Nhật Bản đối mặt với phóng xạ

Ngày 15-3, trong khi người dân Nhật Bản thấp thỏm với thông tin về mức độ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (Fukushima) thì cơ quan thời tiết LHQ cho biết, gió đã thổi đám mây phóng xạ ra xa ngoài khơi Nhật Bản và sẽ không ảnh hưởng đến nước này lẫn các quốc gia xung quanh. Tuy nhiên, cơ quan này cũng không dám chắc trong những ngày tới khi thời tiết thay đổi, điều gì sẽ xảy ra với Nhật Bản?
Nhật Bản đối mặt với phóng xạ

Ngày 15-3, trong khi người dân Nhật Bản thấp thỏm với thông tin về mức độ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (Fukushima) thì cơ quan thời tiết LHQ cho biết, gió đã thổi đám mây phóng xạ ra xa ngoài khơi Nhật Bản và sẽ không ảnh hưởng đến nước này lẫn các quốc gia xung quanh. Tuy nhiên, cơ quan này cũng không dám chắc trong những ngày tới khi thời tiết thay đổi, điều gì sẽ xảy ra với Nhật Bản?

  • Mức phóng xạ lên xuống thất thường

Sáng 15-3, tình hình trở nên nghiêm trọng khi các lò phản ứng hạt nhân số 2 và số 4 tại Fukushima tiếp tục nổ và cháy. Lò phản ứng số 5 và số 6 cũng có dấu hiệu không bình thường khi nhiệt độ tại các lò này tăng nhẹ. Các chuyên gia của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, hồ chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của lò phản ứng số 4 đã bị hư hỏng nặng, khiến chất phóng xạ đang giải phóng trực tiếp vào bầu khí quyển.

Theo Cơ quan khí tượng học Nhật Bản, tối 15-3, một trận động đất mạnh 6,0 độ richter đã làm rung rinh các tòa nhà tại Tokyo. Tâm chấn nằm tại tỉnh Shizuoka, sâu dưới lòng đất 10 km, cách Tokyo khoảng 120 km. Ít nhất 2 người bị thương.

Mức phóng xạ đo được tại Fukushima đã lên tới 400 milisievert (đơn vị đo mức độ phóng xạ) nhưng theo các chuyên gia phải tới 1.000 milisievert mới ảnh hưởng đến sức khỏe. IAEA cho biết, cơ quan này đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Nhật Bản để nắm bắt thông tin và kiểm soát tình hình tại khu vực Fukushima.

Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản, Yuki Edano, cảnh báo mức độ chất phóng xạ như hiện nay hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Mức phóng xạ tại thủ đô Tokyo đo được ngày 15-3 cao hơn mức thông thường.

Các nhân viên Công ty điện Tokyo kiểm tra hoạt động của bể chứa hạt nhân trong khu nhà đặt lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Các nhân viên Công ty điện Tokyo kiểm tra hoạt động của bể chứa hạt nhân trong khu nhà đặt lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Theo ông Y.Edano, chất phóng xạ có khả năng phát tán trong phạm vi bán kính 20-30 km. Do mức độ nguy hiểm như vậy, chính phủ Nhật Bản đã thiết lập vùng cấm bay trong bán kính 30 km xung quanh Fukushima. Quyết định này được đưa ra dựa trên Luật hàng không dân sự, nhưng không cấm các chuyến bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ.  

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã yêu cầu người dân sống xung quanh nhà máy Fukushima trong phạm vi bán kính 10 km ở yên trong nhà để giảm thiểu khả năng bị nhiễm phóng xạ. Theo AFP, tính đến ngày 15-3, khoảng 800 nhân viên làm việc tại Fukushima và hơn 200.000 người đã được yêu cầu sơ tán.

Tuy nhiên, đến chiều 15-3, người dân Nhật Bản dường như đã bớt căng thẳng hơn khi chính phủ nước này thông báo mức phóng xạ tại Fukushima, Tokyo đã giảm xuống.

  • Người dân đối mặt với phóng xạ, giá rét
Sau cuộc giải cứu thần kỳ một bé gái 4 tháng tuổi, ngày 15-3, các nhân viên cứu hộ Nhật Bản tiếp tục cứu sống được 2 người sau 4 ngày bị chôn vùi bởi các đống đổ nát. Đó là cụ bà Sai Abe, 70 tuổi, tại thị trấn Otshuchi, tỉnh Iwate và một nam thanh niên ở độ tuổi 20, tại thị trấn Ishimaki thuộc tỉnh Miyagi, nơi bị động đất phá hủy nặng nề nhất.

