Căng thẳng cuộc chiến khí đốt Nga-Belarus

Căng thẳng cuộc chiến khí đốt Nga-Belarus

Theo AFP, ngày 23-6, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã cắt thêm lượng khí đốt sang Belarus lên 60% giữa lúc Belarus đe dọa khóa đường ống dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu. Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller xuất hiện trên truyền hình cho biết tập đoàn của ông thực hiện tốt kế hoạch cắt giảm khí sang Belarus nhưng vẫn tiếp tục đảm bảo cung cấp khí đốt cho các khách hàng châu Âu.

Trước đó, Gazprom đã cắt giảm lần lượt 15% rồi 30% lượng khí đốt bán cho Belarus sau khi cáo buộc Minsk không trả nợ tiền khí đốt từ đầu năm tới nay ước tính 192 triệu USD. Phía Belarus đòi Gazprom trả tiền phí trung chuyển khí đốt cũng xấp xỉ bằng số tiền nói trên.

Người dân Belarus tự xoay xở tìm nguồn thay thế khi không còn khí đốt của Nga.

Người dân Belarus tự xoay xở tìm nguồn thay thế khi không còn khí đốt của Nga.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết sẽ không khuất phục trước việc Nga cắt khí đốt. Ông cho rằng hai nước đang đối mặt với “cuộc chiến khí đốt” và đã ra lệnh khóa đường ống dẫn khí đốt của Nga bán cho châu Âu cho tới khi nào Belarus nhận được tiền phí trung chuyển của Gazprom.

Ông Lukashenko nói với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov: “Tôi muốn thông báo với ông rằng mâu thuẫn hiện nay đã trở thành cuộc chiến tranh khí đốt. Tôi đã ra lệnh cho chính phủ cắt đường ống trung chuyển khí đốt cho tới khi Gazprom trả phí cho chúng tôi”.

Theo lời người phát ngôn văn phòng tổng thống Belarus, ông Pavel Liogki, Tổng thống Lukashenko lên án giới lãnh đạo Nga “sỉ nhục nhân dân Belarus”. Ông Lukashenko công kích cả Tổng thống Nga Dmitri Medvedev là có thái độ “không tương xứng với vị thế của một tổng thống, nhất là tổng thống một nước đồng minh”.

Người phát ngôn của Gazprom Sergei Kuprianov lên án quyết định khóa đường dẫn khí đốt của Belarus, xem đó là quyết định bất hợp pháp vì cả khí đốt và đường dẫn đều của Gazprom.

BBC dẫn lời người phát ngôn phụ trách năng lượng của Ủy ban châu Âu (EC) Marlene Holzner cho biết Litva, Đức và Ba Lan bị ảnh hưởng khi nguồn khí đốt từ Nga bị khóa tại Belarus, chiếm 6,25% sản lượng khí đốt tiêu dùng của EU. Nhưng khả năng là Nga sẽ tăng cường vận chuyển khí đốt qua ngõ Ukraine.

Bà Holzner kêu gọi Nga và Belarus sớm giải quyết căng thẳng, tránh để ảnh hưởng đến các nước khác. Bà Holzner cho biết EC sẽ nhóm họp khẩn cấp về tình hình cung cấp khí đốt cũng như sẽ phái một đoàn đến Belarus thương lượng.

Nga tăng giá khí đốt bán cho Belarus từ mức 150 USD/1.000m3 trong năm 2009 lên 169,20 USD trong quý 1-2010 và 184,8 USD trong quý 2. Nhưng Belarus vẫn chỉ trả ở mức 150 USD. Nếu tính theo giá này, từ nay đến cuối năm Belarus có thể nợ Gazprom lên đến 500 triệu USD hay 600 triệu USD. 

K.MINH

Tin cùng chuyên mục