“Cú sốc” Hy Lạp nhấn chìm thị trường tài chính thế giới

Ngày 2-11, thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục lao dốc sau quyết định đầy bất ngờ của Chính phủ Hy Lạp về trưng cầu dân ý đối với gói cứu trợ của châu Âu dành cho Hy Lạp. Với diễn biến mới nhất, một lần nữa khủng hoảng châu Âu vẫn luôn ở vị trí trung tâm.
“Cú sốc” Hy Lạp nhấn chìm thị trường tài chính thế giới

(SGGPO).- Ngày 2-11, thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục lao dốc sau quyết định đầy bất ngờ của Chính phủ Hy Lạp về trưng cầu dân ý đối với gói cứu trợ của châu Âu dành cho Hy Lạp. Với diễn biến mới nhất, một lần nữa khủng hoảng châu Âu vẫn luôn ở vị trí trung tâm.

Thị trường chứng khoán New York ngập tràn sắc đỏ sau “cú sốc” Hy Lạp

Thị trường chứng khoán New York ngập tràn sắc đỏ sau “cú sốc” Hy Lạp

Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc

Trong phiên giao dịch vào sáng ngày 2-11, chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản mất 2%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,4%, chỉ số S&P/ ASX 200 của Australia giảm 1,9%...

Trước đó, chốt phiên giao dịch tại thị trường New York vào sáng sớm, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 297,05 điểm tương đương 2,48% xuống 11.657,96 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 35,02 điểm tương đương 2,79% xuống 1.218,28 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 77,45 điểm tương đương 2,89% xuống 2.606,96 điểm. Mới chỉ sau 2 phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số S&P 500 đã mất tới 5%.

Tại thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh hạ 2,21%; chỉ số DAX của Đức mất 5%; chỉ số CAC 40 của Pháp mất 5,38%.

Không chỉ tác động mạnh lên thị trường chứng khoán, thị trường năng lượng cũng bị ảnh hưởng sâu sắc từ động thái bất ngờ của Chính phủ Hy Lạp. Chốt phiên giao dịch tại thị trường New York sáng 2-11, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12-2011 giảm 1 USD xuống còn 92,19 USD/thùng. Tại Luân Đôn, giá dầu thô Brent biển Bắc giao cùng tháng đã giảm 2 xen xuống còn 109,54 USD/thùng.

Trong khi đó, giá vàng mất mốc 1.700 USD xuống 1.680 USD/ounce. Đồng USD tăng mạnh, đồng EUR giảm giá 1,8% so với đồng USD, xuống còn 1 EUR tương đương 1,3609 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 12-10.

Pháp – Đức – IMF họp khẩn

Việc Hy Lạp bất ngờ thông báo tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về thoả thuận cứu trợ mới của Liên minh châu Âu (EU) dành cho nước này đã gây nên một “cú sốc” tâm lý đối với những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Mặc dù chi tiết của kế hoạch trưng cầu dân ý không được công bố và sẽ chỉ được đưa ra trong vài tuần tới, nhưng các nhà đầu tư trên thế giới đã lo lắng trước khả năng giới chính trị gia không chấp thuận thỏa thuận giải cứu mới nhất của EU. Hầu hết giới phân tích cho rằng, trong thời điểm hiện nay, người dân Hy Lạp chắc chắn sẽ nói không với kế hoạch cứu trợ mới, bởi đã có quá nhiều bất ổn xã hội liên quan tới các kế hoạch trước đó.

Lo ngại trước tuyên bố của Thủ tướng Hy Lạp, ngày 2-11, Điện Elysee ra thông báo khẳng định gói cứu trợ của châu Âu dành cho Hy Lạp là “cách duy nhất” để cứu Athens thoát khỏi tình trạng bi đát hiện nay. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi Hy Lạp nỗ lực hết sức để tự cứu mình. Ông Sarkozy cho rằng kêu gọi sự đồng lòng của người dân là cần thiết, song cũng không thể bỏ qua sự đoàn kết của tất cả các nước eurozone.

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi ra thông cáo cho rằng việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này sẽ tạo ra tình trạng mất niềm tin trên thị trường.

Trước tình hình “nước sôi lửa bỏng” ở Hy Lạp, Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí tổ chức một hội nghị khẩn cấp tại thành phố Cannes, Pháp với sự tham dự của tân Chủ tịch Ngân hang Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarder vào ngày 2-11. Trong hội nghị, các nhà lãnh đạo EU, ECB và IMF sẽ tiến hành thảo luận về phương thức đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel Kinh tế Christopher Pissarides, nếu người Hy Lạp bác bỏ kế hoạch cứu trợ của châu Âu, nhiều tác hại khôn lường sẽ xảy ra với nền kinh tế Hy Lạp, Liên minh châu Âu và đặc biệt là toàn bộ khu vực eurozone, do đây vẫn là trung tâm của các mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu.

        Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục