Tiếp diễn “cơn giận đường phố” tại Ai Cập

Xung đột tôn giáo dâng cao
Tiếp diễn “cơn giận đường phố” tại Ai Cập

Đụng độ dữ dội xuất phát từ vụ biểu tình của những người theo đạo Thiên Chúa tức giận vì cuộc tấn công nhằm vào một nhà thờ Assouan hôm 30-9 tại Ai Cập đã làm 24 người thiệt mạng, hơn 200 người bị thương, 40 người bị bắt giữ. Đây được xem là vụ bạo động đẫm máu nhất kể từ khi cựu Tổng thống Mubarak buộc phải từ chức vào tháng 2, cho thấy sự bất ổn vẫn hiện hữu trong xã hội Ai Cập.

Biểu tình phản đối đốt phá nhà thờ Thiên Chúa giáo tại Cairo, Ai Cập.

Biểu tình phản đối đốt phá nhà thờ Thiên Chúa giáo tại Cairo, Ai Cập.

Xung đột tôn giáo dâng cao

Theo AFP, các vụ ẩu đả và xô xát diễn ra suốt đêm 9-10, khiến lực lượng an ninh Ai Cập phải triển khai hơn 1.000 người và nhiều xe bọc thép để bảo vệ tòa nhà đài truyền hình quốc gia cạnh sông Nile, nơi khởi nguồn bạo lực. Quân đội thiết lập lệnh giới nghiêm từ 2 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 10-10 cho tới 7 giờ sáng cùng ngày. Những người biểu tình Thiên Chúa giáo cho hay họ bắt đầu một cách hòa bình và chỉ cố gắng cùng nhau biểu tình ngồi trước đài truyền hình quốc gia. Sau đó họ bị tấn công bởi “những kẻ côn đồ”.

Tuy nhiên, theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường, một trong những người biểu tình quá khích đã ném đá vào lực lượng an ninh, đập phá xe hơi khiến bạo động bùng phát. Bạo động dâng cao khi có sự tham gia của các tín đồ Hồi giáo đứng về lực lượng an ninh. Các cuộc đụng độ lan sang Quảng trường Tahrir, hàng ngàn người kéo về nơi được coi là tâm điểm của các cuộc biểu tình dẫn tới sự sụp đổ chế độ của cựu tổng thống Hosni Mubarak.

Trước tình hình này, Thủ tướng Ai Cập Essam Charaf đã kêu gọi tất cả các tín đồ Thiên Chúa giáo và Hồi giáo ở trong nước không cuốn theo các vụ bạo loạn. Trong lời kêu gọi đăng trên trang mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Charaf khẳng định đây có thể là âm mưu gây bất ổn cho Ai Cập, vì vậy người dân phải cùng nhau đoàn kết.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với báo IHT (Mỹ), ông Charaf cho rằng “có những kẻ giấu mặt” sau vụ bạo động đẫm máu vừa xảy ra nhằm phá hoại tiến trình dân chủ tại Ai Cập. Nội các Ai Cập tổ chức một cuộc họp khẩn và đưa ra tuyên bố yêu cầu các lãnh đạo Thiên Chúa giáo và Hồi giáo tại nước này cùng ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết căng thẳng leo thang.

Niềm tin mong manh

Theo nhiều nhà phân tích nhận định, biểu tình liên tiếp ở Ai Cập cho thấy niềm tin mong manh của người dân với Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA). Vụ đụng độ đã phủ bóng đen lên cuộc bầu cử quốc hội, dự kiến diễn ra vào ngày 28-11. Những người theo Thiên Chúa giáo chiếm 10% trong số 80 triệu người Ai Cập, cho rằng chính phủ quân sự ở quốc gia Bắc Phi này đã quá nhẹ tay khiến những vụ bạo lực nhằm vào người theo đạo Thiên Chúa gia tăng thời hậu Mubarak.

Nếu CSFA không thể kiểm soát tình hình an ninh tại Ai Cập, các cuộc xuống đường sẽ diễn ra không ngừng, tiếp tục đẩy nền kinh tế Ai Cập vào khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ngân hàng Credit Agricole cũng hạ thấp mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ai Cập từ 5,3% xuống 3,7% trong năm nay. Các nhà đầu tư đã rút hàng trăm triệu USD từ nước này, dẫn đến lo ngại nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục, Ai Cập có thể không có đủ dòng tiền mặt để ngăn ngừa khủng hoảng kinh tế và tài chính dài hạn. 

Trong những năm qua, chính phủ Ai Cập đã thực hiện một chương trình tự do hóa nền kinh tế để tạo sự tăng trưởng. Nhưng bước đi này không làm giảm sự bất bình đẳng tại một quốc gia có tới 40% dân số sống ở mức nghèo khổ với thu nhập 2 USD mỗi ngày. Chính sự bất bình của người dân đã làm chính quyền của ông Mubarak phải sụp đổ và kịch bản này có thể lặp lại bất kỳ lúc nào khi chính quyền mới không làm thỏa mãn nguyện vọng đem lại cuộc sống ổn định hơn cho người dân.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục