Đã gần 1 năm kể từ ngày Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM (gọi tắt là trung tâm) chính thức áp dụng thí điểm vé xe buýt bằng thẻ thông minh (Smart Card) cho hành khách trên 2 tuyến Sài Gòn - Bình Tây (tuyến số 1) và Bến Thành - Âu Cơ - Bến xe An Sương (tuyến số 27) nhưng lượng khách sử dụng thẻ vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nguyên nhân do đâu?
Còn nhiều bất hợp lý
Theo trung tâm, mục đích của việc đưa thẻ xe buýt thông minh vào áp dụng nhằm tạo sự thuận tiện, nhanh chóng cho hành khách và nâng cao chất lượng quản lý xe buýt. Bởi lẽ, đây là loại thẻ có gắn chip tự động trừ tiền khi hành khách lên xe thông qua đầu đọc nên sẽ tránh được sự phân biệt đối xử với hành khách khi đi lại bằng vé như trước đây.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, số hành khách sử dụng thẻ thông minh là rất ít. Trên tuyến xe buýt số 1 Bến Thành - chợ Bình Tây, có chuyến suốt cả chiều đi và về, chúng tôi không thấy hành khách nào sử dụng thẻ thông minh, mà chủ yếu là vé tập tháng hoặc mua vé lẻ.
Nhiều hành khách cho biết, họ không làm thẻ thông minh là do những quy định về sử dụng thẻ quá khắt khe trong khi hiệu quả mang lại không tương xứng. Việc giới hạn về địa điểm làm thẻ và nạp tiền vào thẻ là Trạm điều hành Sài Gòn (Công viên Quách Thị Trang, quận 1) và Ga hành khách Chợ Lớn (quận 5) cũng gây khó cho hành khách vì không tiện lợi và thêm khoản tốn kém đi lại.
Sự thiếu liên thông giữa các tuyến cũng là một yếu tố khiến người dân ngán ngại.
Đàm Văn Trung, sinh viên Trường Đại học Hồng Bàng TPHCM, tính toán: “Hàng ngày, em đi từ nhà ở Gò Vấp đến trường tại quận 5 phải bắt hai tuyến xe buýt số 1 và 3. Do đó, nếu làm thẻ xe buýt thông minh, em chỉ sử dụng được trên tuyến số 1, còn tuyến số 3 vẫn phải mua vé tập hoặc vé lẻ vì hai tuyến này chưa có sự liên thông trong việc sử dụng thẻ. Ngoài ra, việc quy định về giá trị sử dụng thẻ quá cứng nhắc như không có chế độ cộng dồn số lượt dư trong thẻ, thẻ chỉ có giá trị sử dụng cho chính chủ thẻ… không có lợi so với đi vé tập tháng”.
Còn chị T.T.K.T., nhân viên bán vé trên tuyến xe buýt số 1, cho biết: “Hiện nay, trên xe sử dụng một lúc hai, ba loại vé và thẻ thông minh nên vào giờ cao điểm, do mải lo xé vé, thu và thối tiền cho khách nên không kịp quẹt thẻ cho một số hành khách sử dụng thẻ thông minh, nhất là đi chặng ngắn, khiến họ không hài lòng”.
Nghiên cứu để triển khai đại trà
Theo trung tâm, đơn vị chịu trách nhiệm phát hành và quản lý thẻ xe buýt thông minh, tính đến nay sau gần một năm đưa vào thí điểm thẻ xe buýt thông minh trên hai tuyến số 1 và 27, đơn vị chỉ phát hành được hơn 100 thẻ/7.000 phôi thẻ cho hành khách.
Về những vấn đề mà hành khách đặt ra, ông Lê Hải Phong, Giám đốc trung tâm, thừa nhận: “Việc chưa liên thông trên các tuyến đã dẫn đến số lượng hành khách làm thẻ đi lại rất hạn chế. Để thu hút hành khách sử dụng thẻ xe buýt thông minh, kể từ ngày 1-9, trung tâm đã phát hành miễn phí thẻ xe buýt thông minh (Smart Card) cho hành khách đi lại trên hai tuyến trên. Tuy nhiên, số lượng hành khách đến làm thẻ cũng rất ít.
Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu để triển khai đại trà hệ thống thẻ thông minh trên các tuyến nhằm tạo sự liên thông và thuận tiện cho hành khách. Về địa điểm làm thẻ và nạp tiền, sắp tới khi triển khai đại trà, trung tâm cũng sẽ mở rộng xuống các đại lý phân phối để tiện cho hành khách”.
ĐÌNH LÝ