Chiến dịch không kích Libya bước sang giai đoạn 2

Chiến dịch không kích Libya bước sang giai đoạn 2

* Giao tranh tiếp diễn giữa quân nổi dậy và lực lượng của ông Gaddafi

Ngày 22-3 là ngày thứ ba lực lượng liên quân không kích Libya. Theo Reuters, người ta nghe nhiều tiếng nổ lớn vào đêm 22-3 giờ địa phương. Truyền hình Nhà nước Libya cho biết nhiều khu vực ở thủ đô Tripoli đã hứng chịu các cuộc tấn công của “kẻ thù thập tự chinh”.

Cũng theo đài truyền hình này, “những cuộc tấn công không làm nhân dân Libya khiếp sợ”. Nhiều vệt sáng của súng phòng không Libya bắn lên trong nỗ lực cố gắng bắn hạ máy bay liên quân. Người ta nghe tiếng súng vang rền cùng những khẩu hiệu ủng hộ Gaddafi tại khu vực trung tâm Tripoli.

Trước đó, ông Gaddafi đã cho một số nhà báo tới đống đổ nát tại dinh thự của ông sau cuộc không kích của liên quân. Chính phủ Libya cho biết hàng chục thường dân đã chết trong các vụ không kích của Libya nhưng Pháp cho rằng điều này không có bằng chứng. Các nhà báo tại Libya không được phép vào bệnh viện hay các khu vực dân sự được cho là trúng tên lửa hay bom của liên quân.

Máy bay chiến đấu F-15E của Mỹ rơi tại Libya.

Máy bay chiến đấu F-15E của Mỹ rơi tại Libya.

Người dân Libya nhìn xác máy bay F-15E của Mỹ rơi gần thị trấn Benghazi, cứ điểm của lực lượng nổi dậy Libya, ngày 22-3. Thông báo của quân đội Mỹ cho biết máy bay rơi vì lý do kỹ thuật và nguyên nhân cụ thể đang được điều tra. Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Phi, đơn vị chỉ huy chiến dịch tại Libya, cho biết 2 phi công đã nhảy dù an toàn ra khỏi máy bay. Do rơi tại vùng của các tay súng nổi dậy, 2 phi công được đối xử tốt và cả hai đã được lực lượng liên quân đưa ra khỏi Libya. (Ảnh Washington Post)

Người dân Libya nhìn xác máy bay F-15E của Mỹ rơi gần thị trấn Benghazi, cứ điểm của lực lượng nổi dậy Libya, ngày 22-3. Thông báo của quân đội Mỹ cho biết máy bay rơi vì lý do kỹ thuật và nguyên nhân cụ thể đang được điều tra. Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Phi, đơn vị chỉ huy chiến dịch tại Libya, cho biết 2 phi công đã nhảy dù an toàn ra khỏi máy bay. Do rơi tại vùng của các tay súng nổi dậy, 2 phi công được đối xử tốt và cả hai đã được lực lượng liên quân đưa ra khỏi Libya. (Ảnh Washington Post)

Theo AFP, phát biểu trong một cuộc họp báo khẩn cấp, người phát ngôn Chính phủ Libya, ông Mussa Ibrahim, kịch liệt lên án các vụ ném bom. Theo ông, liên quân do Mỹ, Anh và Pháp cầm đầu đã đánh phá thị trấn miền Nam Sebha, thành trì của bộ lạc Guededfa của nhà lãnh đạo Gaddafi và thành phố Sirte, nơi đặt một số cơ quan quan trọng của chính phủ và cũng là quê hương của ông Gaddafi. Theo ông, đã có thêm nhiều dân thường thiệt mạng, nhiều sân bay dân sự và cảng biển bị phá hủy trong các vụ không kích mới.

Sau 3 ngày không kích, hãng tin AP dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết giai đoạn đầu của chiến dịch không kích đã thành công. Giờ đây liên quân đang chuyển sang mở rộng vùng cấm bay ở đất nước Bắc Phi này trong khi vẫn tiếp tục tấn công trên quy mô nhỏ vào hệ thống phòng thủ của Libya và dọn đường cho các hoạt động nhân đạo.

Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, các cuộc không kích của liên quân đến nay đã làm giảm 50% năng lực phòng thủ của Libya. Trong tuần này, vùng cấm bay sẽ được mở rộng tại khu vực bờ biển của Libya và xung quanh cứ điểm Benghazi của quân nổi dậy.

3 nhà báo đang bị bắt giữ tại Libya

Theo AFP, 3 nhà báo phương Tây bị mất tích cuối tuần qua tại Libya hiện đang bị lực lượng của ông Gaddafi bắt giữ. Phóng viên Dave Clark và phóng viên ảnh Roberto Schmidt của hãng tin AFP và nhà nhiếp ảnh Joe Raedle của Getty trên đường từ Tobruk Ajdabiya thì gặp một đoàn xe quân sự của Libya. Theo tài xế của các nhà báo, ông định quay đầu xe thì bị lực lượng này chặn và bắt giữ.

