Nâng mức cảnh báo lò phản ứng hạt nhân: Nghiêm trọng và nguy hiểm

Hãng tin Kyodo News của Nhật Bản ngày 18-3 đưa tin, số người thiệt mạng và mất tích sau trận động đất kinh hoàng kèm sóng thần ở khu vực Đông Bắc nước này được xác nhận đã lên đến 17.227 người. Trong đó, số người chết là 6.911 người. Số người bị thương là 2.356 người.
Nâng mức cảnh báo lò phản ứng hạt nhân: Nghiêm trọng và nguy hiểm

Hãng tin Kyodo News của Nhật Bản ngày 18-3 đưa tin, số người thiệt mạng và mất tích sau trận động đất kinh hoàng kèm sóng thần ở khu vực Đông Bắc nước này được xác nhận đã lên đến 17.227 người. Trong đó, số người chết là 6.911 người. Số người bị thương là 2.356 người.

Chính phủ Nhật Bản ngày 18-3 đã nâng mức cảnh báo tình hình các lò phản ứng hạt nhân của nước này lên mức 5, được gọi là “mức nghiêm trọng và nguy hiểm”, tương đương với vụ tai nạn hạt nhân xảy ra tại đảo Three Mile của Mỹ vào năm 1979. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp đặc biệt bất thường vào ngày thứ hai, 20-3 tới.

Người dân Thái Lan viết lên bảng ở thủ đô Bangkok để tưởng niệm nạn nhân Nhật Bản. Ảnh: AFP

Người dân Thái Lan viết lên bảng ở thủ đô Bangkok để tưởng niệm nạn nhân Nhật Bản. Ảnh: AFP

Theo kênh NHK World của Nhật Bản, Cơ quan an toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật Bản (NISA) cho rằng, lượng phóng xạ gần nhà máy Fukushima-1 đang có dấu hiệu giảm sau hàng loạt biện pháp được thực hiện trước đó nhằm làm mát các lò phản ứng. Cơ quan này sẽ nỗ lực để khôi phục điện cho lò phản ứng số 1, 2, 3, 4 trong 3 ngày tới nhằm phục hồi hệ thống làm mát các bể chứa nhiên liệu đang quá nóng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khói đã bốc lên từ lò phản ứng số 2, nguyên nhân chưa được xác định.

Theo yêu cầu từ Chính phủ Nhật Bản, Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đã ra lệnh cho Trung tâm Phòng cháy chữa cháy Tokyo cử 30 nhóm cứu hộ khẩn cấp (gồm 139 nhân viên và các thiết bị hiện đại) đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1.

  • Tình người trong hoạn nạn

Nhiều ngày qua, các phương tiện truyền thông và cộng đồng mạng trên toàn thế giới đã góp nhặt những câu chuyện xúc động từ Nhật Bản. Những cử chỉ nhỏ bé nhưng chắc hẳn sẽ có tác động rất lớn đối với phần còn lại của thế giới.

Một cậu học sinh không may mất cả bố lẫn mẹ trong vụ thảm họa trên đã chia sẻ: “Không phải lỗi của ai cả, vì thế cháu phải thật mạnh mẽ và suy nghĩ tích cực để vượt qua nỗi đau này. Điều cháu có thể làm là ghi nhận lại hình ảnh thảm họa, một cách để viết lịch sử cho đất nước”. Ở ga tàu điện ngầm Tokyo, một cậu bé trạc 7-8 tuổi cúi rạp người để cảm ơn nhân viên tàu điện ngầm: “Cảm ơn mọi người đã cố gắng!” khiến những giọt nước mắt của người lớn tuôn trào vì xúc động.

Tại một cửa hàng bánh mì ở quận Nerima (Tokyo), đã quá giờ đóng cửa hàng nhưng một phụ nữ lớn tuổi vẫn mở toang cửa để mời mọi người đến lấy bánh mì miễn phí. Một số công ty nước giải khát thì cung cấp nước uống miễn phí, hoặc những nhà mạng thì đặt thêm nhiều điểm truy cập Internet hoặc điện thoại công cộng cho mọi người. Dọc một số con đường ở khu vực an toàn, nhiều người cầm trên tay tấm bảng: “Mời bạn dùng nhà vệ sinh của chúng tôi”.

Trong cái lạnh giá, tình người đã sưởi ấm nước Nhật. Tại khu tập trung người di tản đặt ở thị trấn Rifu của tỉnh Miyagi, một cụ ông nói với đứa cháu trai của mình: “Không biết ngày mai sẽ như thế nào?”. Cháu của ông đáp lại: “Ông đừng lo, khi chúng cháu lớn, chúng cháu sẽ khôi phục lại tất cả. Cháu hứa với ông!”. Cậu bé vừa nói vừa nhẹ nhàng xoa lưng cho ông mình. Bất cứ ai nghe được lời hứa ấy đều có thể tin vào một tương lai tươi sáng cho đất nước Nhật Bản.

  • Cộng đồng quốc tế chung tay

G-7 can thiệp giảm giá đồng yen

Theo AP, các quan chức tài chính khối G-7 ngày 17-3 đã đồng ý phối hợp làm giảm giá đồng yen hiện đang ở mức cao nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai tới nay. Đồng yen lên giá có thể gây hại tới hàng xuất khẩu của Nhật Bản trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với nhiều khó khăn do động đất và sóng thần gây ra. Đây là hành động phối hợp của G-7 can thiệp cứu tiền tệ quốc tế lần thứ 2 sau lần can thiệp làm tăng giá đồng euro năm 2000. Thông cáo chung sau cuộc điện đàm của các quan chức G-7 ghi: “Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Nhật Bản trong thời điểm khó khăn này thông qua việc sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản phục hồi nền kinh tế và tài chính của nước này”. Ngay sau tuyên bố của G-7, đồng yen giảm từ mức 1 USD = 79,25 yen xuống còn 1 USD = 81,26 yen.

Trong nỗ lực hỗ trợ Nhật Bản, nhiều cơ quan thuộc LHQ đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai lực lượng, trong đó nhấn mạnh việc thiết lập thông tin viễn thông nhằm đảm bảo hỗ trợ kịp thời các nạn nhân cũng như các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn và phục hồi sau thảm họa.

Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã gửi khẩn cấp nhiều thiết bị viễn thông đến các khu vực bị tác động nghiêm trọng của động đất và sóng thần, triển khai khẩn cấp 78 thiết bị điện thoại vệ tinh Thuraya với công nghệ định vị toàn cầu, 13 thiết bị điện thoại vệ tinh Iridium và 37 thiết bị điện thoại Inmarsat băng rộng có thể hoạt động trong mọi tình huống ngay cả những nơi không có lưới điện.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã khởi động hệ thống Phản ứng khẩn cấp về môi trường để giám sát hướng gió và dòng chất phóng xạ thoát ra từ nhà máy điện hạt nhân bị hư hại do động đất.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã chuyển 60.000 chăn, nước uống, lương thực, thiết bị vệ sinh, thiết bị sưởi ấm đến các nạn nhân ở những khu vực trên. 

NHƯ QUỲNH

Thông tin liên quan

>> Việt Nam Không ảnh hưởng bụi phóng xạ

>> Việt Nam chia sẻ khó khăn với Nhật Bản

>> Nhật Bản: Số người thiệt mạng và mất tích lên đến 16.600 người

>> Nỗ lực làm mát các lò phản ứng hạt nhân  

Tin cùng chuyên mục