Nhật Bản: Hơn 1.800 người chết và mất tích sau vụ động đất

Nhật Bản: Hơn 1.800 người chết và mất tích sau vụ động đất

Theo kênh truyền hình NHK của Nhật Bản, tính đến sáng 12-3, số người chết và mất tích do động đất và sóng thần chiều 11-3 đã tăng lên hơn 1.800 người tại 10 tỉnh thành.

Số người xác nhận chết đã lên tới 580 người, số còn lại là mất tích. Số người chết do động đất tập trung ở ba tỉnh là Fukushima (83), Miyagi (80), và nhiều nhất là ở Iwate (191).

Nhân viên cứu hộ cứu chữa người bị thương sau động đất.

Nhân viên cứu hộ cứu chữa người bị thương sau động đất.

Văn phòng đối phó khẩn cấp động đất và sở cảnh sát tỉnh Miyagi - một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận động đất, cho biết sáng 12/3, 1.300 người đang đã được sơ tán đến sân bay Sendai, song vẫn còn rất nhiều người đang mắc kẹt tại các trường mầm non, trường tiểu học, bệnh viện và các tòa nhà cao tầng ở hai thành phố duyên hải Ishinomaki và Kesennuma thuộc tỉnh trên.

Sáng sớm 12/3, cảnh sát và lực lượng cứu hộ phát hiện thấy 300 thi thể tại quận Arahama thuộc thành phố duyên hải Sendai.

  • Tokyo tiếp tục rung chuyển vì động đất

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong khi các hậu quả của trận động đất và sóng thần khủng khiếp vừa qua chưa được khắc phục thì khu vực đất liền phía Đông Bắc thủ đô Tokyo lại tiếp tục bị rung chuyển bởi các trận động đất mạnh.

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), dư chấn mới nhất có cường độ 6,8 độ richter ở ngoài khơi bờ biển phía tây, các dư chấn trước đó xảy ra vào lúc 3 giờ 59 phút và 4 giờ 32 phút, với tâm chấn ở độ sâu 10km của trung tâm tỉnh Niigata và cường độ ước tính tại tỉnh Nagano xấp xỉ 6 độ trên thang đo động đất 7 độ của Nhật Bản.

Cho đến nay, thiệt hại của các trận động đất mới nhất này vẫn chưa được xác định. Kể từ sau trận động đất mạnh vào chiều 11/3, hàng loạt các rung chấn vừa và mạnh vẫn tiếp tục làm rung chuyển thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận khác. JMA đã kêu gọi người dân cảnh giác về khả năng xảy ra các dư chấn với cường độ có thể cao hơn 7 độ trong một tháng tới và có thể gây ra sóng thần.

Do ảnh hưởng của trận động đất dữ dội trên và các dư chấn khác, nhiều tuyến đường sắt ở thủ đô Tokyo và các tỉnh phụ cận khác đã ngừng hoạt động. Tối cùng ngày, hơn 20.000 đã bị mắc kẹt tại các nhà ga lớn ở trung tâm thủ đô Tokyo và ba tỉnh lân cận; trong đó riêng tại ga Shinjuku ở trung tâm thủ đô Tokyo, có tới 9.500 người không thể về nhà.

Chính quyền thủ đô Tokyo đã quyết định mở các cơ sở công cộng và các trường học do thủ đô quản lý để cho những người không thể về nhà tạm thời trú ngụ. Các cửa hàng tiện ích, nhà hàng và cửa hàng bán đồ ăn nhanh cũng được yêu cầu cung cấp nước uống và nơi nghỉ ngơi cho những người không may mắn này.

Người dân xếp hàng chờ xe buýt ở Tokyo sau khi hệ thống xe điện ngừng hoạt động.

Người dân xếp hàng chờ xe buýt ở Tokyo sau khi hệ thống xe điện ngừng hoạt động.

Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, giao thông đường không cũng bị tê liệt. Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, tính đến 10 giờ cùng ngày, trận động đất trên đã khiến 903 chuyến bay bị hủy và 303 chuyến bay khác bị trì hoãn. Khoảng 13.000 người đã bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế Narita nằm ở tỉnh Chiba, giáp thủ đô Tokyo, trong khi 10.000 người khác cũng bị mắc kẹt tại sân bay Haneda ở thủ đô này. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở sân bay Sendai thuộc tỉnh Miyagi. Bốn đoàn tàu của Công ty Đường sắt Đông Tokyo chạy ở khu vực bờ biển các tỉnh Miyagi và Iwate vẫn chưa liên lạc đ/sggp/editors/editpagePublishược sau các đợt sóng thần “chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ” vừa qua.

Các cơ quan chức năng của Nhật Bản vẫn chưa xác định được chính xác có bao nhiều hành khách đi trên các tuyến tàu Ofunato, Senseki và Kesennuma chạy ven bờ biển Thái Bình Dương khi trận động đất có cường độ 8,9 độ xảy ra. Trước đó, một đoàn tàu khác chạy trên tuyến Senseki cũng bị trệch đường ray ở gần ga Nobiru. Chưa có thông tin về số phận của các hành khách đi trên chuyến tàu này.

