Thế hệ những cây bút mới

So với các cuộc thi trước đây, cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ V có một điểm khác biệt, đó là các tác phẩm dự thi sẽ được NXB Trẻ lựa chọn xuất bản độc lập với đánh giá của ban giám khảo cuộc thi. Một loạt các tác phẩm đã ra mắt bạn đọc và từ những tác phẩm này, nhiều tín hiệu vui đã xuất hiện.
Thế hệ những cây bút mới

So với các cuộc thi trước đây, cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ V có một điểm khác biệt, đó là các tác phẩm dự thi sẽ được NXB Trẻ lựa chọn xuất bản độc lập với đánh giá của ban giám khảo cuộc thi. Một loạt các tác phẩm đã ra mắt bạn đọc và từ những tác phẩm này, nhiều tín hiệu vui đã xuất hiện.

Bạn đọc trẻ chọn mua sách.

Bạn đọc trẻ chọn mua sách.

Khơi nguồn bản thảo

Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 được xem là một trong những cái nôi của các nhà văn trẻ trong suốt 4 kỳ tổ chức. Nhiều cây bút nổi tiếng đã thành danh từ cuộc vận động này như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Thiên Hương, Trương Anh Quốc… Cuộc vận động cũng đã cung cấp một nguồn tác phẩm dồi dào viết về thế hệ trẻ hôm nay.

Tuy nhiên, một điểm chung ở cả 4 lần tổ chức trước đây là các tác giả gửi tác phẩm về dự thi, ban tổ chức tiến hành chấm giải theo các vòng và sau khi có kết quả, NXB sẽ xuất bản các tác phẩm đoạt giải. Đây cũng là hình thức chung của các cuộc thi văn học khác hiện đang được tổ chức trong nước.

Nhưng ở lần vận động thứ 5 này, ban tổ chức đã áp dụng một hình thức khác: các tác phẩm gửi về dự thi, một bản được lưu cho ban giám khảo chấm giải còn một bản chuyển về NXB Trẻ. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB cho biết: “Đây là một nguồn bản thảo cực kỳ quan trọng, đa dạng và phong phú”. Và NXB sẽ lựa chọn những bản thảo phù hợp với tiêu chí hoạt động của đơn vị, phù hợp với đánh giá về nhu cầu thị trường hiện tại và xuất bản phục vụ bạn đọc. Sự lựa chọn này hoàn toàn không liên quan gì đến các tiêu chí của cuộc vận động sáng tác nên ông Nguyễn Minh Nhựt khẳng định: “Tác phẩm được xuất bản không có nghĩa là sẽ được giải hay thậm chí là lọt vào vòng trong”.

Điều này đã góp phần khiến lần đầu tiên, nhiều tác phẩm độc đáo thể hiện sự tìm tòi, bứt phá của các cây bút trẻ đến với bạn đọc. Như các tác phẩm Urem - Người đang mơ của chàng sinh viên Phạm Bá Diệp với nội dung huyền ảo vốn khá quen thuộc với bạn đọc qua các tác phẩm dịch nhưng còn khá xa lạ với các cây bút trong nước. Cũng thế, tác phẩm Eden xa vời của La Nguyễn Quốc Vinh với nội dung lấy từ tôn giáo pha lẫn những khái niệm về mâu thuẫn thiện ác cũng là mảng hay bị các tác giả trẻ xa lánh do sợ khó được chấp nhận. Nhưng lạ nhất phải kể đến Hạt hòa bình của tác giả Minh Moon (Trần Nguyệt Minh) với cái nhìn cách tiếp cận lịch sử của một người trẻ thông qua hành trình xuyên thời gian với các khái niệm về luân hồi, tình yêu và trách nhiệm… Đây được xem là tác phẩm độc đáo nhất của Văn học tuổi 20 lần V cho đến lúc này dù rằng việc nó được ban giám khảo tiếp nhận hay không còn là một dấu hỏi lớn do sự khác biệt quá lớn của tác phẩm.

Người trẻ viết gì?

Chiếm đa số trong gần 20 tác phẩm được chọn xuất bản từ nguồn bản thảo lần này là các tác phẩm đầu tay. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Không chỉ về số lượng người viết, đề tài các tác phẩm lựa chọn cũng có sự đa dạng hơn hẳn trước đây. Về cơ bản có hai hướng sáng tác chính, một là viết những gì thân quen xung quanh tác giả và hai là sáng tác theo cảm hứng cá nhân.

Ở hướng viết về những gì thân quen có thể kể đến như Không biết đâu mà lần của Văn Thành Lê. Câu chuyện của anh kể về một chàng giáo viên trẻ vừa rời mái trường sư phạm, thế nhưng khi trực tiếp giảng dạy, anh mới thấy mọi việc khác hẳn những gì mình được học và kết quả là cứ cuối mỗi chương, nhân vật chính lại phải thở dài: “Không biết đâu mà lần”. Bản thân tác giả cũng chính là một thầy giáo nên các chi tiết, câu chuyện của anh vô cùng chân thật, cuốn hút người đọc. Tác giả Trần Lãng Diệp (tên thật là Thảo Nhi) với Bình yên tạm bợ viết để tặng một người bạn luôn căm ghét cuộc sống và xa cách với những người xung quanh nhưng thực tế lại chật vật tìm kiếm tình yêu.

Với các tác phẩm viết theo cảm hứng cá nhân, mỗi tác giả có những nét độc đáo riêng, nếu Phạm Bá Diệp say mê J.K.Rowling nên học từ lối viết, đề tài thì Nguyễn Dương Quỳnh (Nguyễn Dương Quỳnh Anh) với Thị trấn của chúng ta lại tự nhận mình chịu ảnh hưởng sâu sắc của nhà văn Nhật Murakami.

Nếu những sáng tác cho người trẻ do các nhà văn lão thành hay đã thành danh từ lâu thực hiện được xem là giàu sự chiêm nghiệm, kinh nghiệm sống thì các tác phẩm của chính người trẻ viết cho người trẻ lại được ghi nhận về sự thân quen từ suy nghĩ đến cách hành văn. Dù rằng những cây bút trẻ vẫn còn thiếu độ chín cho tác phẩm nhưng với những gì họ đã thể hiện được, nhất là ở những tác phẩm đầu tay, văn học trong nước có thể hy vọng vào một lứa nhà văn trẻ mới, năng động và tràn đầy sức sống.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục