Diễn biến mới về vụ sữa nhiễm độc ở Trung Quốc: Nhiều quan chức ở Thạch Gia Trang bị cách chức

Diễn biến mới về vụ sữa nhiễm độc ở Trung Quốc: Nhiều quan chức ở Thạch Gia Trang bị cách chức
  • 6.244 trẻ em mắc bệnh sạn thận

Trang điện tử China News đưa tin, chính phủ Trung Quốc ngày 17-9 đã tổ chức họp báo về tình hình liên quan đến vụ sữa nhiễm độc Sanlu.

Tin cho biết, tính đến 8 giờ sáng 17-9, có thêm 1 em bé ở Triết Giang tử vong do các bệnh sỏi thận, sạn đường tiết niệu vì uống sữa của Sanlu, số bé mắc bệnh đã lên tới 6.244 em, trong đó 4.917 bé tương đối nhẹ, được theo dõi tại nhà, 1.327 em đang được điều trị tại bệnh viện, 158 em bệnh nặng. Bộ Y tế Trung Quốc cam kết điều trị miễn phí cho toàn bộ trẻ nhỏ bị bệnh do uống sữa của Tập đoàn bơ sữa Sanlu (Tam Lộc), đồng thời sẽ cử các chuyên gia y tế tới các địa phương để hỗ trợ công tác điều trị.

Hàng trăm người đã kéo tới trụ sở của Tập đoàn sữa Tam Lộc ở thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc (ảnh) đòi được giải thích và nhận bồi thường.

Chiều ngày 17-9, tờ People Daily cho biết, sau khi Phó Thị trưởng thành phố Thạch Gia Trang bị bãi nhiệm, Tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc đã họp và quyết định cách chức thêm 3 quan chức ở Thạch Gia Trang gồm Phó Bí thư Thành ủy Đới Thuần Đường, Cục trưởng Cục Chăn nuôi thủy sản Tôn Nhậm Hổ, Cục trưởng Cục Kiểm tra chất lượng sản phẩm Lý Chí Quốc.

Vụ bê bối sữa bột trẻ em tại Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng có khả năng sẽ ảnh hưởng đến các thị trường ngoài Trung Quốc vì trong số 22 công ty, nhà máy sản xuất sữa độc có Torador Dairy Industry liên doanh Trung Quốc - Australia ở thành phố Thiên Tân và Tập đoàn Quảng Đông Yashili (Á Tư Lợi) có sản phẩm sữa xuất khẩu sang các thị trường Bangladesh, Myanmar và Yemen. 

Đối với tập đoàn Sanlu, trung tâm của vụ bê bối, kết quả kiểm tra cho thấy sản phẩm sữa của Sanlu có hàm lượng chất tripolycyanamide cao nhất, 2,563g/kg, so với hàm lượng từ 0,9mg-619g/kg trong mẫu sản phẩm của những công ty khác.

Chính quyền tỉnh Hà Bắc đã cử bốn nhóm công tác đến tập đoàn Sanlu để tiến hành cuộc điều tra toàn diện. Đến nay, đã có 4 nhà thu mua sữa bị bắt và 22 người khác bị tạm giữ để thẩm vấn.

Nhận định nguyên nhân sâu xa của vụ việc này, các chuyên gia trong ngành cho rằng hệ thống giám sát an toàn chất lượng sản phẩm của Trung Quốc đã không theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh của ngành công nghiệp sản xuất sữa tại nước này. Theo họ, Trung Quốc hiện chưa có một hệ thống tiêu chuẩn đồng bộ và vẫn còn tồn tại rất nhiều khe hở để cho các công ty lách luật.

Hệ thống siêu thị Wellcome ở Đặc khu kinh tế Hồng Công, Trung Quốc, cũng ra lệnh thu hồi loại kem hoa quả Y Lợi (Yili) từ tất cả các cửa hàng bán lẻ của công ty ở Hồng Công sau khi Cục Thực phẩm và vệ sinh môi trường phát hiện loại kem mút này có chứa chất melamine độc hại.

V.L.
(Theo THX, Reuters, People Daily)

Tin cùng chuyên mục