Thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản

Thế giới hỗ trợ Nhật Bản đối phó với phóng xạ

- Lò phản ứng 1, 2, 3:
Thế giới hỗ trợ Nhật Bản đối phó với phóng xạ
  • Phóng xạ mức thấp lan tới Tokyo

Theo Reuters, chất phóng xạ rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã lan tới Tokyo trong ngày 16-3 nhưng với mức độ phóng xạ thấp. Mặc dù vậy, nhiều người dân Tokyo cũng đã rời thành phố. Nhiều chuyến bay chuyển hướng không tới Tokyo vì lo ngại nhiễm phóng xạ. Pháp, Australia, Anh và một số nước khác đã kêu gọi công dân rời khỏi Nhật Bản hoặc xuống miền Nam Nhật Bản. 

Đại sứ Nhật Bản tại các tổ chức quốc tế Takeshi Nakane đã lên tiếng yêu cầu Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhanh chóng cử các chuyên gia hạt nhân tới Nhật Bản để giúp nước này đối phó với các sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 “càng nhanh càng tốt”.

Dò tìm phóng xạ ảnh hưởng người dân ở gần khu vực nhà máy Fukushima.

Dò tìm phóng xạ ảnh hưởng người dân ở gần khu vực nhà máy Fukushima.

Hiện có 2 lĩnh vực mà IAEA rất quan tâm là các vụ cháy tại các bể chứa nhiên liệu hạt nhân và nguy cơ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết “tình huống hiện nay rất phức tạp và khó có thể dự đoán”.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết Nhật Bản sẵn sàng kêu gọi Mỹ giúp đỡ trong việc xử lý sự cố tại nhà máy Fukushima nếu cần thiết. Cho tới nay, quân đội Mỹ đã tham gia cung cấp vật liệu hậu cần. Hàn Quốc đang chuẩn bị đưa chuyến tàu chở hóa chất làm nguội lò phản ứng hạt nhân tới Nhật Bản. Tokyo đang cần 52 tấn boron để làm nguội lò phản ứng.

Trong khi đó, theo AFP, một trận động đất mạnh 6 độ richter ngoài khơi tỉnh Chiba đã xảy ra sáng 16-3. Trận động đất này làm rung chuyển nhiều tòa nhà ở Tokyo nhưng chưa có cảnh báo sóng thần mặc dù cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết sẽ có sóng lớn trên biển.

Theo Reuters, thiệt hại về kinh tế của Nhật Bản do trận động đất và sóng thần vừa qua trong khoảng từ 10 đến 16 ngàn tỷ yen (125 - 200 tỷ USD), xấp xỉ với trận động đất Kobe năm 1995 (thiệt hại 200 tỷ USD). Thiệt hại này bao gồm thiệt hại về cơ sở hạ tầng, sản xuất và tiêu dùng.

Đặc biệt, hậu quả của thảm họa này đe dọa tới nguồn cung cho nhiều sản phẩm xuất xứ từ Nhật Bản như các sản phẩm công nghệ và xe hơi.

Trong khi đó, tập đoàn xe hơi Toyota đã mở cửa hoạt động trở lại 7/22 nhà máy tại Nhật Bản. Bước đầu, Toyota ưu tiên sản xuất các phụ tùng phục vụ thị trường nội địa. Hãng này dự tính sẽ sản xuất hàng xuất khẩu vào ngày 21-3 tới. Về thị trường bán dẫn, Nhật Bản chiếm 1/5 tổng sản lượng toàn cầu. Vì vậy, các công ty sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thiệt hại của nền kinh tế Nhật Bản sau trận động đất này ảnh hưởng không đáng kể tới kinh tế thế giới do Nhật bản không phải là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo nhà kinh tế Ethan Harris thuộc Bank of America, thiệt hại chỉ làm giảm 0,1% tăng trưởng kinh tế toàn cầu - còn 4,2% trong năm 2011.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), khu vực động đất lần này có sản lượng kinh tế chỉ bằng một nửa so với khu vực động đất tại Kobe năm 1995.

Sau 2 ngày giảm mạnh, TTCK Tokyo ngày 16-3 tăng trở lại với mức 5,7%. TTCK các nước châu Á khác cũng tăng theo.

  • Tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1

- Lò phản ứng 1, 2, 3: Nổ và cháy, rò rỉ phóng xạ. 

- Lò phản ứng số 4: Đang bảo trì khi động đất xảy ra, cháy vào ngày 15-3 có thể do nổ khí hydro tại hồ chứa các thanh nhiên liệu đã sử dụng, chưa rõ mực nước làm lạnh trong hồ này và chưa thể bơm nước thêm vào hồ. Cháy tại tòa nhà có lò phản ứng vào ngày 16-3.

- Lò phản ứng số 5 và 6: Bảo trì khi xảy ra động đất, nhiệt độ tăng tại các hồ chứa thanh nhiên liệu đã sử dụng.

(Theo Japan Today)

* Bộ Khoa học Nhật Bản cho biết, mức phóng xạ lên đến 0,33 millisievert/giờ, tại những vùng cách nhà máy điện hạt nhân bị sự cố Fukushima số 1 khoảng 20km về hướng Tây Bắc. Các chuyên gia nói rằng, nếu tiếp xúc với phóng xạ như thế trong 3 tiếng, thì sẽ hấp thụ 1 millisievert, đây là mức tối đa mà 1 người hấp thụ trong 1 năm nhưng vẫn an toàn. (Theo NHK)

* Lần đầu tiên kể từ khi lên ngôi, Nhật Hoàng Akihito đã có bài diễn văn trên truyền hình vào tối 16-3. Nhật Hoàng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima và cho rằng số người thiệt mạng do trận động đất và sóng thần đang tăng lên từng ngày. Nhật Hoàng tha thiết hy vọng rằng mọi người cùng chia sẻ và giúp đỡ nhau để vượt qua thời điểm khó khăn này.

* Theo cảnh sát Nhật, tính đến tối 16-3, đã có hơn 12.000 người chết và mất tích, trong đó đã xác định được 4.277 người chết.

Khánh Minh

Thảm họa động đất, sóng thần lớn nhất lịch sử Nhật Bản

>> Mở cuộc vận động ủng hộ nhân dân Nhật Bản từ 15-3 đến 15-4

>> Nhật Bản đối mặt với phóng xạ

>> Nhật Bản: Cứu sống bé 4 tháng tuổi- thêm hy vọng cho người gặp nạn

>> Tự tin Nhật Bản

>> Nhật Bản: Nổ lò phản ứng số 3 của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1

>> Thảm họa động đất, sóng thần lớn nhất lịch sử Nhật Bản - Nguy cơ nguồn nước bị nhiễm phóng xạ

>> Thoát chết sau hai ngày bị sóng thần lôi ra biển

>> Nguy cơ nguồn nước bị nhiễm phóng xạ

>> Nhật Bản: Cảnh báo cao độ tại các nhà máy điện hạt nhân

>> Nhật Bản: Hơn 1.800 người chết và mất tích sau vụ động đất

>> Động đất, sóng thần lớn nhất lịch sử Nhật Bản: Hàng trăm người thương vong

>> Nhật Bản: Động đất 7,9 độ richer khiến 26 người chết và hàng chục người bị thương

>> Nổ tại nhà máy điện hạt nhân

Tin cùng chuyên mục