Thái Lan thành lập lực lượng đặc nhiệm truy bắt các thủ lĩnh UDD

(SGGPO).- Chính phủ Thái Lan ngày 12-4 đã thành lập lực lượng đặc nhiệm gồm 400 binh sỹ để truy bắt những thủ lĩnh của Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) nằm trong danh sách bị bắt giam vì vi phạm pháp luật.

Lực lượng đặc nhiệm sẽ phối hợp tăng cường đảm bảo an ninh cho Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và Phó Thủ tướng phụ trách an ninh Suthep Thaugsuban.

Trung Tướng cảnh sát Tha-ngai Pratsajaksattru, thành viên Cục điều tra an ninh, đã chỉ thị cho Ban trấn áp tội phạm tiến hành khám xét nhà của Arisman Pongruengrong, chuyên gia quân đội Khattiya Sawasdipol và 5 thủ lĩnh khác của UDD. Các thám tử của Cục điều tra an ninh cũng đang truy tìm tung tích của những thủ lĩnh này, được cho là đang lẩn trốn trong đám đông biểu tình để tránh bị bắt giữ.

Cùng ngày, lực lượng Cảnh sát Thủ đô đã nhận được trát bắt giam một nghi phạm dính líu tới vụ ném lựu đạn gần Bộ Quốc phòng hôm 20-3, và một phần tử khác bị tình nghi đã sử dụng ô tô để tiến hành vụ tấn công bằng bom trước cơ sở massage Poseidon ngày 5-4 vừa qua. Trong khi đó, sáng sớm nay (13-4), một vụ xả súng lại xảy ra tại khu vực tòa nhà cao tầng Cyber World Tower, làm vỡ một số cửa sổ trên tầng hai. Đây là vụ mới nhất trong khoảng trên 30 vụ tấn công tại Bangkok trong một tháng qua.

Chính phủ Thái Lan vẫn giữ quan điểm sẵn sàng đàm phán nhằm chấm dứt khủng hoảng. Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân ở Whasinhton, Ngoại trưởng Kasit Piromya bày tỏ lạc quan và tin tưởng rằng "sẽ đạt được một giải pháp thông qua đàm phán giữa các phe áo đỏ, áo vàng, áo xanh, áo hồng và áo trắng trong những ngày tới". Theo ông Piromya, bất cứ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng hiện nay đều phải nhấn mạnh tới vai trò của nền quân chủ, thúc đẩy sự tham gia của người dân nghèo ở nông thôn vào tiến trình chính chính trị của quốc gia.

Trong khi đó, Bộ Phát triển Xã hội và An ninh con người đang phối hợp với Bộ Lao động và Bộ Tư pháp Thái Lan tích cực trợ giúp gia đình những người tử nạn và bị thương trong vụ đụng độ hôm 10-4 vừa qua. Các nạn nhân sẽ được chi trả tiền viện phí theo mức độ thương tật, và mỗi gia đình có người thân bị thiệt mạng được chu cấp 400.000 bạt (trên 12.300 USD) bất kể họ là quân nhân, cảnh sát, phóng viên hay người biểu tình "áo đỏ", chỉ cần hội đủ tiêu chuẩn nhận hỗ trợ tài chính của chính phủ.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố cùng ngày 13-4, một thủ lĩnh của UDD, ông Jatuporn Prompan một lần nữa khẳng định sẽ không đàm phán với chính phủ, và cho biết người biểu tình sẽ không về nhà trước khi Thủ tướng Abhisit giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử.
 
Trong khi đó, phát biểu tại Whasington, Phó Thủ tướng Thái Lan Trirong Suwannakiri cảnh báo, nếu cuộc khủng hoảng hiện nay không chấm dứt, quân đội có thể can thiệp nhằm ổn định tình hình. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đây sẽ là "kịch bản tồi tệ nhất".

Giới phân tích cảnh báo rằng nếu Tòa án Hiến pháp ra lệnh giải tán đảng Dân chủ cầm quyền và Thủ tướng Abhisit bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm, khoảng trống chính trị nghiêm trọng có thể xảy ra. Trước đó, Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) đã trình đề nghị Tòa xem xét thông qua quyết định giải tán đảng cầm quyền với cáo buộc vi phạm Luật về đảng Chính trị ở Thái Lan khi nhận tiền quyên góp của công ty tư nhân TPI Polene.

Theo các chuyên gia, quyết định này nếu được đưa ra sẽ tạo ra khoảng trống chính trị trầm trọng do hầu hết các nhà chính trị hàng đầu của nước này đều đã và đang bị cấm họat động chính trị sau khi các đảng của họ bị buộc phải giải tán trong mấy năm gần đây.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thông báo của EC nhằm làm "giảm nhiệt" cuộc khủng hoảng chính trị để những người "áo đỏ" ngừng cuộc biểu tình kéo dài hơn một tháng qua.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục