động tuần tra, đặc biệt tại những khu vực quan trọng, nhằm loại bỏ các mối đe dọa tiềm tàng.

Không thể đổ lỗi cho người di cư

Theo Wall Street Journal, vụ khủng bố tại Paris đã khiến cuộc khủng hoảng người di cư trên toàn EU bước sang giai đoạn mới, giai đoạn mà mọi lời cảnh báo các chiến binh thánh chiến có thể lợi dụng sự di cư ồ ạt của người tị nạn để trà trộn vào EU, dường như đã trở thành sự thật. Ahmad al-Mohammad, một nghi phạm trong vụ tấn công Paris là  người Syria, đã di cư qua đảo Leros của Hy Lạp vào ngày 3-10 và biên giới Presevo của Serbia vào ngày 7-10. Đối tượng này được cho đã tìm cách đến Pháp nhưng qua con đường nào vẫn chưa rõ.

Theo AP, vụ tấn công Paris có thể khiến việc thực thi chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư của Liên minh châu Âu (EU) gặp khó khăn. Ba Lan trở thành quốc gia EU đầu tiên lên tiếng phản đối việc tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch của châu lục sau đêm khủng ở Paris. Theo bộ trưởng được chỉ định phụ trách các vấn đề châu Âu của Ba Lan, Konrad Szymanski,  Chính phủ Ba Lan nhiệm kỳ mới không thể nhất trí với cam kết trước đó của Warsaw về việc tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch phân bổ của châu Âu. Tuy quyết định của Hội đồng châu Âu có hiệu lực thực thi đối với tất cả các nước EU, song hiện rất khó có thể hình dung được việc thực thi quyết định này trong tình hình hiện nay. Hồi tháng 9-2015, Chính phủ trung hữu mãn nhiệm của Ba Lan đã đi ngược lại định hướng chung của nhóm bộ tứ Trung Âu Visegrad (gồm Ba Lan, CH Czech, Slovakia và Hungary) khi quyết định ủng hộ kế hoạch của EU về việc phân bổ 120.000 người tị nạn tới các nước trong khối. Theo hạn ngạch, Ba Lan sẽ phải tiếp nhận thêm 4.500 người tị nạn ngoài khoảng 2.000 người hiện đã được tiếp nhận ở nước này.

Người nhập cư tại làng Moria, đảo Lebos, Hy Lạp

Các chính trị gia Đức, nước tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng đã bắt đầu kêu gọi Thủ tướng Angela Merkel thay đổi chính sách cởi mở với người di cư của chính phủ. Lý do là những chính sách này có thể mang tới những hiểm họa, đồng thời kêu gọi chính phủ đề ra những thủ tục để kiểm soát sự di chuyển của hàng ngàn người tị nạn vào Đức. Thủ hiến vùng Bavaria Horst Seehofer cho rằng, những vụ tấn công ở Paris cùng vụ bắt giữ một nghi phạm được cho là đang mang theo chất nổ ở biên giới Đức-Áo là bằng chứng cho thấy nước Đức cần phải làm rõ ai được ở đất nước này và ai chỉ đi ngang qua. Tuy  nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere và Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel đều khuyên mọi người không nên vội vàng đổ lỗi cho người di cư về những vụ tấn công. Một số quan chức nhận định Thủ tướng Đức Merkel sẽ không thấy bất kỳ lý do hợp lý nào để thay đổi quan điểm của bà đối với người tị nạn sau những vụ khủng bố ở Paris. Bà Merkel cũng đã “phản pháo” những lời chỉ trích nhằm vào chính sách mở cửa cho người di cư, nói rằng những người chạy trốn khỏi vùng chiến sự không phải là đối tượng để đổ lỗi cho vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris.

Nước Pháp đang đứng trước mối lo mới khi làn sóng bài người Hồi giáo có dấu hiệu bùng phát sau vụ tấn công Paris. Làn sóng này nổ ra sau khi có thông tin cho biết một trong số những nghi phạm tấn công là người Syria. Nhóm những người ủng hộ phe cực hữu lên tiếng tán thành tuyên bố của bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp, cho rằng  nước Pháp cần phải loại trừ người Hồi giáo cực đoan và kiểm soát lại đường biên giới,  phải cấm các tổ chức đạo Hồi hoạt động, đóng cửa các nhà thờ cực đoan và trục xuất người nước ngoài gieo rắc lòng thù hận trên đất Pháp.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục