Trung Đông: Hàng loạt lãnh đạo của Hamas thiệt mạng

° Đã có ít nhất 1.100 người thiệt mạng, 5.400 người bị thương° Cộng đồng quốc tế cáo buộc Israel vi phạm luật pháp quốc tế
Trung Đông: Hàng loạt lãnh đạo của Hamas thiệt mạng

° Đã có ít nhất 1.100 người thiệt mạng, 5.400 người bị thương
° Cộng đồng quốc tế cáo buộc Israel vi phạm luật pháp quốc tế

Trung Đông: Hàng loạt lãnh đạo của Hamas thiệt mạng ảnh 1
Nhân viên y tế Palestine cầm phần còn lại của một quả đạn pháo của Israel bắn vào Bệnh viện al-Quds ở Dải Gaza.

Ngày 16-1, cuộc chiến tại Dải Gaza bước sang ngày thứ 21 với nhiều tổn thất lớn cho lực lượng Hamas khi hàng loạt lãnh đạo của lực lượng vũ trang Hồi giáo này thiệt mạng.

Phía Hamas và Israel đều đã xác nhận Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ của Hamas ở Gaza, Said Siam, đã bị đạn pháo Israel sát hại ngày 15-1. Đây là quan chức cấp cao nhất của Hamas thiệt mạng từ khi chính quyền Tel Aviv phát động chiến dịch tấn công Gaza.

Cùng với Bộ trưởng Nội vụ Siam còn có 2 lãnh đạo cấp cao khác của Hamas bị tiêu diệt trong cuộc không kích của Israel vào một ngôi nhà ở phía Bắc Gaza là Salah Abu Shreh, người điều hành bộ máy an ninh của Hamas và Mahmoud Watfah, lãnh đạo cánh vũ trang của lực lượng này. Ngay lập tức, Hamas thề sẽ trả đũa và cho biết “máu của những chiến binh Hamas sẽ không đổ xuống vô nghĩa”.

Tính đến ngày 16-1, cuộc chiến tại Dải Gaza đã cướp đi sinh mạng của 1.105 người Palestine - trong đó có gần 450 phụ nữ và trẻ em - và khoảng 5.400 người bị thương. Cuộc chiến gây thiệt hại cho nền kinh tế Palestine ít nhất 4 tỷ USD.

Theo Cục Thống kê Palestine (PSB), ước tính chi phí khôi phục các trường học, đường sá, cầu cống… sẽ lên tới gần 1 tỷ USD. Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án và buộc tội Israel vi phạm luật pháp quốc tế khi tiến hành các vụ tấn công chết chóc vào các bệnh viện, cơ quan truyền thông và các tòa nhà của LHQ.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Miguel Brockmann đã buộc tội Israel “đang biến Gaza thành địa ngục”. Còn Phó Tổng thư ký LHQ Asha-Rose Migiro cho biết 192 thành viên của đại hội đồng gửi đến Israel “sự phản đối mạnh mẽ” và yêu cầu một lời giải thích của Israel về vụ tấn công vào tòa nhà LHQ.

Trước đó, Hamas đã thông báo với Ai Cập họ sẽ đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 1 năm và có thể gia hạn tại Gaza nếu Israel rút tất cả các lực lượng khỏi vùng lãnh thổ này trong vòng từ 5 tới 7 ngày, đồng thời lập tức mở lại các cửa khẩu biên giới.

Theo đề xuất này, Hamas yêu cầu Tel Aviv mở tất cả các cửa khẩu biên giới tại Gaza dưới sự bảo đảm của Ai Cập và cộng đồng quốc tế. Hamas cũng nói với Ai Cập rằng phong trào này không phản đối việc triển khai các quan sát viên Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng bác bỏ đề xuất triển khai lực lượng bảo vệ của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại cửa khẩu Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập.

Ngoài ra, Hamas cũng muốn thỏa thuận ngừng bắn nói trên sẽ bao gồm cả việc tổ chức một hội nghị tái thiết. Sau khi nghiên cứu các điều khoản của Hamas, Thủ tướng Israel Ehud Olmert cho biết Ngoại trưởng nước này Tzipi Livni sẽ bay đến Washington (Mỹ) để thúc đẩy yêu cầu chính của nước này là Hamas chấm dứt buôn bán vũ khí qua Ai Cập.

V.C. (Theo AFP, Reuters)

Tin cùng chuyên mục