Theo ghi nhận của các hãng tin nước ngoài, người dân tại nhiều thành phố ở Nhật Bản đã đổ xô đi mua các đồ dùng chống phóng xạ do lo sợ mức phóng xạ ngày một tăng. Giá thuốc iodine có khả năng chống phơi nhiễm phóng xạ được giao bán trên mạng ngày

15-3 tăng cao chóng mặt do có nhu cầu lớn. Trên website mua bán qua mạng eBay, giá bán 1 vỉ 14 viên thuốc iodine được niêm yết là 540 USD. Trước tình hình trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo: không thể sử dụng bừa bãi thuốc iodine mà phải có chỉ định của bác sĩ.

Thuốc này không có khả năng bảo vệ trước các thành phần phóng xạ như caesium và đặc biệt nguy hiểm đến sức khỏe cho một số đối tượng người sử dụng, trong đó có phụ nữ mang thai.

Một siêu thị với những kệ hàng trống trơn tại thủ đô Tokyo.

Một siêu thị với những kệ hàng trống trơn tại thủ đô Tokyo.

Trong khi đó, nhiều siêu thị mở cửa nhưng các quầy hàng trống trơn. Cô Kaoru Hashimoto, 36 tuổi, sống cách nhà máy Fukushima 80km về phía Tây Bắc, cho biết thời tiết lạnh giá khiến nhiều trẻ em bị ốm, nhưng các cửa hàng thuốc đều đóng cửa. Hàng hóa cứu trợ khẩn cấp vẫn chưa đến các trung tâm dành cho người đi sơ tán tại TP Fukushima. Theo cô Kaoru Hashimoto, điều cô quan tâm nhất bây giờ đó là làm sao để mẹ con cô không bị nhiễm phóng xạ.

  • Ráo riết khắc phục hậu quả

Chính phủ Nhật Bản vẫn ráo riết thực hiện công tác khắc phục các sự cố sau động đất. Chính phủ chỉ đạo chính quyền 47 tỉnh, thành phố phải báo cáo các số liệu quan trắc từ các trạm giám sát nồng độ phóng xạ ít nhất 2 lần/ngày, kịp thời thông báo lên chính phủ nếu nồng độ phóng xạ cao một cách bất thường, và công bố kết quả thống kê số liệu về nồng độ phóng xạ trên toàn quốc ít nhất 2 lần/ngày.

Trong khi đó, Ủy ban Quản lý hạt nhân của Mỹ (NRC) cho biết, chính phủ Nhật Bản cũng đã đề nghị Mỹ giúp kiểm soát các nhà máy điện hạt nhân trong bối cảnh Tokyo đang phải tiếp tục khắc phục các sự cố về hệ thống làm mát nhà máy điện hạt nhân. Phương án dùng trực thăng đổ nước làm mát hồ chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng đã được  tính đến.  Liên minh Châu Âu (EU) đã đề nghị IAEA tiến hành cuộc họp khẩn cấp tại Vienna, Áo vào tuần tới để thảo luận về sự cố hạt nhân ở Nhật Bản

ĐỖ VĂN

18.000 tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản vẫn an toàn

 (SGGP).- Chiều 15-3, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) cho biết, đã nắm bắt được thông tin cụ thể về 18.000 tu nghiệp sinh Việt Nam đang tu nghiệp tại Nhật Bản. Theo đó, phần lớn các tu nghiệp sinh đều tập trung chủ yếu ở miền Nam của Nhật Bản, cách xa nơi xảy ra động đất và sóng thần. Còn lại, số tu nghiệp sinh đang tu nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng mạnh bởi trận động đất, sóng thần và nổ hạt nhân xảy ra tại miền Bắc Nhật Bản hiện là 71 người, gồm các tỉnh: Fukushima, Iwate, Miyagi, Kushiro và Ibaraki.

Theo báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, hiện cơ quan này đã nắm bắt hầu hết thông tin của số tu nghiệp sinh Việt Nam đang tu nghiệp tại Nhật Bản do các nghiệp đoàn và đại diện doanh nghiệp ở Nhật Bản cung cấp. Cho đến thời điểm hiện nay, các tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản vẫn đều an toàn.