Trong lúc này, mặc dù các cuộc không kích đã chặn được một số cuộc tấn công của quân đội Libya vào lực lượng nổi dậy nhưng lực lượng này vẫn chưa phản công, gây lo ngại khả năng kéo dài quyền lực của Gaddafi. Giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn giữa lực lượng nổi dậy với quân đội Libya tại nhiều nơi.

Theo AFP, giao tranh giữa hai bên tại thị trấn Yafran, cách thủ đô Tripoli 130km về phía Tây Nam làm ít nhất 9 người chết. Theo Reuters, lực lượng của ông Gaddafi đã đưa xe tăng tới Misrata, thành phố lớn thứ ba của Libya. Giao tranh tại đây đã làm 40 người chết, trong đó có 4 trẻ em.

Theo một bác sĩ giấu tên ở Misrata, lực lượng của liên quân không bảo vệ được người dân nơi đây như Nghị quyết của LHQ đề ra. Theo ông, tình hình đang chuyển từ xấu sang tồi tệ. Lương thực thực phẩm đang cạn kiệt, lực lượng bắn tỉa khắp nơi bắn vào bất cứ ai trên đường.

Lực lượng của ông Gaddafi đang cố chiếm lại thị trấn Zintan gần biên giới Tunisia. Thị trấn Ajdabiya, cửa ngõ vào miền Đông của Libya đang bị lực lượng của ông Gaddafi bao vây một tuần qua cũng đã có nhiều cuộc giao tranh với quân nổi dậy.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, theo chính sách của Mỹ, “Gaddafi phải ra đi”. Ông Obama nói: “Bất ổn ở Libya có thể làm bất ổn Trung Đông lan rộng, gây hậu quả nguy hiểm cho lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin Nga Interfax, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng việc Tổng thống Gaddafi rời bỏ quyền lực là vấn đề do người Libya quyết định. 


Tin giờ chót

* Các máy bay của Bỉ và Tây Ban Nha bắt đầu tuần tra trên bầu trời Libya. Máy bay Typhoon của Anh bắt đầu các chuyến bay đầu tiên từ căn cứ không quân ở Italia. Pháp đưa tàu sân bay Charles de Gaulle tham gia chiến dịch. Na Uy vẫn chưa cho 6 máy bay chiến đấu xuất phát vì không rõ ai sẽ đứng đầu liên quân. 

* Trung Quốc cảnh báo về một “thảm họa nhân đạo” tại Libya và bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về báo cáo thương vong liên quan tới thường dân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói: “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi tất cả các bên chấp hành một lệnh ngừng bắn ngay lập tức”.

* Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết liên quân có thể ngừng không kích Libya bất kỳ lúc nào nếu nhà lãnh đạo Gaddafi tuân thủ các nghị quyết LHQ và chấp nhận ngừng bắn. Ông cũng kêu gọi thành lập ủy ban đặc biệt của ngoại trưởng các nước trong liên quân để giám sát chiến dịch tại Libya.

Nghị sĩ Mỹ: Cuộc chiến Libya vì dầu, không phải nhân quyền

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đối mặt với ngày càng nhiều lời chỉ trích của các nghị sĩ Quốc hội thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa liên quan tới việc ông ra lệnh tấn công Libya do họ lo ngại về cuộc chiến chưa biết bao giờ mới kết thúc và khả năng có thể có sự trả đũa theo kiểu vụ Lockerbie.

Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Michael Honda cho rằng những mỏ dầu lớn của Libya chứ không phải vấn đề nhân quyền là động lực thúc đẩy các cuộc tấn công của liên quân vào Libya. Ông cho rằng Lầu Năm góc “đã hành động dựa trên những tính toán về năng lượng ở Libya, nước có lượng dầu đứng thứ 7 thế giới”. Hành động của Mỹ tấn công Libya “gửi đi một thông điệp rằng nước Mỹ quan tâm rất ít tới nhân quyền và quyền tự do của con người ở nhiều nước khác như CHDC Congo, miền Tây Sudan hay Bờ Biển Ngà, những nước không có nguồn năng lượng quan trọng”.

Nữ Hạ nghị sĩ Candice Miller của đảng Cộng hòa, thành viên cao cấp trong Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ, cho rằng việc ông Obama ra lệnh tấn công Libya mà không có sự đồng ý chính thức của Quốc hội Mỹ “là không thể chấp nhận được”. Bà yêu cầu Tổng thống “phải trở về (từ chuyến thăm các nước Mỹ Latinh hiện nay) ngay lập tức và có một cuộc họp với Quốc hội để thảo luận hành động này một cách kỹ lưỡng”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, bà Ileana Ros-Lehtinen thuộc đảng Cộng hòa, cho rằng Tổng thống Obama “chưa xác định rõ cho người dân Mỹ về lợi ích an ninh cơ bản mà Mỹ có trong cuộc chiến tại Libya”.

KHÁNH MINH

- Thông tin liên quan:

>> Dinh thự của ông Gaddafi trúng tên lửa

>> Báo Le Mond: Phương Tây thu thập thông tin tình báo của Libya một thời gian dài

>> Những mốc quan hệ căng thẳng

>> Cuộc chiến Libya sẽ kéo dài?

Tin cùng chuyên mục