Thế hệ 9x và mục tiêu tự động hóa

43 năm, hành trình hơn nửa đời người, ngành điện TPHCM phải trải qua nhiều thăng trầm, gian khó nhưng đã không ngừng phát triển với nhiều nỗ lực và sáng tạo.
Một thời gian khó
Nhắc lại câu chuyện cách đây 43 năm, ông Trần Văn Lê Hà, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng ban Kiểm soát nội bộ của Tổng công ty Điện lực TPHCM, nay đã nghỉ hưu, bồi hồi kể: “Hồi đó, tôi mới 18 tuổi, có biết gì về điện đâu. Chẳng qua tham gia công tác Đoàn ở địa phương, nhà lại cạnh Nhà máy điện Thủ Đức, nhà máy thiếu công nhân nên mấy chú gọi tôi vào làm công nhân. Sau ngày giải phóng, nguồn điện cung cấp cho TP chủ yếu từ Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, Nhà máy Chợ Quán và vài cụm diesel cũ kỹ. Nhà máy thiếu thốn đủ thứ, nên công nhân phải vận dụng tối đa trí sáng tạo để vận hành nhà máy. Nghề dạy nghề, rành rẽ nên tôi đầu quân về làm công nhân ở Tổ Đường dây Chi nhánh Điện Bắc (nay là Công ty Điện lực Phú Thọ), suốt ngày đi thay trụ, thay dây và gắn điện kế. Những năm 1975-1985 là giai đoạn khó khăn nhất của ngành điện. Thiếu vật tư, thiếu điện, phải cắt điện luân phiên. Không có cáp thay thế, tôi cùng anh em nghĩ đến những sợi cáp ngầm bị hư đang bỏ phế, cắt bỏ lớp nhựa bên ngoài, sử dụng lại những sợi cáp còn nguyên vẹn bên trong. Bình biến thế cũng vậy, bình nào hư thì tận dụng thu hồi lại những bộ phận còn tốt để thay cho bình khác, rồi tiếp tục đưa lên lưới để tái sử dụng. Thiếu điện, phải cúp luân phiên. Sáng, công nhân ngành điện cầm cây sào dài, xem lịch bố trí lịch cúp điện, chạy đi gạt cầu dao; chiều, lại xách sào đi đóng cầu dao lên. Thời khó khăn chung, bà con mình chia sẻ với Nhà nước, với ngành điện lắm. Cứ chiều chiều đi đóng điện, đám con nít thấy sáng đèn là reo lên vang cả xóm”.
Câu chuyện 43 năm trước vụt về trong ký ức người thanh niên công nhân ngành điện năm xưa như một dấu ấn không thể nào phai.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM, khi vừa học ở nước ngoài về đã đầu quân ngay vào ngành điện.
Ông kể lại bước đi “đạp cỏ mở đường” của ngành điện TPHCM giai đoạn 1985-1995 về phong trào điện khí hóa nông thôn và phụ thu tiền điện để có nguồn cải tạo lưới điện. Nhờ mạnh dạn thực hiện chủ trương này, TPHCM đã cải tạo và xây dựng mới được 338km đường dây trung thế, 381km đường dây hạ thế, 22,5km đường dây lưới điện chiếu sáng, 1.663 trạm biến thế, với tổng dung lượng tăng thêm là 238.000kVA. Rồi 2 công trình “Đưa lưới điện quốc gia về huyện Cần Giờ” và “Điện khí hóa thí điểm xã Trung Lập Thượng huyện Củ Chi” góp phần thay đổi diện mạo các xã nông thôn của thành phố, mở đường cho việc xây dựng các công trình điện sau này tại Bình Chánh, Cần Giờ…  Tính cách năng động, đột phá, đi đầu, tiếp cận cái mới luôn hiện diện trong các công trình của những năm tiếp theo như hạ ngầm lưới điện, rô bốt đào đường, thi công sửa chữa điện nóng (hotline), nâng cấp điện áp, thi công lắp đặt các trạm GIS theo công nghệ mới, kéo cáp vượt biển, hóa đơn điện tử… 
Thế hệ 9x và mục tiêu tự động hóa ảnh 1 Thí nghiệm sản xuất chì trung thế và hạ thế để phục vụ yêu cầu cung cấp điện
Triển khai lưới điện thông minh
Thế hệ 5X đã đi qua, thế hệ 6X - 7X đang giữ nhiều vị trí lãnh đạo và thế hệ 8X - 9X đang nối tiếp cha anh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo thế hệ kế thừa, tạo nguồn cho những năm sau 2020 là mục tiêu mà Đảng bộ Tổng công ty Điện lực TPHCM đặt ra. 
5 năm học Đại học Bách Khoa Hà Nội, 7 năm học Đại học Toulouse (Pháp) để lấy 2 bằng thạc sĩ và tiến sĩ về hệ thống điện, chàng trai trẻ Luân Quốc Hưng (sinh năm 1982, gốc Hải Phòng) vừa về nước đã xin vào làm tại tổng công ty để tìm kiếm sự thử thách. Nhiều đầu đề được đặt ra cho Hưng, như bài toán phải giảm thấp nhất tỷ lệ tổn thất điện năng… Hưng chia sẻ: “Phải nâng cấp lưới điện, rút ngắn khoảng cách lưới cung cấp, tăng số trạm biến áp, chống trộm cắp điện… mới có thể giảm tổn thất. Nói thì dễ, làm không dễ”. Kiên trì đeo bám nhiều năm, kết quả ngày càng thuyết phục: Năm 2012 tỷ lệ tổn thất là 5,56%, đến nay giảm còn 3,72%, thấp nhất trong cả nước. 
Nói đến Trung tâm điều khiển SCADA hiện đại, không thể không nhắc tên kỹ sư tài năng thế hệ 9X Nguyễn Việt Dũng, tốt nghiệp trong nước và được tu nghiệp ở Malaysia. Nhờ trung tâm này, toàn bộ lưới điện trung thế và cao thế hiện nay đã được điều khiển từ xa. Rồi hệ thống lưới điện thông minh đang được triển khai tại nhiều khu vực trong TPHCM, như hoàn thiện hệ thống FI để chỉ báo sự cố chính xác cho bộ phận công nhân nhanh chóng xử lý, hệ thống thao tác đóng cắt điện từ xa, hệ thống SmarGrid báo địa điểm sự cố, tính toán phân tích để đóng cắt điện nhanh nhất, giảm số lượng khách hàng bị mất điện do sự cố. Tất cả đang được triển khai, nhiều dự án sẽ hoàn thành trong 2018 và quyết tâm đến năm 2020, một lưới điện thông minh, ngang và vượt nhiều nước trong khu vực, sẽ nên hình nên dạng.
Ông Lê Tấn Định, Trưởng ban nhân sự, thông tin: Không chỉ tổ chức bồi huấn, đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ đoàn xuất sắc, Tổng công ty Điện lực TPHCM còn có chính sách trải thảm đỏ để thu hút kỹ sư trẻ, tài năng trong các lĩnh vực tự động hóa, trạm không người trực, công nghệ thông tin…, đồng thời có cơ chế thi tuyển chuyên gia từ cơ sở để truyền đạt chuyên môn, kinh nghiệm cho lớp công nhân trẻ. 
Chuyện vác cây sào dài đi đóng điện đã thành ký ức. Tự động hóa lưới điện theo chuẩn khu vực và sánh bằng với các nước Âu, Mỹ đang là đích đến.

Tin cùng chuyên mục