Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan cảnh báo bạo loạn có thể lan tới thủ đô

Phó Thủ tướng Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan, ông Almazbek Atambayev cảnh báo bạo loạn ở miền Nam nước này có thể lan tới thủ đô Bishkek và khu vực Chui ở miền Bắc.
Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan cảnh báo bạo loạn có thể lan tới thủ đô

Phó Thủ tướng Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan, ông Almazbek Atambayev cảnh báo bạo loạn ở miền Nam nước này có thể lan tới thủ đô Bishkek và khu vực Chui ở miền Bắc.

Ông Atambayev cũng cáo buộc con trai của cựu Tổng thống bị lật đổ Kurmanbek Bakiyev là Maxim Bakiyev chi 10 triệu USD để tổ chức các cuộc bạo động ở miền Nam. Maxim vừa bị nhà chức trách Anh bắt giữ khi đặt chân xuống một sân bay ở Farnborough (Anh). Ông Atambayev cho biết Kyrgyzstan sẽ đấu tranh để dẫn độ Maxim Bakiyev về nước.

Cùng lúc này, Viện Kiểm sát Belarus đã từ chối dẫn độ cựu Tổng thống Kyrgyzstan Kurmanbek Bakiyev theo yêu cầu trao trả của Viện Kiểm sát Kyrgyzstan mà không nêu rõ nguyên nhân.

Người tị nạn sắc tộc Uzbek chờ đợi tại cửa khẩu biên giới Uzbekistan và Kyrgyzstan.

Người tị nạn sắc tộc Uzbek chờ đợi tại cửa khẩu biên giới Uzbekistan và Kyrgyzstan.

Trong khi đó, chỉ một ngày sau khi mở cửa biên giới cho phép những người Kyrgyzstan sang lánh nạn, Chính phủ Uzbekistan ngày 15-6 đã ra lệnh đóng cửa biên giới, chấm dứt việc đón nhận những người gặp nạn láng giềng. Phó Thủ tướng Uzbekistan Abdullah Aripov xác nhận nước này phải đóng cửa biên giới bất chấp những đề nghị khẩn thiết của các tổ chức cứu trợ và Liên hiệp quốc do hiện không còn đủ nơi ăn chốn ở để đón nhận những người chạy nạn.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Kyrgyzstan công bố sáng 15-6, con số thiệt mạng trong các vụ xung đột này hiện đã lên tới 170 người và hơn 1.760 người bị thương. Tuy nhiên các hãng tin nước ngoài như AFP, Tân Hoa xã cho biết số người chết có thể lên tới hơn 1.000 người.

Trước nguy cơ bạo lực tại Kyrgyzstan biến thành xung đột vũ trang và lan sang các nước láng giềng, Cao ủy LHQ về nhân quyền, bà Navi Pillay đã hối thúc nhà chức trách Kyrgyzstan hành động kiên quyết để chấm dứt các vụ đụng độ ở miền Nam mà bà cho rằng dường như đã “được sắp đặt, có mục tiêu và lên kế hoạch tốt” trước đó.

Theo bà Pillay, từ nhiều năm qua, đất nước Trung Á này đã được biết đến như một “mồi lửa tiềm tàng” và vì vậy bà kêu gọi nhà chức trách phải hành động kiên quyết để ngăn chặn xung đột càng sớm càng tốt, trước khi nó lan rộng hơn nữa trong lãnh thổ Kyrgyzstan hoặc thậm chí vượt qua biên giới lan cả sang các nước láng giềng. Bà Pillay cũng hối thúc các nước láng giềng Uzbekistan và Tajikistan tiếp tục mở cửa biên giới để đón nhận những người dân Kyrgyzstan sang lánh nạn.

Trong khi đó, các hãng tin Nga dẫn lời Tổng thống Dmitry Medvedev cho biết, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) có thể nhóm họp khẩn cấp để thảo luận tình hình căng thẳng ở nước thành viên Kyrgyzstan.

Trước đó, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (ODKB) gồm Kyrgyzstan, Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Tajikistan và Uzbekistan cũng đã nhóm họp khẩn cấp kêu gọi Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan nhanh chóng bình ổn trật tự - trị an và bảo đảm an ninh cho người dân Kyrgyzstan.

Theo Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga kiêm Chủ tịch Ủy ban Thư ký Hội đồng An ninh ODKB, ông N.Patrushev, những kiến nghị trên sẽ sớm được trình lãnh đạo cấp cao nhất của các nước ODKB xem xét. 

V.A.

- Thông tin liên quan:

>> Xung đột sắc tộc tại miền Nam Kyrgyzstan: 100.000 người tháo chạy sang Uzbekistan

>> Kyrgyzstan cho phép quân đội nổ súng để trấn áp

Tin cùng chuyên mục