Trong khi chờ đợi có sự thay đổi căn cơ và toàn diện, những người tâm huyết với hoạt động của hệ thống thư viện quận huyện đang nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động với những gì đang có. Thẻ liên thư viện vừa đi vào hoạt động có thể xem là nỗ lực mới nhất để nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống thư viện TP hiện nay.
Toàn TP hiện nay có 24 thư viện quận huyện, mỗi thư viện có những điểm đặc trưng khác nhau, nơi có nhiều sách cũ, nơi thường xuyên có sách mới… Một số thư viện tuy bị đánh giá hoạt động chưa hiệu quả nhưng thực tế lại đang có một kho sách cũ khá đặc sắc về nội dung. Tuy nhiên, do từ trước đến nay đối với bạn đọc, các thư viện đều hoạt động độc lập, làm thẻ thư viện ở đâu thì chỉ có thể đọc sách, mượn sách ở thư viện đó.
Theo bà Nguyễn Thị Như Trang, Phó phòng Mạng lưới Thư viện Khoa học Tổng hợp (KHTH) TP, vào tháng 5-2015, ý tưởng về một thẻ liên thư viện đã nảy sinh. Theo đó, bạn đọc chỉ cần làm thẻ tại một thư viện bất kỳ trong số 24 thư viện quận huyện hoặc là làm tại Thư viện KHTH thì có thể đọc, mượn sách tại tất cả 24 thư viện quận huyện và cả Thư viện KHTH. Ý tưởng này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của tất cả các thư viện quận huyện và tháng 7-2015, thẻ liên thư viện chính thức được triển khai.
Hệ thống thư viện quận, huyện tại TPHCM đang nỗ lực thu hút bạn đọc
Thẻ liên thư viện được làm bằng nhựa (giống thẻ ATM). Với loại thẻ này, nền tảng cơ bản của một hệ thống thư viện chung toàn thành bắt đầu hình thành. Ví dụ, một bạn đọc vào Thư viện quận Gò Vấp mượn một cuốn sách nhưng ở đây không có tác phẩm bạn đọc cần tìm. Thủ thư sẽ tra cứu trên mạng và tìm thấy cuốn sách đó đang có tại Thư viện quận 5. Bạn đọc sẽ có hai lựa chọn là để lại lịch hẹn, thủ thư sẽ mượn sách từ Thư viện quận 5 về hoặc bạn đọc trực tiếp đến Thư viện quận 5 và dùng thẻ liên thư viện để mượn sách.
Đó là một trong những viễn cảnh thực tế nhất mà thẻ liên thư viện đem lại. Tất nhiên, để làm được điều đó còn đòi hỏi một hệ thống kết nối từ thông tin đến luân chuyển sách giữa các thư viện. Tuy nhiên, việc kết nối này đã được đề ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được vì nhiều lý do, như: hoạt động nghiệp vụ bổ sung tài liệu, biên mục tài liệu còn riêng lẻ từng thư viện; chưa xây dựng một số chuẩn chung hoặc quy trình hoạt động chung cho cả hệ thống; việc ứng dụng phần mềm quản lý thư viện cũng chưa được áp dụng đồng bộ và hiệu quả tại các thư viện; trình độ cán bộ nghiệp vụ của các thư viện chưa đồng đều và cần được tập huấn nâng cao thêm, đặc biệt với các kiến thức về chuẩn công nghệ mới.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 50 thẻ liên thư viện được cấp, con số này vẫn còn rất ít so với lượng bạn đọc thực tế. Việc chưa nhiều bạn đọc làm thẻ, theo bà Như Trang nguyên nhân đầu tiên là công tác giới thiệu, tuyên truyền còn quá ít, hầu hết bạn đọc không biết đến sự xuất hiện của loại thẻ này. Thế nhưng, điểm khó khăn nhất, theo những người làm thư viện, vẫn là việc gầy dựng lại thói quen đến thư viện cho bạn đọc. Để gây dựng lại thói quen đến thư viện của bạn đọc, cần lấy lại niềm tin bạn đọc bằng việc nâng cấp, tạo mới các dịch vụ thư viện thân thiện, thuận tiện, phù hợp nhất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của bạn đọc. Thẻ thư viện liên kết hay hoạt động mượn sách liên thư viện là nỗ lực đầu tiên mà cán bộ thư viện toàn hệ thống phải quyết tâm thực hiện thành công.
HỒNG GIANG