Lực lượng biểu tình Kyrgyzstan chiếm các cơ quan chính phủ

Lực lượng biểu tình Kyrgyzstan chiếm các cơ quan chính phủ
  • Đụng độ với cảnh sát làm ít nhất 17 người chết

Hàng ngàn người biểu tình tại Kyrgyzstan ngày 7-4 đã chiếm tòa nhà Quốc hội, văn phòng tổng thống, văn phòng công tố viên và đài truyền hình. Thủ tướng Daniyar Usenov đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng cuộc biểu tình vẫn tiếp tục lan rộng.

Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động đã làm ít nhất 17 người thiệt mạng, hơn 180 người bị thương. AFP dẫn lời lực lượng đối lập cho biết số người chết là 100 người. Hãng thông tấn Kabar của Kyrgyzstan cho biết Bộ trưởng Nội vụ Moldomusa Kongatiyev bị đánh trọng thương tại TP Talas ở Tây Bắc nước này (có tin cho rằng ông này đã chết nhưng Chính phủ Kyrgyzstan bác bỏ). Người biểu tình cũng đã bắt giữ Phó Thủ tướng Akylbek Zhaparov.

Lực lượng biểu tình đốt xe cảnh sát.

Lực lượng biểu tình đốt xe cảnh sát.

Trước đó, vào đêm 6-4, hàng ngàn người người biểu tình tại TP Talas đã vượt qua hàng rào cảnh sát chống bạo động, xông vào tòa nhà của chính quyền thành phố và bắt thị trưởng làm con tin. Những người biểu tình đã đốt ảnh Tổng thống Kourmanbek Bakiyev; dùng gậy gộc, đất đá và chai lọ chống lại sự can thiệp của cảnh sát, đập phá các cửa sổ, đốt lửa trong tòa nhà chính quyền và đốt xe của cảnh sát.

Cuộc biểu tình cũng nổ ra tại nhiều khu vực khác như Naryn, Tokmak và Issyk-Kul. Tại thị trấn  Issyk-Kul, người biểu tình cũng đã phế truất thị trưởng và đưa người của họ lên thay.

Căng thẳng giữa chính phủ và lực lượng đối lập Phong trào Nhân dân thống nhất Kyrgyzstan gia tăng từ nhiều tuần qua sau khi hàng chục lãnh đạo lực lượng đối lập bị bắt giữ. Lực lượng này đã kêu gọi biểu tình trên toàn quốc phản đối sự lạm quyền của Tổng thống Bakiyev; tình trạng giá nhiên liệu tăng cao và sự bất lực của chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng. Lực lượng đối lập cũng phản đối việc bổ nhiệm con trai tổng thống vào vị trí đứng đầu một cơ quan quan trọng của chính phủ. 

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thông qua người phát ngôn đã cho biết ông cảm thấy sốc trước nhiều cái chết trong vụ biểu tình và kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại. Mỹ và Nga, cả hai nước có căn cứ quân sự tại Kyrgyzstan, bày tỏ quan ngại sâu sắc.

Hãng tin Ria-Novosti của Nga cho biết Chính phủ Kyrgyzstan bước đầu đã chấp nhận đàm phán với lực lượng đối lập.

Cách đây 5 năm, các cuộc cách mạng Tulip đã giúp đưa ông Bakiyev lên làm tổng thống. Khi đó ông hứa hẹn chống tham nhũng và đẩy mạnh dân chủ nhưng cho tới nay, Kygyzstan ngày càng rơi vào tình trạng chuyên chế và tham nhũng ngày càng tăng.

K.Minh

Tin cùng chuyên mục