Gia tăng xung đột giữa con người và tự nhiên

Bài 1: Cuộc chiến chống động vật hoang dã ở Sumatra
Gia tăng xung đột giữa con người và tự nhiên

Bài 1: Cuộc chiến chống động vật hoang dã ở Sumatra

Con người sinh ra từ tự nhiên và dựa vào tự nhiên để sinh sống. Nhưng khi không tôn trọng sự phát triển “tự nhiên” của tự nhiên, con người phải trả giá. Cuộc xung đột giữa con người và động vật hoang dã ở đảo Sumatra (Indonesia) là một ví dụ về mối quan hệ hai chiều này.

Đi tìm “thủ phạm”

Cụ Punirah đang ngủ say trong lúc hai con voi đực thâm nhập vào ngôi làng. Đã 70 tuổi, cụ không còn đủ sức để kịp rời khỏi ngôi nhà của mình khi dân làng cảnh báo. Và cụ Punirah đã chết dưới móng chân của hai con voi, khi chúng phá tan bức tường gỗ mỏng của nhà cụ để tìm kiếm thức ăn.

Cụ Punirah chỉ là một trong số nhiều nạn nhân của động vật hoang dã ở đảo Sumatra. Danh sách còn dài và thường rất thê thảm. Từ đầu năm nay, có không dưới 10 vụ tấn công của hổ Sumatra nhằm vào con người, trong đó 8 vụ gây chết người. Dermawan, một nông dân, nói: “Sự tàn phá của voi mới là tồi tệ nhất, bởi chúng còn phá hủy mùa màng mà con người không làm gì được”. Gần nhà ông Dermawan, một phụ nữ khác cũng chết dưới chân voi vào năm ngoái. Những vụ “đổ bộ” của động vật hoang dã vào các khu vườn diễn ra ít nhất một lần mỗi tuần. Nông dân vốn đã nghèo khó, chỉ biết đứng nhìn thành quả của nhiều tuần lao động “ra đi” chỉ trong một đêm.

Hổ ở Sumatra

Hổ ở Sumatra

Thủ phạm gây ra thảm kịch trên hòn đảo Sumatra của Indonesia chính là tình trạng phá rừng. Trong 25 năm qua, đảo Sumatra đã mất 2/3 diện tích bao phủ rừng. Môi trường sống của các loại đười ươi, voi, tê giác và hổ Sumatra - tất cả các giống động vật nằm trong danh sách được bảo vệ và đang có nguy cơ tiệt chủng - đã bị phá hủy. Lãnh thổ của loài động vật càng bị thu hẹp bao nhiêu thì chúng lại càng tiến gần tới những khu vực có dân cư sinh sống bấy nhiêu để tìm thức ăn. Và cuộc xung đột giữa con người và động vật hoang dã càng trở nên dữ dội.

Các biện pháp hòa giải

Để tự bảo vệ, người dân rải chất độc hoặc dựng bẫy xung quanh cánh đồng của mình, thậm chí là tấn công động vật hoang dã khi có thể. Hiện chưa có thống kê chính thức về số lượng động vật bị giết, vì đây là những hành động phi pháp. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, có ít nhất 4 con hổ bị giết. Theo Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WWF), từ năm 2002 - 2007, cuộc xung đột giữa người và động vật đã khiến 42 người dân thiệt mạng và khoảng 100 con voi bị giết hại. Hồi tháng 3-2009, Tổ chức ONG ProFauna cũng phát hiện được 12 chiếc bẫy hổ chỉ trong khu vực một công viên quốc gia mà không thể xác định được liệu những chiếc bẫy này được dựng lên để bảo vệ dân làng gần đó hay là để cung cấp hàng hóa cho bọn buôn bán động vật hoang dã.

Hai tổ chức nói trên đã lập các đội tuần tra chống voi nhằm hạn chế ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa người và động vật. Về phần mình, Tổ chức Bảo tồn động thực vật (FFI) cũng có đội tuần tra thường xuyên kiểm tra vùng núi ở Aceh, cực Bắc đảo Sumatra. Các cuộc tuần tra này được thực hiện ở ngay cửa rừng, nơi mà trước kia là một cánh rừng già nhưng đã bị khai phá. Những con voi hoang dã thường xuyên thâm nhập vào khu dân cư qua cánh rừng này.

Ở đây, 4 chú voi thuần hóa được huy động để xua đuổi những con voi hoang dã đến phá mùa màng của nông dân. Công thức “tránh xung đột một cách hòa bình” dường như mang lại hiệu quả và được áp dụng ở khu vực lớn trồng cây dầu cọ ở Sumatra. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tạm thời, đặc biệt là trong bối cảnh nạn phá rừng không có xu hướng suy giảm.

Một điều khá nghịch lý là tỉnh Aceh lại là nơi có những khu rừng được bảo tồn tốt nhất trên đảo, bất chấp cuộc nội chiến diễn ra ở đây trong vòng 30 năm. Trong giai đoạn nội chiến, khu rừng là nơi ẩn náu của lực lượng du kích và cả quân đội, vì thế bọn lâm tặc không thể bén mảng tới. Nhưng khi hiệp định hòa bình được ký năm 2005, khu rừng bắt đầu bị “gặm tỉa” và các loại động vật trước kia có thể thoải mái sinh hoạt trong lòng rừng thì nay lại phải dạt ra ngoài bìa rừng để kiếm ăn.

Saiffuddin, phụ trách một khu làng gần đội chống voi của FFI, cay đắng nhận xét: “Từ khi cuộc xung đột chấm dứt, cuối cùng thì chúng tôi cũng được thoải mái làm việc trên đồng ruộng của mình. Nhưng giờ đây, chúng tôi lại gặp phải một vấn đề khác: Chúng tôi đang phải tham gia cuộc chiến chống động vật hoang dã”.

Một số loài động vật nằm trong danh sách đỏ trước nguy cơ tuyệt chủng ở Indonesia theo WWF: Tê giác Java - động vật có vú lớn quý hiếm, số lượng chưa đầy 60 con. Tê giác Java có nguy cơ tuyệt chủng do bị săn trộm lấy sừng và do diện tích rừng bị thu hẹp. Tê giác Java có một sừng và chiếc sừng duy nhất này có thể dài hơn 25cm; Hổ Sumatra Indonesia - sống tại đảo Sumatra, Indonesia từ cách đây 1 triệu năm, số lượng chưa đầy 600 con. Hiện loài hổ này chủ yếu tồn tại trong các khu bảo tồn, khoảng 100 con còn sống trong môi trường hoang dã; Voi lùn Borneo - sống ở Bắc Borneo, số lượng khoảng 1.500 con. Loài voi này thấp hơn voi châu Á khoảng 50cm. Voi lùn Borneo có bản tính hiền lành, dễ thuần dưỡng. Sự mở rộng của các khu trồng cọ làm thu hẹp môi trường sống của voi, qua đó giảm số lượng loài voi này.

Hà Vy (theo Le Figaro)

Bài 2: Những “tị nạn khí hậu” đầu tiên ở Maldives

Tin cùng chuyên mục