Phát biểu tại cuộc họp báo đêm 11/3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano thừa nhận số lượng người chết trong trận động đất vừa qua là cực kỳ lớn.

Về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân sau trận động đất vừa qua, sáng 12/3, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã thông báo với Chính phủ Nhật Bản về tình hình khẩn cấp ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 khi chỉ số áp suất trong khoang chứa lò phản ứng của nhà máy này liên tục tăng. Mức độ phóng xạ tại phòng điều khiển của nhà máy điện hạt nhân này cao gấp 1.000 lần so với mức độ thông thường. Do lo ngại các khoang chứa này có thể bị vỡ, TEPCO đã quyết định mở van xả khí để giảm áp suất.

Quang cảnh hoang tàn sau trận động đất

Quang cảnh hoang tàn sau trận động đất

Chính phủ Nhật Bản sẽ ra quyết định cuối cùng vấn đề này. Điều nguy hiểm là không khí thải có chứa chất phóng xạ ở đây có thể lan sang khu vực xung quanh. TEPCO lo ngại chất phóng xạ có thể đã bị rò rỉ tại nhà máy này.

Để đề phòng nguy cơ rò rỉ chất phóng xạ, các cư dân sống trong bán kính 3km từ nhà máy này đã được lệnh sơ tán, trong khi những người sống trong bán kính 10km cũng được yêu cầu ở trong nhà.

Khoảng 160 binh sỹ của lực lượng đặc nhiệm thuộc Lực lượng Phòng vệ trên đất liền (GSDF) được trang bị các thiết bị và phương tiện chuyên dụng để đối phó với thảm họa hóa chất đã được triển khai tại khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 để giúp sơ tán người dân địa phương. Trong khi đó, ba lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 2 cũng mất chức năng làm mát. Nguy cơ xảy ra sự cố ở ba lò phản ứng này cũng cao.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về điện hạt nhân lần đầu tiên trong lịch sử nước này. Điều này sẽ giúp các cơ quan chức năng Nhật Bản có thể dễ dàng thực hiện các biện pháp cứu trợ khẩn cấp. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa đã ra lệnh cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) hành động theo tuyên bố trên của Thủ tướng Kan.

Ngay sau trận động đất vào chiều cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai các binh sỹ của SDF tới tỉnh Miyagi và các địa phương khác ở phía Đông Bắc Nhật Bản.

Theo Bộ Quốc phòng, có tổng cộng khoảng 8.400 binh sỹ của SDF đã được triển khai hoặc đang chuẩn bị triển khai tới các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần; trong khi theo NHK, khoảng 300 máy bay và 40 tàu quân sự của lực lượng này cũng được huy động để đối phó với thảm họa.

Sóng thần đổ bộ vào vùng ven biển Nhật Bản cuốn phăng tất cả những gì có trên đường đi của nó.

Sóng thần đổ bộ vào vùng ven biển Nhật Bản cuốn phăng tất cả những gì có trên đường đi của nó.

Các binh sỹ của GSDF đã xuất phát từ các doanh trại ở các tỉnh Aomori, Iwate, Miyagi và Fukushima để tới các khu vực bị thiệt hại theo yêu cầu của các tỉnh. GSDF đã cử các sỹ quan liên lạc tới các tỉnh Aomori, Akita, Miyagi, Iwate, Fukushima, Yamagata và Chiba để điều phối hoạt động triển khai quân.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã ra lệnh cho các nhóm trợ giúp y tế tới các tỉnh Miyagi, Fukushima và Ibaraki theo yêu cầu của chính quyền địa phương, trong khi một nhóm cứu trợ khẩn cấp của Cục Cảnh sát thủ đô Tokyo cũng bắt đầu lên đường tới vùng Đông Bắc Tohoku vào tối cùng ngày.

Cảnh sát tỉnh Osaka cũng điều 180 binh sỹ cho các nỗ lực cứu trợ. Cơ quan Quản lý Thảm họa và Cháy của chính quyền trung ương cũng đã cử 26 đội cứu trợ tới các tỉnh Miyagi, Iwate và bốn tỉnh khác ở vùng Tohoku bằng đường bộ và đường không.

Sáng 12/3, Thủ tướng Kan đã bay tới khu vực Đông Bắc Nhật Bản để thị sát tình hình. Theo kế hoạch, ông sẽ tới kiểm tra nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 - nơi nguy cơ rò rỉ phóng xạ rất cao. Trong khi đó, nội các Nhật Bản sẽ nhóm họp khẩn cấp lần hai vào 8 giờ 30 phút.

Hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeaki Matsumoto đã đề nghị Mỹ triển khai lực lượng quân sự đóng ở Nhật Bản để hỗ trợ công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả của trận động đất. Nhật Bản đặc biệt hy vọng quân đội Mỹ sẽ giúp vận chuyển những người ở khu vực có thảm họa.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho đến 0 giờ cùng ngày, ngoài Mỹ, có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cam kết hỗ trợ Nhật Bản hỗ trợ khắc phục hậu quả của các trận động đất và sóng thần vừa qua thông qua việc triển khai các nhóm cứu trợ, cung cấp hàng cứu trợ và vận tải.

Theo VietnamPlus

Tin cùng chuyên mục