V.PHÚC

Viết từ Nhật Bản: Xe đạp hút hàng

Ở Tokyo, hàng ngày vẫn xảy ra những trận động đất nhỏ dưới 3 độ richter. Vùng Kanto (Tokyo, Chiba, Saitawa, Ibaraki, Kanagawa, Sizuoka) đang bị cắt điện luân phiên khiến mọi hoạt động giao thông công cộng đều bị ảnh hưởng. Các tuyến tàu điện tại Tokyo chưa hoạt động lại bình thường. Hàng ngày, dòng người xếp hàng chờ đi tàu điện rất đông. Xe hơi cũng di chuyển với lưu lượng ít hơn vì người ta lo ngại về tình trạng khan hiếm nhiên liệu sau động đất. Xe đạp đang là mặt hàng bán chạy nhất. Các cửa hàng bán xe đạp tấp nập người ra vào-hình ảnh rất hiếm thấy trước đây. Để công việc được đảm bảo, người Tokyo đã chọn xe đạp là phương tiện di chuyển đến chỗ làm vì không tốn xăng, tránh khoảng thời gian chờ đợi ở các nhà ga tàu điện.

Tiết kiệm điện diễn ra tại nhiều khu phố chính của Tokyo. Đến 19 giờ tối, các cửa hiệu tắt hết các đèn neon, áp phích quảng cáo bằng điện, nhiều ngọn đèn đường cũng được tắt và thay vào đó là các bóng đèn sạc. Các cửa hiệu hoạt động lại bình thường, nhưng số người mua ở Tokyo không nhiều. Họ không đổ xô đi mua hàng nhu yếu phẩm để tích trữ là do muốn giảm bớt nhu cầu của bản thân sẻ chia những mặt hàng này đến những người dân ở vùng động đất, tránh tình trạng khan hiếm hàng. Hiện có thông tin cho biết là vùng Kanto sắp tới sẽ bị cắt gas, nên trong những ngày tới việc sinh hoạt có thể sẽ khó khăn hơn hiện tại.

THU THỦY (từ Tokyo)

Bình tĩnh sống chung với khó khăn

Ở Yokohama, hầu hết các siêu thị vẫn không đủ thực phẩm để cung cấp cho người dân. Do cúp điện, nên các mặt hàng như pin, đèn cầy bán rất chạy. Nhiều khu vực bị thiệt hại nặng như Fukushima, Iwate vẫn trong tình trạng không có nước, không có điện liên tục trong những ngày qua. Người lánh nạn phải mất gần 2 tiếng đồng hồ để xếp hàng lấy nước từ nơi khác mang đến. Ở những nơi đó, chính phủ cũng đã thiết lập đường dây điện thoại nóng để mọi người liên lạc với người thân. Nhưng để được gọi điện thoại, mọi người cũng phải xếp hàng. Chính quyền địa phương cũng đã rất chu đáo khi tạo ra một số chỗ để sạc điện thoại di động tạm thời.

Tại các khu vực tị nạn, mặc dù hôm nay người dân đã được cung cấp thuốc men, lương thực đầy đủ hơn, nhưng nhà vệ sinh thiếu trầm trọng. Từ hôm bị thiên tai đến nay, mọi người chỉ tắm có một lần thôi. Nhiều người đã hì hục tìm cây gỗ, cưa ra để làm nhà vệ tinh tạm cho cộng đồng sử dụng. Sống ở đây, mới thấy người Nhật sống vì cộng đồng hơn là vì bản thân mình. Trước tin đồn rò rỉ hạt nhân, người dân Nhật vẫn tỏ ra khá bình tĩnh. Có lẽ do đoán trước tình hình này nên không thấy mọi người hoang mang, lo sợ nhiều.

HỒNG DIỆU (từ Yokohama)

Thảm họa động đất, sóng thần lớn nhất lịch sử Nhật Bản

>> Nhật Bản: Cứu sống bé 4 tháng tuổi- thêm hy vọng cho người gặp nạn

>> Tự tin Nhật Bản

>> Nhật Bản: Nổ lò phản ứng số 3 của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1

>> Thảm họa động đất, sóng thần lớn nhất lịch sử Nhật Bản - Nguy cơ nguồn nước bị nhiễm phóng xạ

>> Thoát chết sau hai ngày bị sóng thần lôi ra biển

>> Nguy cơ nguồn nước bị nhiễm phóng xạ

>> Nhật Bản: Cảnh báo cao độ tại các nhà máy điện hạt nhân

>> Nhật Bản: Hơn 1.800 người chết và mất tích sau vụ động đất

>> Động đất, sóng thần lớn nhất lịch sử Nhật Bản: Hàng trăm người thương vong

>> Nhật Bản: Động đất 7,9 độ richer khiến 26 người chết và hàng chục người bị thương

>> Nổ tại nhà máy điện hạt nhân

Tin cùng chuyên mục